01/02/2019 14:54 GMT+7

Tô đậm chữ tình cho Tết Việt

THÁI LỘC  ghi
THÁI LỘC ghi

TTO - Tết Việt và người Việt ăn Tết từng được bàn bạc, mổ xẻ với lắm điều hay điều dở. Vậy trong thời đại mới này, mọi người mong muốn gì ở Tết cổ truyền?

Tô đậm chữ tình cho Tết Việt - Ảnh 1.

Mùng 1 Tết cả nhà ăn mặc đẹp, con cháu trong gia đình xếp hàng chúc Tết người lớn và được nhận bao lì xì - Ảnh: Nguyễn Công Thành

PV Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của ba người phụ nữ ở ba nơi khác nhau: GS.TS triết học Thái Kim Lan (trí thức người Đức gốc Huế), bạn Lê Mộc Miên (TP.HCM) và bạn Lê Hồng Nhung (Hà Nội, hiện đang học tại Mỹ).

GS.TS THÁI KIM LAN: Một cảm hứng mới về truyền thống

lan

Tết là ngày lễ đầu tiên - đánh dấu khởi điểm thời gian của một năm nên được gọi là Tết Nguyên đán và là ngày quan trọng nhất trong các lễ hội của người Việt. 

Không có lễ hội nào hội tụ đa dạng những nét bản sắc văn hóa như ngày lễ Tết. Có lẽ trong đời của một con người, kỷ niệm về những ngày Tết là những kỷ niệm sâu đậm nhất về quê hương, nếp gia phong của gia đình, sự ấm cúng của đoàn tụ, nỗi hoan hỉ hợp quần, nói chung là tình người trong những ngày Tết mang đến niềm vui và hi vọng trong tương lai.

"Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết / Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân" (Nguyễn Khuyến). 

Tuy nhiên, lễ càng to càng lắm tệ hại. Việc chạy đua mua sắm ba ngày Tết, vay nợ sắm Tết, chuộng hình thức khoe khoang, những con buôn, quảng cáo trục lợi vào dịp Tết hình như thời nào cũng xảy ra. 

May thay, có dấu hiệu giới trẻ thích ăn Tết theo truyền thống và đang tìm tòi chiều sâu của tất cả những điều gì có dính líu đến Tết, một cảm hứng mới về truyền thống như một hoài vọng cánh én mùa xuân, và hơn thế nữa với tinh thần khoa học trong việc tổ chức Tết.

Do vậy, nếu nên điều chỉnh cái gì chung quanh chữ Tết, vụ Tết, cái đó liên quan nhiều nhất đến người ăn Tết. Chữ "tình" trong Tết Việt cần được tô đậm nét hơn. 

Trong Tết, sức ấm chính là chữ tình nơi mỗi chiếc bánh chưng, nơi mứt gừng thơm ấm, nơi chén trà thơm hương mộc, nơi đóa hải đường hồn nhiên, nơi chiếc áo mới được nâng niu, nơi câu thơ mộc mạc... mà người xưa để lại với tấm lòng chí tình, xin hãy giữ gìn!

Lê Hồng Nhung: Đừng lãng phí thời gian

nh

Tết là một nét đẹp cổ truyền, là dịp để gia đình sum họp. Nhưng khi xã hội thay đổi không ngừng, nghỉ lễ dài ngày mà ai cũng tất bật lo sắm Tết và thực hiện các thủ tục chúc Tết, biếu Tết đôi khi gây ra mệt mỏi, lãng phí thời gian, tiền bạc. 

Bên cạnh đó, những buổi tiệc cuối năm miên man và những buổi gặp gỡ đầu năm cũng là cái cớ cho nhiều người say sưa rượu chè, dẫn đến tai nạn, ngộ độc, quá tải bệnh viện... 

Tôi mong rằng mọi người vui xuân nhưng vẫn có trách nhiệm khi đi đường và giữ sức khỏe cho bản thân, gia đình. 

Đồng thời, mong rằng các thủ tục biếu xén tiệc tùng được hạn chế, để sau Tết mọi người sẵn sàng và mạnh khỏe bắt đầu một năm mới năng suất hiệu quả.

Trong thời đại xã hội phát triển, thiết nghĩ ăn Tết sao cho gia đình được sum vầy, gắn bó đã là giữ được nét đẹp.

Lê Mộc Miên: Tìm những trải nghiệm riêng

mm

Với những người làm việc văn phòng như tôi thì Tết là dịp lý tưởng để đi du lịch. Rất may mắn, gia đình tôi luôn sống hướng tới giá trị "tôn trọng sở thích cá nhân và khi người thân mình vui thì mình cũng vui, không đặt nặng hình thức". 

Chính vì vậy, có những năm sau một hai ngày đầu năm ăn Tết cùng cả nhà, tôi vẫn thoải mái xách balô lên và đi du lịch cùng gia đình hoặc bạn bè. 

Thậm chí có năm, sau vài ngày đầu Tết thì mỗi thành viên trong gia đình lại chọn cho mình một hành trình riêng để du xuân.

Mỗi năm nhà tôi lại đón Tết theo cách rất riêng, quan trọng là ai trong nhà cũng có khoảng thời gian thoải mái, vui vẻ, nạp đầy năng lượng để chuẩn bị sống và làm việc hăng say cho cả năm trước mắt. 

Ngày Tết, được chia sẻ niềm hạnh phúc thực sự với người thân yêu đối với tôi là rất trọn vẹn rồi, không bắt buộc phải tuân theo những hình thức hay thủ tục nào.

Tết Ta gần với nhân sinh và môi sinh

Đã nhiều năm tôi có dịp thưởng thức Tết Tây ở xứ người, cũng từng trải qua những Tết Ta tha hương.

So với Tết Ta, Tết Tây chỉ xảy ra mấy tiếng đồng hồ, từ buổi chiều đến 12h đêm, thường là bạn bè gặp nhau, cụng ly mừng năm mới, ca hát, đốt pháo bông và nhảy đầm suốt đêm.

Tết Tây chỉ là một điểm giao thời giữa những con số mà con người ghi nhận có tính máy móc, có chút cảm khái về thời gian trôi đi, trong đó không có một ý niệm về sự khai mở sức sống mới của mùa xuân, bởi vì lịch mặt trời tính ngày 1 của năm vào tháng giêng là tháng lạnh nhất, vẫn còn đông giá.

Trong lúc tiết đầu năm của âm lịch ấm áp, đầy sức sống mới của mùa xuân, lúc trăm hoa đua nở, Tết Ta quả thực gần với nhân sinh và môi sinh kể về ngày tháng, thời tiết và đượm tình thân ái của con người. Trải qua những Tết Tây, người xa quê càng thấm đượm chiều sâu của Tết quê hương.

Thái Kim Lan

Tết Kỷ Hợi nói chuyện heo trong mâm cỗ tế lễ Tết Kỷ Hợi nói chuyện heo trong mâm cỗ tế lễ

TTO - Con heo xuất hiện trong hầu hết mâm cỗ tế lễ từ cung đình cho đến dân gian với rất nhiều hình thức, thậm chí 'biến thể', và được các nhà chuyên môn kiến giải một cách thú vị.

THÁI LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên