06/09/2021 09:40 GMT+7

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đang làm gì?

NGỌC AN - BẢO NGỌC
NGỌC AN - BẢO NGỌC

TTO - Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng. Tổ này đã bắt đầu vào cuộc nhanh.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đang làm gì? - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng sẽ giải quyết nhanh vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhanh phục hồi sau dịch - Ảnh: Q.ĐỊNH

Một ngày sau khi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng được thành lập, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các thành viên tổ công tác đã làm việc với Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN để giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng.

Thời gian qua dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng nhưng một số địa phương chưa thực hiện đúng tinh thần của Chính phủ, gây ách tắc hàng hóa.

Ông Nguyễn Chí Dũng (bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư)

Bắt tay ngay gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, nhiều khó khăn của cộng đồng nhà thầu xây dựng đã được tổ công tác đặc biệt giải quyết, ghi nhận vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng.

Cụ thể, hầu hết các vướng mắc liên quan tới tình trạng bất khả kháng trong bảo đảm tiến độ hợp đồng thi công mà các nhà thầu đang gặp phải, chủ yếu xảy ra với các hợp đồng PPP, hợp đồng thi công xây dựng sử dụng vốn ngân sách.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay: nhiều công trình bị người có thẩm quyền địa phương yêu cầu dừng thi công không được quy định trong các luật. Trong khi đó, nhà thầu lại không được phép lùi tiến độ theo hợp đồng. Cả Bộ luật dân sự 2015, Luật xây dựng 2014 đều không có quy định dịch bệnh là bất khả kháng. 

Quy định bất khả kháng hiện nằm trong phạm vi điều chỉnh của nghị định Chính phủ, vì vậy hiệp hội kiến nghị tổ công tác báo cáo cấp cao nhất để giải quyết khó khăn cho cộng đồng nhà thầu xây dựng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng khi Chính phủ đã xác định dịch còn dài, các địa phương cần có biện pháp sống chung với dịch chứ không thể "đóng sập cửa". Thời gian qua, có những tỉnh vài tuần không có F0 nhưng vẫn áp dụng các giải pháp của chỉ thị 16, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, đời sống. 

Cần quy định cụ thể vùng chưa có dịch, vùng có dịch nhẹ, dịch bùng phát nặng thì áp dụng các biện pháp chống dịch tại công trình xây dựng thế nào. Ví dụ những công trình xây dựng có hàng rào bao quanh, cách nhà dân 30m, ở khu độc lập... thì nên cho làm để vốn không bị chết trong những công trình dở dang.

Mong "kênh" gỡ khó kịp thời vấn đề nóng

Là một trong những hiệp hội có kiến nghị từ rất sớm về việc cần phải có "địa chỉ" cụ thể để doanh nghiệp và người dân phản ảnh những khó khăn, vướng mắc gặp phải do tác động từ dịch COVID-19, bà Đỗ Thị Thúy Hương - ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam (VEIA) - rất hoan nghênh sau khi Thủ tướng có cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp, đã thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt.

"Chúng tôi mong có đường dây nóng của tổ công tác để giải quyết nhanh những bất cập, vướng mắc phát sinh trong quá trình phòng chống dịch. Bởi có những địa phương khi giãn cách xã hội hay áp dụng biện pháp phòng chống dịch phát sinh vướng mắc mà doanh nghiệp chỉ biết kêu trời. Như vừa rồi doanh nghiệp xin cấp giấy đi đường cả tuần mà không được" - bà Hương chia sẻ.

Ông Thái Như Hiệp - giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - cho hay đặc thù ngành hàng cà phê, hồ tiêu khi vào được thị trường EU là sản phẩm trước khi xuất đi phải gửi mẫu để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn sản phẩm. Nhờ lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội để tìm kiếm được đơn hàng. 

Tuy vậy, suốt hai tuần qua doanh nghiệp gửi hồ sơ nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào về việc cấp giấy đi đường để mang mẫu hàng đi kiểm dịch, chứng nhận kỹ thuật và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, kịp giao hàng cho đối tác.

"Doanh nghiệp đã cố gắng duy trì sản xuất 3 tại chỗ. Giấy đi đường, chúng tôi đã gửi hồ sơ tới hơn 2 tuần mà không được cấp, cũng không nhận được bất cứ phản hồi" - ông Hiệp nói. Đến nay, công ty mới được cấp duy nhất một giấy đi đường để thực hiện cho tất cả mọi việc từ làm các thủ tục kiểm định sản phẩm, xuất nhập khẩu... Ông Hiệp cho hay điều này khiến công ty rất khó để đảm bảo tiến độ và hoàn thành các hồ sơ giao hàng cho khách.

Do đó, ông Hiệp mong muốn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc áp dụng các biện pháp quản lý phòng chống dịch là chưa có tiền lệ, không tránh khỏi vướng mắc phát sinh, nên cần có thêm kênh hỗ trợ hiệu quả từ Chính phủ, trực tiếp lắng nghe để cùng tháo gỡ.

Đang tập trung tháo gỡ lưu thông hàng hóa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (tổ phó thường trực Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng), trước mắt tổ đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong lưu thông hàng hóa. Đồng thời, sẽ gỡ vướng cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài, gia hạn cấp phép cho lao động nước ngoài...

Có nhiều vướng mắc các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị thời gian qua đã được Chính phủ tổng hợp, đưa ra giải pháp tháo gỡ trong dự thảo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dự kiến được Thủ tướng ký, ban hành.

Ông Dũng nhấn mạnh những vướng mắc thuộc thẩm quyền các bộ, ngành, Thủ tướng sẽ yêu cầu các bộ xử lý. Những vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương thì Thủ tướng, tổ công tác sẽ yêu cầu địa phương trực tiếp giải quyết. Những vướng mắc liên quan tới các nghị định Chính phủ sẽ tổng hợp và lên kế hoạch xem xét sửa, vướng mắc trong các luật sẽ báo cáo Quốc hội sửa.

Bên cạnh đó, với những tỉnh không giãn cách thì tổ công tác sẽ tới tận địa phương kiểm tra, yêu cầu giải quyết những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp; với những địa phương đang thực hiện giãn cách, tổ công tác sẽ họp trực tuyến với các địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ.

Doanh nghiệp, hiệp hội có vướng mắc có thể trực tiếp gửi kiến nghị tới Bộ Kế hoạch và đầu tư (cơ quan thường trực của tổ công tác).

Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN - VCCI): Áp dụng biện pháp ngoài quy định chung phải báo cáo

Cần bảo vệ doanh nghiệp trước dịch bệnh, muốn vậy ý thức về các biện pháp phối hợp trong chống suy thoái kinh tế, bảo vệ sản xuất doanh nghiệp, sinh kế người dân cũng phải cao như chống dịch.

Ở những địa phương dịch bệnh ít ảnh hưởng phải dồn sức cho hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Mỗi một đồng tăng trưởng, mỗi công ăn việc làm trong bối cảnh hiện nay đều quý giá ngàn vàng.

Mặt khác, khi thực hiện các biện pháp hạn chế sản xuất kinh doanh cần tuân theo chuẩn mực mà trung ương quy định, địa phương được vận dụng trong phạm vi đó. Cái gì ngoài chuẩn mực thì địa phương phải báo cáo, xin ý kiến trung ương mới được làm.

Doanh nghiệp được linh hoạt trong áp dụng mô hình sản xuất kinh doanh an toàn căn cứ vào quy định của trung ương. Các địa phương khi áp dụng các biện pháp đóng cửa thị trường cũng phải căn cứ quy định đã có của trung ương, không được tự ý đẻ ra rào cản kinh doanh.

Thủ tướng lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp Thủ tướng lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

TTO - Tổ trưởng tổ công tác sẽ do Phó thủ tướng Lê Minh Khái đảm nhiệm, có vai trò phối hợp liên ngành giúp Chính phủ, Thủ tướng giải quyết những công việc quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

NGỌC AN - BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên