30/10/2010 06:15 GMT+7

Tình người mênh mang trong Cánh đồng bất tận

MINH TRANG
MINH TRANG

AT - Đối với độc giả yêu văn chương thì truyện vừa Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư không còn quá xa lạ. Câu chuyện cảm động, ăm ắp tình người ấy đã được sân khấu hóa, và giờ đây nó lại tiếp tục tạo tiếng vang khi nhà biên kịch Ngụy Ngữ và đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình biến nó trở thành một tác phẩm điện ảnh.

O7cAJWTB.jpgPhóng to

Hải Yến (vai Sương) trong Cánh đồng bất tận

Một câu chuyện như Cánh đồng bất tận không dễ gì dựng thành phim. Tất tật mọi thứ từ diễn viên, bối cảnh quay, cốt truyện... đều trở thành bài toán đố đối với những nhà làm phim. Sau nhiều tháng ngày lùng sục khắp các tỉnh miền Tây, cuối cùng đoàn phim tìm thấy một số địa điểm phù hợp với bối cảnh phim ở Cần Thơ, Đồng Tháp và Long An. Để có được những cảnh quay đẹp như mơ như cảnh cánh đồng lúa chín vàng rộ, cảnh Sương (diễn viên Hải Yến thủ vai) tắm trong đầm sen... là kết quả của những ngày tìm kiếm rất vất vả của cả êkip làm phim. Kết quả mỹ mãn đến bất ngờ: từ 55 ngày dự kiến bấm máy, đoàn đã rút ngắn còn 45 ngày. Hàng loạt "mỹ nhân" xinh đẹp của điện ảnh như Tăng Thanh Hà, Đỗ Hải Yến, Lan Ngọc... cùng chịu chung số phận... đen thui vì cháy nắng do phải làm việc ngoài trời quá nhiều. Riêng nữ diễn viên Hải Yến, ngoài những cảnh quay dãi nắng dầm mưa còn phải chịu cảnh đánh đập rất dã man khi vào vai cô gái điếm tên Sương. Dù mặt mũi lúc nào cũng tím bầm và phải hóa trang rất kỳ công, nhưng Hải Yến luôn hết mình và khá hài lòng với vai diễn nặng ký này. Một diễn viên khác cũng có nhiều kỷ niệm "trầy trật" với Cánh đồng bất tận chính là Dustin Nguyễn. Là nam diễn viên có gương mặt hơi... khắc khổ nên toàn được giao những vai vất vả như Long trong Huyền thoại bất tử, Dũng trong Để Mai tính, nhưng chưa bộ phim nào khiến Dustin... tàn tạ như Cánh đồng bất tận. Ám ảnh với Dustin nhất chính là những đàn muỗi miền Tây! Muỗi nhiều và đốt ngứa không thể tả, ngày nào có cảnh quay đêm là y như rằng không thể ăn ngủ gì được với muỗi. Thế nhưng anh đã hoàn thành xuất sắc vai ông Võ - người cha lam lũ và luôn bị giày vò bởi nỗi đau tinh thần trong phim. Độc giả đã thuộc làu cốt truyện của Cánh đồng bất tận chắc chắn sẽ vẫn ồ lên bất ngờ với những trường đoạn gay cấn trong tác phẩm điện ảnh bởi sự chân thật, sống động của cảnh quay, như cảnh Sương bị đánh đuổi lột sạch quần áo, cảnh ông Võ bất lực nhìn đứa con gái của mình phải chịu ô nhục... Dù có nhiều cảnh quay khá nhạy cảm, nhưng cách lia máy của quay phim Nguyễn Tranh cùng sự chỉ đạo của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình khiến nó trở thành những cảnh quay đẹp về nghệ thuật và có chiều sâu thật sự.

IucAF5jN.jpgPhóng to

Diễn viên trẻ Thanh Hòa (vai Điền) và Lan Ngọc (vai Nương) trong một cảnh quay của Cánh đồng bất tận

o0o

Bộ phim Cánh động bất tận không hẳn sẽ thực hiện nhiệm vụ "chuyển thể hoàn toàn" từ truyện thành phim, mà có thể chỉ là những lát cắt chắt lọc được từ những góc nhìn tinh tế của người làm nghệ thuật. Đó là những lát cắt về cuộc sống của hai đứa trẻ lớn lên thiếu thốn tình thương Điền và Nương, về người phụ nữ "ăn sương" tên Sương khi dạt về miền quê nghèo kiếm sống, là ông Võ cộc cằn, cay đắng với đàn bà khi bị vợ phản bội. Những mảnh ghép không lành lặn đã tìm đến nhau nhưng lại không thể ghép thành một gia đình vì những mặc cảm cá nhân và định kiến của xã hội... Có thể mỗi người xem sẽ tìm thấy cho mình một góc riêng, nhưng tất cả đọng lại chính là cái tình mênh mang và bất tận trong mỗi con người.

vBX4390Z.jpgPhóng to

Áo Trắng số 19 (ra ngày 15/10/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên