20/12/2023 06:55 GMT+7

Tin tức sáng 20-12: 26.400 tỉ đồng trái phiếu đến hạn trả nợ trong 10 ngày cuối năm

Một số tin tức đáng chú ý: Tổng vận chuyển hàng không Việt Nam đạt khoảng 74 triệu khách; Chuẩn bị thành lập Thanh tra Xây dựng TP Thủ Đức; Phát hiện nhiều cá nhân, cơ sở thẩm mỹ ở TP.HCM hoạt động không phép...

Ảnh minh họa: CÔNG TRUNG

Ảnh minh họa: CÔNG TRUNG

Tổng vận chuyển hàng không Việt Nam đạt khoảng 74 triệu khách

Tin tức từ báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2023 tổng thị trường vận chuyển hành khách ước đạt xấp xỉ 74 triệu khách, tăng 34,5% so với năm 2022, giảm 7,4% so với năm 2019 là năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Trong đó, vận chuyển quốc tế đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so với năm 2022 và bằng 77% so với năm 2019; vận chuyển nội địa đạt 42 triệu khách, giảm 3% so với năm 2022 và tăng 12% so với năm 2019.

Mạng đường bay quốc tế phục hồi và từng bước mở rộng. Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống và mở rộng khai thác một số thị trường mới.

Tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không năm 2023 ước đạt 113,9 triệu khách, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 32,7 triệu khách, tăng 170,6% so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa đạt 81,2 triệu khách, giảm 6,1% so với năm 2022.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hành khách hàng không năm 2024 là từ 80 triệu khách, trong đó nội địa là 38,3 triệu khách và quốc tế là 41,7 triệu khách.

Hà Nội xử lý 15 điểm ùn tắc, 7 "điểm đen" tai nạn giao thông

Tin tức từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết năm 2023 trên địa bàn thành phố có tổng số 37 điểm ùn tắc (gồm 10 điểm phát sinh mới và 27 điểm tồn tại năm 2022).

Sở đã phối hợp với Phòng cảnh sát giao thông (Công an TP) thống nhất các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, phân loại để xử lý các vị trí ùn tắc theo các nhóm nguyên nhân.

Giao thông Hà Nội ngày mưa - Ảnh: THANH LINH

Giao thông Hà Nội ngày mưa - Ảnh: THANH LINH

Trong số này có 17 điểm ùn tắc do rào chắn phục vụ thi công; 14 điểm do chậm triển khai công tác đầu tư kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; 2 điểm do đề xuất bổ sung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản; 4 điểm do quá tải lưu lượng phương tiện.

Qua đó, các đơn vị liên quan đã xử lý được 15 điểm ùn tắc, tuy nhiên lại phát sinh 11 điểm ùn tắc.

Cũng trong năm 2023, đã xử lý dứt điểm 7 "điểm đen" tai nạn giao thông. Hiện với các điểm tiềm ẩn nguy cơ và xảy ra nhiều tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì đang được tập trung xử lý.

Năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung xử lý các "điểm đen" về tai nạn và tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Chuẩn bị thành lập Thanh tra Xây dựng TP Thủ Đức

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND TP về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức hành chính, đơn vị công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

Theo đó, UBND TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức trình HĐND TP Thủ Đức quyết định tổ chức lại, thành lập các tổ chức hành chính thuộc UBND TP Thủ Đức. Sở Nội vụ phối hợp UBND TP Thủ Đức trình UBND TP.HCM quyết định thành lập Thanh tra Xây dựng trong tháng 12-2023.

Cũng trong tháng 12 này, UBND TP Thủ Đức cùng các sở ngành trình quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc TP Thủ Đức.

Quý 1-2024, Sở Nội vụ cùng các cơ quan, đơn vị trình UBND TP.HCM quyết định phân cấp, ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM và quyết định chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM cho TP Thủ Đức.

Đồng thời, trình chủ tịch UBND TP.HCM quyết định ủy quyền cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức một số chức năng, nhiệm vụ.

Trước đó, giữa tháng 9-2023, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết 78/2023 về cơ cấu tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức và nghị quyết 18/2023 về chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

26.400 tỉ đồng trái phiếu đến hạn trả nợ trong 10 ngày cuối năm 2023

Theo tin tức từ dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 15-12 đã có 14 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng này với tổng giá trị hơn 8.138 tỉ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 7%/năm, kỳ hạn trung bình 7 năm.

Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 265.068 tỉ đồng, với 28 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.000 tỉ đồng (chiếm 10,2% tổng giá trị phát hành) và 242 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 237.998 tỉ đồng (chiếm 89,8%).

Sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được vận hành, kỳ vọng sẽ giúp thị trường minh bạch, góp phần hạn chế các rủi ro cho nhà đầu tư - Ảnh: BÔNG MAI

Sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được vận hành, kỳ vọng sẽ giúp thị trường minh bạch, góp phần hạn chế các rủi ro cho nhà đầu tư - Ảnh: BÔNG MAI

Cũng theo VBMA, các doanh nghiệp đã mua lại hơn 7.200 tỉ đồng trái phiếu trong tháng 12. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến tháng 12 đạt hơn 216.000 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 81,6% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 48,1% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 103.900 tỉ đồng).

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là gần 26.400 tỉ đồng. 47% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 12.300 tỉ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 4.030 tỉ đồng (chiếm 15%).

VBMA cũng thống kê kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp một số bên. Cụ thể như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 12, dự kiến gồm 6 đợt phát hành với tổng giá trị tối đa 10.650 tỉ đồng.

Ngoài ra, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex) cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành tối đa 1.300 tỉ đồng, kỳ hạn tối đa 36 tháng.

Người bệnh còn than phiền thủ tục nhập viện, chất lượng nhà vệ sinh, nhà tắm

Ngày 19-12, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có báo cáo về kết quả triển khai "Đề án đo lường chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2025" trong năm 2023.

Người bệnh nội trú vẫn còn than phiền phải chờ đợi lâu khi làm thủ tục nhập viện - Ảnh: THU HIẾN

Người bệnh nội trú vẫn còn than phiền phải chờ đợi lâu khi làm thủ tục nhập viện - Ảnh: THU HIẾN

Theo kết quả khảo sát, tỉ lệ bệnh nhân, thân nhân người bệnh hài lòng với chuyên môn khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú đều tăng lần lượt là 2,83% và 1,03% so với năm 2022.

Sở Y tế cho biết vẫn có các vấn đề tồn tại như hiện nay một số ý kiến của người bệnh cho rằng thời gian chờ khám bệnh, thực hiện cận lâm sàng cần phải rút ngắn hơn nữa.

Đồng thời, tỉ lệ nhỏ người bệnh nội trú cho biết còn phải chờ đợi khi làm thủ tục nhập viện hoặc chờ bác sĩ thăm khám lâm sàng.

Bên cạnh đó, các dịch vụ tiện ích như: căng tin bệnh viện phục vụ ăn uống và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu chưa đầy đủ và chất lượng, nhà vệ sinh, nhà tắm chưa được đầy đủ và thuận tiện.

Trong thời gian sắp tới, ngành y tế rà soát, cải tiến chất lượng cung cấp các dịch vụ như căng tin, các dịch vụ tiện ích của bệnh viện phục vụ ăn uống và nhu cầu thiết yếu.

Đánh giá tình trạng cơ sở vật chất, nhà vệ sinh và giám sát kết quả hoạt động cải tiến đảm bảo tiến bộ và hiệu quả.

Phát hiện nhiều cá nhân, cơ sở thẩm mỹ ở TP.HCM hoạt động không phép

Ngày 19-12, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM công bố các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, thanh tra sở đã phát hiện ông Nguyễn Đức Tới - chủ hộ kinh doanh thẩm mỹ The Cell Việt Nam (459B Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP.HCM) đã cung cấp và quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.

Với những sai phạm này, ông Tới bị phạt 80 triệu đồng; buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo và đình chỉ hoạt động cho đến khi cơ sở có giấy phép hoạt động, người hành nghề có giấy phép hành nghề.

Vì khám chữa bệnh khi chưa được cấp phép chứng chỉ hành nghề, một nhân viên thuộc hộ kinh doanh Thẩm mỹ The Cell Việt Nam là bà Lê Thị Kiều Chinh cũng bị phạt 36,140 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 1,140 triệu đồng có được.

Công ty TNHH The Cell Việt Nam bị phạt 12 triệu đồng vì đã không niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh, không lập sổ khám chữa bệnh theo quy định pháp luật và ghi tên các khoa, phòng không đúng với hồ sơ giấy phép hoạt động khám chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp. 

Cùng thời gian này, thanh tra sở còn phát hiện ông Đặng Trung Tính (chủ hộ kinh doanh Houston Clinic, số 73 Phạm Ngọc Thạch, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể.

Cơ sở Houston Clinic bị phạt 25 triệu đồng và đình chỉ hoạt động cho đến khi có giấy phép hoạt động, người hành nghề tại cơ sở có chứng chỉ hành nghề.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 20-12. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 20-12. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết hôm nay 20-12

Tin tức thời tiết hôm nay 20-12

Cúc mâm xôi đến Festival - Ảnh KHẮC HIẾU

Cúc mâm xôi đến Festival - Ảnh KHẮC HIẾU

Tin tức sáng 19-12: Sắp tăng giá vé 41 dự án BOT đường bộ; Lập tổ giải quyết vướng mắc giá đấtTin tức sáng 19-12: Sắp tăng giá vé 41 dự án BOT đường bộ; Lập tổ giải quyết vướng mắc giá đất

Tin tức đáng chú ý: Chuẩn bị tăng giá vé 41 dự án BOT đường bộ; Lập tổ công tác giải quyết vướng mắc giá đất; Phạt một công ty chứng khoán vì báo cáo sai, cho nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên