19/08/2022 06:42 GMT+7

Tin sáng 19-8: TP.HCM để quận huyện tự quyết 'số phận' chung cư cũ

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mầm non; Bảng xếp hạng thế giới của research.com có tên nhiều nhà khoa học Việt; Năm 2030, nữ sẽ chiếm 35% tổng số tiến sĩ; Đã chi 689 tỉ đồng hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Tin sáng 19-8: TP.HCM để quận huyện tự quyết số phận chung cư cũ - Ảnh 1.

Người dân tại TP.HCM làm thủ tục nhận BHXH tại BHXH thành phố Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đã chi 689 tỉ đồng hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 18-8, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã chi trả hỗ trợ cho hơn 243.000 người lao động với số tiền là 689 tỉ đồng. Như vậy, số chi hỗ trợ lần thứ 2 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trị giá 1.155 tỉ đồng đã đạt gần 60%. 

Việc chi này dành cho trên 414.000 lao động bị ảnh hưởng của COVID-19 đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng hạn nhưng chưa nhận được tiền.

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, bảo hiểm xã hội các tỉnh, TP tiếp tục triển khai gói hỗ trợ theo nghị quyết số 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng tiến độ, đảm bảo hoàn thành chậm nhất vào ngày 10-9-2022.

Năm 2030, nữ sẽ chiếm 35% tổng số tiến sĩ

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ đặt chỉ tiêu tỉ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ trong cả nước sẽ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỉ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.

Theo báo cáo, hiện chỉ tiêu này chỉ được tổng hợp 5 năm/lần từ Tổng điều tra dân số và nhà ở cùng với điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ. Số liệu hiện chưa tổng hợp được hằng năm do điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình có cỡ mẫu nhỏ, không đủ đại diện để tổng hợp.

Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả năm 2019 với tỉ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ là 44,2%, tỉ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ là 28%, đồng thời xu hướng tỉ lệ nữ tham gia các bậc học cao ngày càng tăng, khả năng các chỉ tiêu này sẽ đạt mục tiêu vào năm 2025 và 2030.

Bảng xếp hạng thế giới của research.com có tên nhiều nhà khoa học Việt

Tháng 8-2022, trang mạng researrch.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học trên thế giới, đã công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học. 

Vị trí của một nhà khoa học được đánh giá dựa trên chỉ số D - chỉ số đánh giá trên cơ sở các bài báo khoa học và giá trị trích dẫn trong một lĩnh vực cụ thể. 

Tin sáng 19-8: TP.HCM để quận huyện tự quyết số phận chung cư cũ - Ảnh 2.

Đợt xếp hạng lần này, trang mạng research.com đã xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa học có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới. Research.com phân chia thành 24 lĩnh vực để xếp hạng.

Có 10 nhà khoa học Việt Nam đang làm việc trong nước được xếp hạng trong 6 lĩnh vực: 

Lĩnh vực Hóa học có GS Nguyễn Văn Tuấn (Phiiippe Derreumaux), Việt kiều Úc, địa chỉ Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Lĩnh vực Kỹ thuật và công nghệ có GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lĩnh vực Khoa học môi trường, Việt Nam có 2 người là GS.TS Phạm Hùng Việt và PGS.TS Từ Bình Minh đều thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lĩnh vực Khoa học máy tính có PGS.TS Lê Hoàng Sơn - Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lĩnh vực Khoa học vật liệu có GS Nguyễn Văn Hiếu - Trường đại học Phenikaa.

Lĩnh vực Cơ khí và kỹ thuật hàng không vũ trụ có 4 nhà khoa học Việt Nam, trong đó Trường đại học Công nghệ TP.HCM có hai người là: GS Nguyễn Xuân Hùng và PGS Phùng Văn Phúc; Trường đại học Tôn Đức Thắng có hai người là: PGS Nguyễn Thời Trung và PGS Thái Hoàng Chiến. Trong bảng xếp hạng còn có một người nước ngoài nhưng lấy tên địa chỉ Trường đại học Tôn Đức Thắng, Việt Nam.

Lĩnh vực Y học - y học cộng đồng có PGS Trần Xuân Bách, Trường đại học Y Hà Nội.

Trước đó, tháng 10-2021, tạp chí PLoS Biology (Hoa Kỳ) đã công bố kết quả xếp hạng 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021. Theo thứ tự bảng xếp hạng này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức và PGS.TS Lê Hoàng Sơn là 2 trong số 5 nhà khoa học Việt Nam vào nhóm 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới.

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mầm non

TP.HCM bình quân mỗi năm tăng gần 10.000 trẻ mầm non, vì vậy việc khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình trường mầm non, nhất là mầm non ngoài công lập luôn được thành phố quan tâm, tạo điều kiện nhằm giảm bớt áp lực cho các trường công lập. 

Tin sáng 19-8: TP.HCM để quận huyện tự quyết số phận chung cư cũ - Ảnh 3.

Một khu trọ của công nhân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục mầm non thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. 

Đây là nội dung được đề cập tại buổi làm việc của Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội với UBND TP về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất, diễn ra chiều 18-8.

TP.HCM hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động, tập trung tại thành phố Thủ Đức, các quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân, các huyện Củ Chi, Bình Chánh và Nhà Bè. Tại các quận, huyện này có 776 trường mầm non (214 trường công lập, 562 trường tư thục - dân lập); 1.177 nhóm, lớp. 

Tổng số trẻ đang theo học bậc mầm non là hơn 142.300 trẻ, trong đó đa số là học ở khối ngoài công lập với gần 84.000 trẻ, học trong khối công lập là hơn 58.000 trẻ.

Tại các địa bàn nói trên, có 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên các khu chế xuất, khu công nghiệp được đưa vào hoạt động phục vụ giữ trẻ là con công nhân đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và cả trẻ của các hộ dân địa phương.

TP.HCM ủy quyền cho quận huyện tự quyết “số phận” chung cư cũ

UBND TP.HCM vừa có quyết định ủy quyền lại cho UBND các quận huyện, TP Thủ Đức quyền tự quyết “số phận” các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975.

Tin sáng 19-8: TP.HCM để quận huyện tự quyết số phận chung cư cũ - Ảnh 4.

Cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh là một trong những chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 - Ảnh: LÊ PHAN

Theo đó, các quận huyện sẽ thực hiện, quyền hạn nhiệm vụ liên quan tới thủ tục đầu tư, cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ này. 

Quận huyện và TP Thủ Đức sẽ ban hành kết quả kiểm định, ban hành quyết định cưỡng chế, tháo dỡ, di dời người dân. 

Thực hiện việc tháo dỡ, cưỡng chế tháo dỡ, cưỡng chế di dời trong trường hợp chung cư cần phải xử lý vì không đảm bảo an toàn. 

Ngoài ra, quận huyện, TP Thủ Đức sẽ phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo cũng như chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư cho người dân bị ảnh hưởng. 

Tin sáng 19-8: TP.HCM để quận huyện tự quyết số phận chung cư cũ - Ảnh 5.
Tin sáng 19-8: TP.HCM để quận huyện tự quyết số phận chung cư cũ - Ảnh 6.
Tin sáng 19-8: TP.HCM để quận huyện tự quyết số phận chung cư cũ - Ảnh 7.
Tin sáng 18-8: Sẽ có chính sách đặc thù mới cho TP.HCM; Xác minh tài sản cá nhân ở 20 đơn vị y tế Tin sáng 18-8: Sẽ có chính sách đặc thù mới cho TP.HCM; Xác minh tài sản cá nhân ở 20 đơn vị y tế

TTO - Sẽ có chính sách đặc thù mới, thay thế nghị quyết 54 cho TP.HCM; Bộ Y tế xác minh tài sản cá nhân ở 20 trong số 104 đơn vị trực thuộc bộ; 7 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 32,47%... là các tin đáng chú ý sáng nay.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên