11/02/2022 06:03 GMT+7

Tin COVID-19 ngày 11-2: Hơn 1/2 dân số thế giới tiêm đủ liều vắc xin

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Hơn một nửa dân số thế giới đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19. Sau khi ghi nhận ca nhiễm tăng vọt, TP Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây ở phía nam Trung Quốc, sát Việt Nam, ghi nhận chỉ 7 ca nhiễm mới vào ngày 10-2.

Tin COVID-19 ngày 11-2: Hơn 1/2 dân số thế giới tiêm đủ liều vắc xin - Ảnh 1.

Thanh thiếu niên được tiêm vắc xin COVID-19 tại một phòng khám ở TP Nizhny Novgorod, Nga hôm 10-2 - Ảnh: REUTERS

1/2 dân số thế giới đã tiêm đầy đủ vắc xin COVID-19

Ngày 10-2, báo Washington Post đưa tin: "Khoảng một năm kể từ khi hầu hết các nước giàu bắt đầu triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19, đến nay hơn một nửa dân số thế giới đã được tiêm đủ liều - một kỳ tích hậu cần chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người".

Theo trang Our World in Data, gần 54% dân số thế giới đã được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19. Gần 62% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất 1 liều.

Tuy nhiên, việc triển khai tiêm chủng trên toàn cầu vẫn không đồng đều. Các nước nghèo báo cáo tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với các nước giàu. Các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo rằng tình trạng bất bình đẳng về vắc xin đang khiến đại dịch COVID-19 kéo dài.

Trang Our World in Data cho biết chưa đến 11% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin COVID-19. Con số này tăng vọt lên khoảng 55% đối với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và gần 80% đối với cả các nước có thu nhập trên trung bình và thu nhập cao.

Cảnh vắng vẻ tại thành phố bị phong tỏa của Trung Quốc sát Việt Nam

Theo báo South China Morning Post, ngày 10-2, Trung Quốc đã ghi nhận số ca bệnh COVID-19 giảm đáng kể, chỉ với 8 ca nhiễm mới. Trong đó, 7 ca nhiễm mới được phát hiện ở thành phố Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây ở miền nam Trung Quốc. Thành phố này đã ghi nhận 187 ca nhiễm trong 5 ngày kể từ khi đợt dịch do biến thể Omicron bắt đầu tại đây.

Ông Lưu Ninh, tổ trưởng tổ lãnh đạo công tác phòng chống dịch và là bí thư đảng ủy khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cho biết thành phố Bách Sắc đã đạt đến "thời điểm quan trọng và khẩn cấp nhất" để kiểm soát dịch.

Ông Lưu cam kết thành phố này sẽ kiểm soát được dịch trong vòng "một giai đoạn ủ bệnh". "Tất cả biện pháp kiểm soát phải được thực hiện mà không có bất kỳ sự thỏa hiệp nào nhằm ghi nhận số ca nhiễm 'đạt đỉnh và chạm sàn' càng sớm càng tốt" - ông Lưu phát biểu.

Đường phố vắng lặng ở thành phố Bách Sắc (Trung Quốc) - Video: XINHUA

Thành phố Bách Sắc có dân số khoảng 3,6 triệu người, nằm giáp biên giới với Việt Nam. Chính quyền Bách Sắc đã ra lệnh cho người dân ở tại nhà từ hôm 7-2 và tránh việc đi lại không cần thiết, ngoại trừ đi xét nghiệm trên diện rộng.

Trường học đóng cửa, giao thông công cộng tạm ngừng hoạt động và hầu hết các doanh nghiệp ở Bách Sắc đã đóng cửa. Video được Hãng tin Tân Hoa xã chia sẻ cho thấy cảnh đường phố tại đây vắng vẻ.

Lo hệ thống y tế Hong Kong bị quá tải, Bắc Kinh cam kết giúp

Ngày 10-2, đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với thêm 986 ca bệnh COVID-19, sau khi thành phố này lần đầu tiên ghi nhận mức tăng ca nhiễm 4 con số vào hôm 9-2. Theo Thời báo Hoàn Cầu, số ca nhiễm tăng vọt có nguy cơ "nhấn chìm" hệ thống y tế của thành phố này.

Người phát ngôn Văn phòng sự vụ Hong Kong và Macau (HKMAO) cho biết Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc, cùng với các chuyên gia chống dịch từ Hong Kong, tỉnh Quảng Đông và TP Thâm Quyến, sẽ sớm tổ chức một cuộc họp tại Thâm Quyến để nghiên cứu các biện pháp chống dịch nhằm hỗ trợ Hong Kong.

Người phát ngôn này cho biết chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ chính sách "Zero COVID" (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng) của chính quyền Hong Kong, hỗ trợ vững chắc thành phố trong những thời điểm khó khăn.

Theo báo South China Morning Post, một nguồn tin ở Bắc Kinh cho biết cuộc họp nói trên có thể được tổ chức sớm nhất là vào ngày 12-2, và Trung Quốc đại lục "đang chuẩn bị gửi hàng ngàn nhân viên y tế và nhân viên phòng thí nghiệm cùng hàng triệu kit xét nghiệm đến giải cứu Hong Kong".

Tin COVID-19 ngày 11-2: Hơn 1/2 dân số thế giới tiêm đủ liều vắc xin - Ảnh 3.

Người dân được xét nghiệm COVID-19 tại một trạm thu mẫu di động ở quận Prince Edward của Hong Kong vào ngày 8-2 - Ảnh: VCG

Hong Kong đã tăng cường các biện pháp hạn chế xã hội vào đầu tuần này, giới hạn số người tham gia các cuộc tụ tập xã hội xuống còn 2 người, và ra lệnh đóng cửa các địa điểm công cộng như tiệm làm tóc và các tòa nhà tôn giáo.

Ông Ben Chan Han-pan, thành viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong, cho biết đợt dịch này đã dẫn tới cảnh người dân xếp hàng dài xét nghiệm COVID-19 trên khắp thành phố. Một số địa điểm xét nghiệm có khoảng 5.000 người xếp hàng.

Ông Ben cho biết các yếu tố như hoạt động đoàn tụ gia đình vào dịp Tết Nguyên đán và sự lây lan của biến thể Omicron đã dẫn đến đợt dịch nghiêm trọng này.

Hải quân Mỹ sa thải 240 quân nhân vì không chịu tiêm vắc xin

Ngày 10-2, Đài CNN đưa tin hải quân Mỹ đã sa thải 240 quân nhân vì từ chối tiêm vắc xin COVID-19 theo yêu cầu của Lầu Năm Góc.

Theo thông cáo báo chí của hải quân Mỹ, đa số quân nhân (217 người) đang tại ngũ và 1 người là quân nhân dự bị của hải quân Mỹ. Tất cả quân nhân này vẫn đủ điều kiện để nhận các quyền lợi dành cho cựu chiến binh.

Trong khi đó, 22 quân nhân phải xuất ngũ trong khi vẫn đang trải qua khóa huấn luyện trong vòng 180 ngày tại ngũ đầu tiên.

Đến nay, hơn 8.000 quân nhân thuộc hải quân Mỹ vẫn chưa tiêm vắc xin COVID-19.

Hạn chót của hải quân Mỹ để các quân nhân tại ngũ phải được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 là ngày 28-11-2021. Họ cho phép các quân nhân dự bị hạn chót đến ngày 28-12-2021.

Vào tháng 12-2021, hải quân Mỹ tuyên bố sẽ bắt đầu sa thải những quân nhân từ chối tiêm vắc xin COVID-19, vào cùng tuần không quân Mỹ cho biết họ đã sa thải 27 quân nhân, còn thủy quân lục chiến Mỹ sa thải 103 người.

Một số thông tin đáng chú ý khác liên quan COVID-19 thế giới:

+ Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với hành khách quốc tế nhập cảnh, vốn đã được áp dụng vào cuối năm 2021 khi biến thể Omicron xuất hiện. Trong hướng dẫn mới được ban hành ngày 10-2, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết tất cả hành khách quốc tế giờ đây sẽ chỉ phải "tự theo dõi sức khỏe của mình trong 14 ngày sau khi đến".

+ Theo cảnh sát New Zealand, ít nhất 120 người đã bị bắt khi biểu tình phản đối các quy định bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 bên ngoài Quốc hội New Zealand ở thủ đô Wellington.

+ Ngày 10-2, Ủy ban Olympic Bắc Kinh cho biết họ đã xác định 9 ca nhiễm mới trong số các nhân viên liên quan đến Thế vận hội mùa đông ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc (Olympic Bắc Kinh).

+ Trong thông báo ngày 10-2, Văn phòng của Thái tử Anh Charles cho biết ông đang phải tự cách ly sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là lần thứ hai người kế vị ngai vàng nước Anh mắc COVID-19.

Châu Á vượt Châu Á vượt 'bão' Omicron nhờ vắc xin

TTO - Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã khiến số ca nhiễm ở một số nước châu Á tăng vọt sau dịp Tết Nguyên đán đông đúc. Tuy nhiên, "tấm khiên" vắc xin đã giúp những con số kỷ lục bớt đáng sợ.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên