04/03/2018 11:23 GMT+7

Tìm lại vết tích 'đảo Sài Gòn' ở Singapore

LÊ NAM
LÊ NAM

TTO - Ở Singapore có một địa danh tên Đảo Sài Gòn. Tuổi Trẻ Online đã thử tiếp cận các nguồn tư liệu để tìm hiểu về điểm đặc biệt này...

Tìm lại vết tích đảo Sài Gòn ở Singapore - Ảnh 1.

Cầu đảo Sài Gòn xây dựng năm 1997 bắc qua nhánh sông Singapore, bên phải là vùng đất từng là Đảo Sài Gòn - Ảnh: LÊ NAM

Biết tôi thích cà phê, ông bạn người Singapore đã hẹn đến một quán cà phê trên đường Martin nằm ở quận 9 thuộc khu trung tâm Singapore, kèm theo lời nhắn "sẽ có ngạc nhiên dành cho ông".

Cà phê ở đây ngon hơn hẳn so với các tiệm franchise nổi tiếng có hàng loạt ở Singapore. Và điều làm tôi ngạc nhiên đó là quán cà phê này nằm trên phần đất từng là một hòn đảo tự nhiên ở giữa sông Singapore có gắn liên quan đến thành phố nơi tôi và cả gia đình sinh sống: Đảo Sài Gòn.

Cây cầu mà tôi vừa đi bộ qua, theo ông bạn tôi giới thiệu mang tên "cầu Đảo Sài Gòn" (Palau Saigon bridge).

Hòn đảo đã mất

Tài liệu ở cơ quan lưu trữ quốc gia của Singapore mà sau này khi tôi tìm hiểu thêm đều thấy ghi nơi này thuộc vùng đất của Đảo Sài Gòn, tiếng Anh là Palau Saigon island (palau tiếng Bahasa có nghĩa là đảo), tiếng Hoa là 浮罗西贡 (fú luó xī gòng) và tiếng Indonesia gọi là Pulo Saigon.

Khi quay về tôi chọn cách đi bộ một đoạn để tận hưởng rõ hơn cảm giác có chút hương vị quê nhà: bước trên cây cầu mang tên Đảo Sài Gòn (Palau Saigon bridge) dài hơn 40 mét có năm làn xe và lối đi dành cho khách bộ hành làm bằng đá hoa cương. 

Cầu nối liền đường Saiboo và Havelock, nó vẫn được giữ lại tên ban đầu dù đã được đập đi và xây dựng mới vào năm 1997, nhằm giảm thời gian di chuyển giữa đường Orchard nổi tiếng đông đúc vì có nhiều trung tâm mua sắm lớn, sang trọng bậc nhất Singapore và đường Havelock.

Nơi từng là Đảo Sài Gòn giờ dày đặc các căn hộ cao cấp (condominium) đẹp đẽ sang trọng được nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Singapore lựa chọn vì gần trung tâm. Đường phố nhỏ, cây xanh che phủ gần như toàn bộ. 

Giờ làm việc thì vắng vẻ nhẹ nhàng, giờ tan tầm thì xe cộ đi lại đông đúc, hàng quán nhộp nhịp, nhạc xập xình thoát ra từ mấy cái loa bắc ngay bên ngoài vỉa hè. 

Phương tiện công cộng ở Singapore khá nhiều và gần như có thể tiếp cận ở mọi nơi nhưng lại không có tuyến xe buýt nào chạy qua cây cầu đảo Sài Gòn để vào bên trong khu dân hiện hữu.

Tôi hỏi han thêm nhiều người, chẳng thấy ai biết rằng nơi này từng là một hòn đảo có hoạt động kinh doanh, thương mại nhộn nhịp trong thời kỳ thuộc địa Anh. 

Tài liệu của cơ quan lưu trữ quốc gia của Singapore cho biết "cầu Đảo Sài Gòn" vào năm 1890 từng được gọi là "cầu đồ tể" vì gần chân cầy có một lò mổ súc vật khá lớn, thời đó còn có một đường sắt chạy ngang qua khu vực này.

Tìm lại vết tích đảo Sài Gòn ở Singapore - Ảnh 2.

Tấm bảng gắn ở cầu ghi "đảo Sài Gòn" xây dựng năm 1997 bắc qua nhánh sông Singapore - Ảnh: LÊ NAM

Một thời hoành tráng

Nghe tôi hỏi "Tại sao nó lại được gọi là đảo Sài Gòn? Tên gọi đó có từ khi nào?", ông Alan John - cựu phó tổng biên tập nhật báo Straits Times lớn nhất Singapore, nói với tôi rằng cũng có vài người bạn của ông cũng từng rất hào hứng tìm câu hỏi tương tự.

Nhưng dường như đây là một bí mật lớn vì rất nhiều người dân Singapore biết đây là "đảo Sài Gòn" nhưng chẳng ai để ý và thực tế cũng không có nhiều thông tin liên quan đến việc vì sao hòn đảo này được đặt tên "Sài Gòn".

Tôi truy tìm thêm trong cuốn danh bạ tên đường ở Singapore (in vào năm 1970) cũng chỉ thấy có tên đường Đảo Sài Gòn (Palau Saigon road) đã từng ở khu vực này. 

Tài liệu cũ hơn cho thấy tên Palau Saigon đã từng xuất hiện trên bản đồ in năm 1839 thể hiện cho một hòn đảo toàn đầm lầy cây đước. 

Đến năm 1878 nó được ghi trên bản đồ là Kampong Saigon (làng Sài Gòn theo tiếng Malaysia). 

Các di chỉ khảo cổ được tìm thấy ở vùng đất này cho thấy khoảng năm 1888, người Anh tiến hành các dự án mở rộng và khơi luồng sông Singapore để có thể dễ dàng tiếp cận các nhà kho hiện hữu thời điểm đó trên đảo Sài Gòn. 

Họ tiến hành xây dựng và tiến hành các  hoạt động thương mại sôi động trên đảo, xây dựng các lò giết mổ gia súc, chế biến gia cầm và cả dự án đốt rác trên hòn đảo này. Đảo Sài Gòn biến mất và sát nhập vào bờ trong khoảng thời gian năm 1972 khi nhánh sông Singapore phía Tây bị cạn. 

Đến năm 1988 nhà kho cuối cùng trên đảo Sài Gòn bị phá vì quá cũ và xập xệ. Năm 1991, nhánh sông Singapore phía Đông cũng cạn và hòn đảo nối liền vào đất liền ở đoạn đường Magazine. Cũng từ năm này tên Palau Saigon biến mất trên bản đồ hiện của Singapore.

Một số tài liệu khác cũng chỉ ghi nhận tên "Đảo Sài Gòn" mà không có một lý giải vì sao có tên "Sài Gòn". 

Trong hai trang 84-85 cuốn sách mang tên Toponymics a study of Singapore street names (tạm hiểu là Thuộc địa danh học: một nghiên cứu về tên đường ở Singapore) do Tiến sĩ Victor R Savage thuộc trường Đại học kỹ thuật Nanyang (NTU) viết ông cũng chỉ đề cập đến tên của hòn đảo và cây cầu này chứ cũng không có giải thích nào vì sao nó là được đặt tên đó dù trong cuốn sách ông đã giải thích cặn kẽ xuất xứ các tên đường ở Singapore.

Trong cuốn sách Singapore & the silk road of the sea 1800-2002 (tạm dịch Singapore và con đường tơ lụa trên biển 1800-2002) do John N. Miksic viết, ở trang 420 cho biết đảo Sài Gòn đã từng được chọn là một trong ba địa điểm khảo cổ nhằm tìm hiểu cuộc sống người Singapore thời thuộc địa. 

Trong hai tháng 2 và 3-2016, nghệ sĩ Debbie Ding đã tổ chức một triển lãm về những hiện vật khảo cổ học trên hòn đảo này tại thư viện khảo cổ học trong khuôn viên trường Đại học quốc gia Singapore (NUS).

Vào thế kỷ 19 nơi này từng được biết đến do gắn liền với các nhà kho, địa điểm cho các hoạt động buôn lậu và kể cả hỏa táng. 

Tác giả John N. Miksic cũng cho biết "đảo Sài Gòn", từng là hòn đảo khá nhộn nhịp với các hoạt động thương mại, công nghiệp ở trên sông Singapore ngày xưa và bị xóa sổ do chính phủ tiến hành xây dựng giao lộ: đường cao tốc trung tâm, đường Merchant và Clemenceau.

Theo Ủy ban di sản Singapore (National Heritage Board) đã từng có hai cây cầu cùng mang tên Đảo Sài Gòn - Palau Saigon được xây từ năm 1891 và cùng bị phá hủy năm 1986 vì cũ kỹ và cản trở sự phát triển của khu đường cao tốc trung tâm. 

Một trong hai cây cầu bị gỡ bỏ trong quá trình nắn dòng sông Singapore vào những năm cuối thế kỷ 20 để phục vụ xây dựng và phát triển của quốc đảo này. Cây cầu hiện nay được xây và đưa vào sử dụng từ tháng 6-1997 gần vị trí cây cầu cũ.

Những tài liệu cũ ở Việt Nam từng cho rằng tên "Sài Gòn" đã xuất hiện trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776 như sau: "năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn"… 

Phải chăng do giao thương của những người Hoa một thời qua lại khu vực Đông Nam Á đã mang cả tên gọi của một vùng đất tiềm năng mà họ yêu mến để đặt cho nhau?

Tìm lại vết tích đảo Sài Gòn ở Singapore - Ảnh 3.

Cầu đảo Sài Gòn xây dựng năm 1997 bắc qua nhánh sông Singapore, bên phải là vùng đất từng là Đảo Sài Gòn - Ảnh: LÊ NAM

Theo từ điển mở Wikipedia, Singapore có tổng cộng hơn 60 hòn đảo trong đó 10 đảo nhân tạo.

Đảo Sài Gòn là một trong ba đảo từng tồn tại và biến mất do quá trình mở rộng và phát triển của đất nước Sư tử.

Hai đảo còn lại đã mất vết là đảo Giáng Sinh và đảo Terumbu Retan Laut mà giờ đã trở thành kho container Pasir Panjang.

"Sình-gà-pò đẹp lắm, Sình-gà-po, Sình-gà-po..." 'Sình-gà-pò đẹp lắm, Sình-gà-po, Sình-gà-po...'

TTO - Tháng 8-1965, nhạc sĩ Y Vân phát hành nhạc phẩm: Sài Gòn. Ngay lập tức, nó vang khắp hang cùng ngõ hẻm miền Nam, ra nước ngoài. Ở Singapore, nó được đổi lời, hút hồn thính giả...

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên