Hơn 12h trưa, nắng rát da ở những làng chiếu cói tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Lần theo địa chỉ được cung cấp, chúng tôi tới được nhà của Trần Văn Chính - cậu học trò vừa đậu vào ĐH Y dược Huế với biệt danh "Chính chiếu cói".

"Cả ngày hôm nay hai mẹ con dệt được hai tấm chiếu, mỗi tấm thương lái vô tận nhà mua từ 30.000 - 35.000 đồng. Nếu ngày nào làm năng suất, hai mẹ con cũng kiếm được hơn 100.000 đồng", Chính "cói" kể về công việc mà mấy hôm nay cậu đang tích cực làm trước khi vô đại học.

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 1.

Nhà Chính nằm trong thôn Trà Đông, kế bên dòng sông Thu Bồn và những hàng cau làng quê đẹp như một bức tranh. Ở ngôi làng đó, nghề chiếu cói đã nuôi lớn nhiều thế hệ, làm nên tên tuổi của những làng nghề xứ Quảng. Cậu học trò nghèo Trần Văn Chính vẫn ngày ngày tỉ mỉ dệt chiếu, neo nghề cũ của tổ tiên để dành tiền đi đại học.

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 2.

Thấy khách đến, bà Nguyễn Thị Chín, 51 tuổi, là mẹ của Chính cứ lóng nga lóng ngóng. Bà vừa bế đứa cháu ngoại trên tay, vừa cố tìm một chỗ ngồi cho khách trong ngôi nhà chẳng có nhiều đồ đạc. Ngôi nhà ấy nay là chỗ ở cho mẹ, Chính và đứa em đang theo học lớp 11 Trường THPT Hồ Nghinh.

Ngoài chiếc giường và bàn học của Chính, hầu như mọi ngóc ngách của nhà được dùng làm nơi để khung dệt, chiếu thô, phía ngoài hiên chất đầy những mớ cói. Khoảnh sân lúc nào cũng trải mấy tấm chiếu vừa dệt xong để phơi nắng, kịp cho khách tới lấy.

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 3.

Bà Chín nói lẽ ra việc Chính vào đại học cũng sẽ không đến mức quá khó khăn như hiện nay, nếu chồng bà không mắc bạo bệnh rồi qua đời. Đó là vào năm Chính lên lớp 8, khi đang hàng ngày đi làm thợ đụng, làm mộc nuôi cả gia đình thì ông Trần Văn Lưu - bố Chính - đã gục xuống vì chứng suy thận. Ông qua đời sau một thời gian ngắn chạy chữa, để lại vợ và ba đứa con trong ngôi nhà trống trơn.

"Lúc đó tôi suy sụp, không biết phải làm sao để gượng gánh nuôi con. Từ nhỏ tới lớn, Chính học giỏi có tiếng ở xã", bà Chín nói và kể rằng bà vẫn quyết nuôi con theo học.

Trên nền xi măng loang lổ, cậu học trò sắp vào trường y để theo nghề bác sĩ Trần Văn Chính cần mẫn luồn từng sợi cói vào khung dệt để hoàn thiện những tấm chiếu cuối cùng trước lúc lên đường. Mỗi tấm chiếu cậu cùng mẹ làm ra bán được khoảng 35.000, nhưng ngày làm giỏi lắm cũng được 3 chiếc, chưa tính công đi hái cói ở ngoài đồng, công phơi, tẩm màu…

Chính thành thạo và trở thành một "nghệ nhân" dệt chiếu từ ngày còn nhỏ. Ba mất, những khung dệt được lôi ra soạn giữa gian nhà. Đó là "cần câu cơm" đưa Chính học đến lớp 12 rồi thi được gần 29 điểm vào ngành Bác sĩ Đa khoa ĐH Y dược Huế.

Nhà ruộng vườn ít, thu nhập mấy năm nay chỉ dựa vào nghề chiếu, và vì thế mà ít khi đi học Chính có được quần áo mới để mặc. Thương cậu, các thầy cô ở Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An) thường tìm bạn bè, các mạnh thường quân giúp đỡ. Người cho sách vở, người cho bộ quần áo, người cho đôi dép vì ai cũng biết "Chính chiếu cói" mất cha, hoàn cảnh khó khăn.

Chính đã đi học trong nghèo khó và đạt điểm thi cao chót vót như vậy bằng nghị lực hơn người.

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 4.
Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 5.
Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 6.

Tên Ba nhưng em chẳng có ba, mẹ bị bệnh nặng nằm viện mấy tháng nay, người dì tàn tật. Hành trình đến giảng đường đại học của cậu học trò học giỏi nhất trường THPT Thái Phiên, huyện Thăng Bình, Quảng Nam quá đỗi gập ghềnh.

"Hoàn cảnh của Ba chẳng còn gì để khó hơn nữa, em rất cần xã hội giúp sức", thầy Võ Quốc Cường, giáo viên trường THPT Thái Phiên, nghẹn ngào khi nói về cậu học trò cưng.

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 7.
Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 8.

Dưới cái nắng chói chang, Đặng Đức Ba (18 tuổi, xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình) cùng người dì lom khom thu hoạch sắn ở cánh đồng trước nhà. "Mẹ bị lao màng não nằm ở bệnh viện đa khoa Đà Nẵng chữa trị mấy tháng nay, chưa về nhà. Dì bị tật nguyền nên mọi công việc nhà, ruộng vườn em phải làm hết", Ba quệt mồ hôi, nói.

Ngôi nhà cấp bốn chật chội, cũ kỹ, trong nhà chỉ có hai cái giường và một chiếc bàn học. Mẹ đơn độc sinh ra Ba, em lớn lên, mạnh mẽ và dai dẳng như cây sắn trong vườn nhà, dưới tình thương của mẹ và dì ruột.

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 9.

Cách đây gần 5 tháng, mẹ Ba, bà Đặng Thị Tựu (53 tuổi) bị bệnh lao màng não, rách màng não, tổn thương thần kinh, phải điều trị bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. "Mẹ nó nằm viện, do dịch COVID-19, bệnh viện phong tỏa, cách ly, đến giờ vẫn còn nằm ngoài đó điều trị, không có ai bên cạnh chăm sóc. Tui lại bị tật nguyền nên mọi việc ở nhà, ruộng vườn thằng bé quán xuyến hết", bà Đinh Thị Thiên (60 tuổi, dì ruột của Ba) nói.

Bà Thiên từ nhỏ sinh ra đã tật nguyền, bại liệt, hai chân teo, co quắp, đi lại khó khăn, phải chống gậy. Không chồng, bà ở cùng em gái của mình và đứa cháu. "Mẹ thằng Ba hồi đó tới giờ làm lụng vất vả để nuôi tôi và con trai nó. Giờ đau ốm nằm một chỗ, khổ thân em tui", bà Thiên ngậm ngùi.

Ba nói mình thương mẹ và dì lắm. Thiếu vắng tình thương người cha là một thiệt thòi. Thấy mẹ cực khổ, em càng phải phấn đấu, nỗ lực học tập. Ba năm THPT, do nhà cách trường hơn 15km, Ba thuê trọ ở và ăn học.

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 10.
Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 11.

Biết gia cảnh khó khăn, Ba nói mình phải quyết tâm học để không thua kém bạn bè. Bảng thành tích học tập của Ba đã phải khiến thầy cô, bạn bè kinh ngạc. 12 năm liền Ba là học sinh giỏi. Ba năm cấp ba em đều dẫn đầu lớp, điểm trung bình năm lớp 12 là 9,1, dẫn đầu khối 12 toàn trường.

Điểm xét tốt nghiệp của Ba đạt 9,02. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Ba đạt lần lượt ba môn xét tuyển đại học khối A00 là: Toán: 9,20; Vật lý 8,50 và Hóa học 9,50. Với tổng điểm khối A00 là 27,2, cộng điểm ưu tiên 0,5 là tổng điểm 27,7, em đăng ký xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính trường ĐH Bách khoa - Đại học quốc gia TP. HCM.

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 12.

Đang nằm điều trị ở bệnh viện Đà Nẵng, qua điện thoại, giọng bà Tựu, mẹ của Ba rất yếu ớt. Nỗi đau như được xoa dịu khi thấy con mình học giỏi, điểm thi cao chót vót, nhưng nỗi lo mỗi ngày đầy thêm. 

"Tui bệnh nằm viện mấy tháng nay chưa về nhà, dì nó tật nguyền, không biết lấy tiền đâu cho con đi học", giọng bà Tựu nghẹn lại. "Tôi hụt hơi rồi, tội nghiệp thằng nhỏ. Chắc phải vay thôi, nó phải đi học!"- bà Tựu chỉ nói gọn rồi tắt máy bởi bác sĩ vào thăm khám.

Còn bà Thiên, dì của Ba, nói rằng mấy ngày nay, đêm nào cũng không ngủ được bởi trăn trở lấy tiền đâu cho cháu mình ăn học. Nhìn quanh quất trong nhà, chỉ có con trâu, bà nghĩ rằng sẽ bán đi, làm hành trang cho cháu bước vào giảng đường.

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 13.


Ba tâm sự, mấy ngày nay, em cứ phân vân dừng lại hay bước tiếp. Đến giờ, gia đình đã phải chạy vạy lo tiền điều trị cho mẹ, giờ lấy tiền đâu cho em nhập học, trang trải cuộc sống xa quê.

Rồi em hình dung bao nhiêu khó khăn sẽ bủa vây trong những ngày tháng giảng đường đại học của mình, những tháng ngày xa nhà khi mẹ, chỗ dựa duy nhất của mình, đang từng ngày chống chọi với bệnh tật, ai sẽ lo cho mình ăn học.

Ước mơ trở thành kỹ sư của cậu học trò này đang bị lung lay. "Em đã chuẩn bị hành trang gì chưa cho những tháng ngày sắp tới?". Đáp lại câu hỏi của tôi, Ba chỉ biết nhìn xa xăm ra cánh đồng lúa trước nhà, thở dài, và im lặng.

Tiếp sức đến trường: Dệt cói, trồng sắn và đeo đuổi ước mơ nghề nghiệp - Ảnh 14.

THÁI BÁ DŨNG - LÊ TRUNG
LÊ TRUNG - B.D
HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0