06/08/2019 08:40 GMT+7

Tiếp sức đến trường: Đến giảng đường ở tuổi 22

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Ngày 3-8-2019, chỉ mới ba hôm trước, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân cho các sinh viên khóa 2015-2019. Thủ khoa tốt nghiệp của trường là một cử nhân của khoa kinh tế đối ngoại.

Tiếp sức đến trường: Đến giảng đường ở tuổi 22 - Ảnh 1.

Chiếc máy tính và đôi nạng, “hai người bạn” gắn bó nhất của Hải Yến - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

Tôi nhìn hình ảnh hân hoan của các tân cử nhân Trường ĐH Kinh tế - luật trong lễ tốt nghiệp và nghĩ về nhân vật của mình, một tân sinh viên chuẩn bị nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" năm học 2019-2020 của báo Tuổi Trẻ.

Biến cố cuộc đời

Cô tân sinh viên - nhân vật của tôi - lẽ ra hôm nay cũng hòa vào bao gương mặt bạn bè của mình ở ngôi trường đó, bởi bốn năm trước cô từng là tân sinh viên của Trường Kinh tế - luật ngành kinh doanh quốc tế của khoa kinh tế đối ngoại.

Nhưng định mệnh đã đánh gục bạn ngay từ học kỳ 1 của năm thứ nhất để đối diện với căn bệnh quái ác: ung thư xương!

Tên bạn là Nguyễn Thị Hải Yến, tên của loài chim biển mang khát vọng bay trên những ngọn sóng đại dương. Nhưng bốn năm qua, với bạn là quãng đường dằng dặc qua những căn phòng bệnh viện.

Tôi tìm về nhà Hải Yến, cô tân sinh viên đặc biệt khi làm sinh viên lần thứ hai ở tuổi 22. Có lẽ trong mùa học bổng năm nay, Yến là sinh viên có số tuổi "đặc biệt" nhất.

Yến kể năm 2015 bạn thi đậu vào ĐH Kinh tế - luật ngành kinh doanh quốc tế, khoa kinh tế đối ngoại với điểm số 25,75. Kỳ thi năm đó thí sinh đạt được số điểm trên 25 không nhiều lắm. Cô học trò trường làng không chỉ khát khao bay ra khỏi lũy tre làng mà xa hơn, có thể đến những quốc gia xa xôi khác.

Ngay từ năm học lớp 11, cô học trò trường làng Hải Yến đã đoạt giải nhì vật lý cấp tỉnh, năm học lớp 12 lại giật thêm một giải ba cấp tỉnh.

Trò chuyện với Yến một hồi mới nhận ra việc học giỏi này còn là "gen" bởi cuộc trò chuyện nhắc tôi nhớ ra người chú ruột của Yến, thời cấp II anh ấy học trên tôi một khóa là học sinh giỏi toán nổi tiếng, và giờ anh đang là trưởng khoa toán một trường cao đẳng phía Nam.

Năm 2015 ấy, sau khi thi đại học về thì chân trái của Yến bị đau nhức. Gia đình đưa bạn vào Huế phẫu thuật chân, bác sĩ bảo u lành tính. Ai cũng nghĩ chỉ là một ca phẫu thuật bình thường để sau đó Yến kịp vào Sài Gòn nhập học.

Cả một bầu trời mở ra trước mặt cô học trò lâu nay chỉ quanh quẩn ở làng. Mỗi ngày từ ký túc xá bạn đi xe buýt lên trường, buổi trưa ăn vội ổ bánh mì rồi ngồi lì ở thư viện. Quá nhiều điều mới lạ để khám phá, tìm hiểu.

Nhưng cái chân trái của Yến lại trở chứng lần nữa. Những cơn đau liên tục hành hạ bạn. Những tháng cuối của học kỳ 1 năm học đầu tiên, bạn đến lớp ngồi học, nghiến răng chịu cơn đau. Bố mẹ ở quê không vào được, người chú ruột nghe tin vội vàng về đưa cháu đi khám.

Cầm tờ kết quả bệnh án anh giấu tiếng nấc nghẹn. Và giấu luôn kết quả với đứa cháu. Chỉ lặng lẽ ra một góc điện thoại báo cho anh chị của mình ở quê biết tình hình.

"Cháu bị ung thư xương". Yến được gia đình xin cho được nghỉ học để về quê chữa bệnh. Yến cũng cứ nghĩ sẽ về vài tuần rồi trở lại. Không thể ngờ đó là cuộc trở về để không bao giờ quay lại giảng đường Trường ĐH Kinh tế - luật nữa.

Cả bầu trời như đổ sụp xuống gia đình bé nhỏ ấy!

Ôn thi đại học lần nữa

Tết năm 2016, Yến ra Bệnh viện K3 ở Tân Triều, Hà Nội. Những tháng ngày miệt mài với bao đợt vào thuốc, làm sinh thiết tủy. Mái tóc cô sinh viên dày và nặng rụng dần vì hóa trị. Nhưng dù cố hết sức vẫn không thể giữ được đôi chân bạn trọn vẹn.

Các bác sĩ đành phải phẫu thuật cắt bỏ chân trái của Yến lên gần hết đùi sau hơn nửa năm nằm điều trị và tìm đủ mọi cách để giữ đôi chân cho cô.

Dù đã phẫu thuật cắt bỏ chân trái nhưng chưa thể nói trước là đã chặn được các tế bào K. Lại những chuyến xe nhọc nhằn từ Quảng Trị ra Hà Nội, Hà Nội vào Quảng Trị, lại xét nghiệm, kiểm tra định kỳ.

Sau mỗi lần tái khám như thế, niềm vui đã rạng dần lên trên khuôn mặt của bố mẹ bạn, những công nhân đã về hưu. Hơn ba năm đằng đẵng! Tài sản gia đình có gì cũng đội nón ra đi, cuốn sổ lương hưu của bố mẹ được "cắm" cho ngân hàng để lấy tiền thuốc thang chạy chữa và đi viện.

Ba năm trôi qua. Ngày nhận kết quả tất cả các chỉ số sức khỏe đều đã ổn, Yến ngoảnh lại thì bạn bè cùng lớp đại học đang chuẩn bị nhận bằng cử nhân tốt nghiệp ra trường.

Chính lúc đó, Yến đi tìm lại những cuốn sách giáo khoa cấp III để ôn thi vào đại học lần nữa. Bốn năm, đối mặt với căn bệnh ung thư, đôi chân không còn nguyên vẹn, lăn lộn qua nhiều bệnh viện, kiến thức có hao vơi nhưng với Yến không bao giờ là muộn!

Cánh chim biển Hải Yến đã đối diện bão dông ngay khi vừa sải cánh ra trùng khơi cuộc đời. Nhưng dông bão đã không thể buộc cánh chim thôi khao khát bầu trời. Hải Yến cũng thế, bạn lại sẽ bay đi trên đôi cánh thương tích! Bay lên đi, cánh chim biển can trường!

Chọn ngành học phù hợp với hoàn cảnh

Với số điểm ba môn thi toán 8,6; lý 9; hóa 7,25, Yến nói: "Mình hi vọng sẽ theo học được ngành công nghệ thông tin. Dù ước mơ ngày trước được hoạt động trong ngành kinh doanh quốc tế, nhưng giờ đây mình chọn công nghệ thông tin để phù hợp với hoàn cảnh của mình".

Và như bao bạn bè khác, những ngày này ngồi ở nhà, công nghệ thông tin cũng đang giúp Yến có thể kiếm được thu nhập qua công việc phù hợp với mình là bán hàng online.

Tiếp sức đến trường 2019

Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ

"Không để nghèo khó chặn đứng ước mơ của những tân sinh viên khó khăn nhưng có khát khao vươn lên" - đây là thông điệp nhiều năm qua của báo Tuổi Trẻ. Năm học 2019-2020, báo Tuổi Trẻ vẫn đồng hành và cam kết sẽ là điểm tựa vững chắc cho những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có khát vọng vươn lên.

Dự kiến trong năm 2019-2020 chương trình sẽ dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: congtacxahoi@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 028.3997.3838.

Đồng thời, bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các tân sinh viên tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời. Ngoài học bổng, chương trình rất mong được sự hỗ trợ thêm chỗ ở, việc làm hay phương tiện đi lại, dụng cụ học tập...

Kinh phí ủng hộ học bổng có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực. Hoặc chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

Hơn 5.000 người đi bộ Hơn 5.000 người đi bộ 'tiếp sức đến trường'

TTO - Sáng 4-8, tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM), hơn 5.000 người là học sinh, sinh viên, chiến sĩ tình nguyện và người dân đã tham gia chương trình đi bộ “Tiếp sức đến trường” và “10.000 bước chân - sức khỏe vì cộng đồng”.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên