23/04/2021 11:03 GMT+7

Tiếng guitar từ lớp học đặc biệt

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Lớp học ấy có những cô bé tay run run, cậu trò mắt không nhìn rõ… Đó không phải là lớp học đàn đơn thuần mà là nơi giúp các em quên đi những khiếm khuyết, những nỗi đau ở đời.

Tiếng guitar từ lớp học đặc biệt - Ảnh 1.

Những buổi học guitar là sợi dây kết nối yêu thương và sẻ chia - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Em những tưởng với khiếm khuyết này mình sẽ không bao giờ chơi đàn được. Nhưng anh Hoàn đã mang đến cho em cơ hội được tham gia lớp học này và thấy bản thân yêu đời hơn.

Vân Anh - học viên tham gia lớp guitar

Điều đặc biệt, người thầy đứng lớp là một trung úy công an trẻ tuổi.

Âm nhạc thêm tiếng cười

Một buổi tối đầu tuần, Trung tâm Hướng nghiệp và từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng vốn yên lặng bỗng rộn vang. Tiếng nói cười, tiếng đàn guitar xen tiếng hát vang lên từ một căn phòng nhỏ.

Trước chiếc bảng đen vẽ mấy khuông nhạc, trung úy Lê Hoàn (26 tuổi, cán bộ Đội an ninh Công an quận Ngũ Hành Sơn) tỉ mẩn chỉ từng nốt nhạc, hướng dẫn học trò đánh theo. Chốc lát có em vấp đoạn khó, anh Hoàn lại nhẹ nhàng đến gần làm mẫu chi tiết và động viên học trò. Gần chục học viên khiếm khuyết cứ thế mải mê cuốn vào tiết học không giáo án.

Năm học lớp 11, Hoàn đã tự mày mò học guitar vì quá yêu những âm thanh phát ra từ loại nhạc cụ ấy. Trong một lần đến tham gia hoạt động thiện nguyện ở Trung tâm Hướng nghiệp và từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng, biết một số học viên ở đây thích chơi đàn và có mong muốn học đàn nên anh đã quyết định mở lớp guitar miễn phí hướng dẫn cơ bản cho các em về nhạc lý và cách chơi đàn ghita.

Anh Hoàn thật thà chia sẻ: "Sau này mới thấy việc dạy đàn khó hơn rất nhiều với việc tự học chơi đàn. Nó không chỉ đòi hỏi người dạy phải am hiểu về đàn, chơi đàn tốt mà còn phải có khả năng truyền đạt, hướng dẫn cho người khác hiểu về cách chơi đàn, hiểu về nhạc lý... Và còn phải hướng cho người học cách tập luyện để đạt được từng mục tiêu đề ra của bài học".

Việc dạy đàn đã khó, dạy cho các học viên khiếm khuyết lại càng khó hơn. Ở lớp học của anh có nhiều em không nhìn rõ, có em không cử động linh hoạt, một vài em nhận thức chậm hơn rất nhiều so với độ tuổi. Có những chỗ anh giảng đi giảng lại nhiều lần nhưng các em vẫn không ghi nhớ được.

Những khiếm khuyết ấy ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chơi đàn của các em. Tuy vậy, anh vẫn luôn động viên các em từng bước, từng bước nắm bắt vấn đề và thực hành, coi việc học như một buổi giao lưu, giải trí cuối ngày.

"Mình không đặt nặng vấn đề các em đã học được những gì, chơi được đàn ra sao, mà hơn hết chỉ muốn tạo nên một lớp học nơi các em có thêm tiếng cười sau ngày học tập, sinh hoạt" - anh Hoàn trải lòng.

Sự lạc quan, cố gắng vươn lên để chiến thắng bản thân và nỗ lực trở thành người có ích nơi các em là động lực lớn cho anh tiếp tục bám lớp đều đặn gần hai năm qua.

Tiếng guitar từ lớp học đặc biệt - Ảnh 3.

Với những em bị khiếm khuyết trí tuệ, anh Hoàn phải dạy đi dạy lại một chi tiết rất nhiều lần thì các em mới ghi nhớ được - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Và những thay đổi lớn

Lớp guitar của anh Hoàn có các học viên quê Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… trong độ tuổi thanh thiếu niên. Tham gia cùng một tiết học, ấn tượng nhất với chúng tôi là em Nguyễn Thị Vân Anh (17 tuổi, quê ở Quảng Nam). Vân Anh có đôi tay rất nhỏ, yếu ớt run rẩy và khó kiểm soát để tập sử dụng đàn nhưng ánh mắt em luôn chăm chú và tràn đầy quyết tâm.

"Em những tưởng với khiếm khuyết này mình sẽ không bao giờ chơi đàn được. Nhưng anh Hoàn đã mang đến cho em cơ hội được tham gia lớp học này và thấy bản thân yêu đời hơn" - Vân Anh tâm sự.

Sau một thời gian tập luyện, tuy chưa thể kiểm soát được đôi tay mình để đàn thành những giai điệu hay, nhưng nay em đã bấm được các hợp âm cơ bản, đàn được những nốt cơ bản và ghi nhớ rất tốt bài giảng của thầy.

"Em ấy khiến mình xúc động mạnh khi muốn đến lớp, thậm chí chỉ để nghe giảng và nghe đàn thôi. Luyện tập không được thì vẫn cố gắng chứ không từ bỏ. Đây là một trong những niềm vui mà mình lấy làm động lực để đến lớp" - anh Hoàn kể về cô trò nhỏ của mình.

Mỗi đêm đến lớp, anh Hoàn lại cảm nhận niềm vui nhân lên khi không chỉ bản thân anh mang yêu thương sẻ chia đến các em mà chính các em truyền cho anh niềm vui trong cuộc sống và cũng chính các em, qua lớp học này đã truyền cho nhau tình yêu thương, dìu dắt nhau cùng tiến bộ. Trương Quang Hiếu (20 tuổi, quê Quảng Ngãi) là một minh chứng.

Hiếu bị cận thị bẩm sinh nên nhìn mọi thứ không rành hình rõ nét. Hiếu là người đầu tiên đăng ký lớp học và vận động các bạn khác tham gia cùng. Trước đây em đã biết sơ về ghita, cũng đã tự học được một ít nhưng vì không có điều kiện lẫn thời gian nên không thể tìm thầy dạy. Vì thế khi lớp học guitar được mở, Hiếu đã rất vui và nhiệt tình hỗ trợ.

Ở trung tâm, Hiếu là sợi dây kết nối anh Hoàn với các bạn học viên khác để hướng dẫn và tập luyện các bài tập sau giờ học. Hiện nay Hiếu không còn sinh hoạt, học tập tại trung tâm nhưng cứ đến những buổi học ghita, Hiếu lại đến tham gia cùng các bạn.

Ở lớp học ấy, mỗi ngày, tiếng hát, tiếng đàn lại ngân vang, những đổi thay nhỏ đã xuất hiện. Điều khiến các nhân viên ở trung tâm và chính các em đều bất ngờ là nhờ luyện tập ghita, một số em đã cải thiện được khiếm khuyết của mình.

Như Vân Anh có thể kiểm soát tốt hơn các ngón tay, đánh được đàn mà không bị run nữa, và các bạn khác vốn mất tập trung và chậm hiểu nay luyện được sự tập trung cao độ hơn trong mỗi lần đặt tay lên những dây đàn.

Chàng trai có tài viết nhạc

Ở đơn vị, anh Hoàn được biết đến với tài năng sáng tác các ca khúc về chủ đề thanh niên, tình yêu quê hương đất nước và lực lượng Công an nhân dân.

Đến nay, anh có trên 30 tác phẩm, trong đó có một số tác phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác ca khúc do các cơ quan trung ương tổ chức. Có thể kể đến như: Bài ca sinh viên công an tình nguyện (giải ba cấp Trung ương Hội sinh viên; giải B cấp Bộ Công an), Con tàu thanh niên (giải nhì cấp Trung ương Đoàn)…

Lớp học miễn phí của mẹ chồng - nàng dâu Sài Gòn Lớp học miễn phí của mẹ chồng - nàng dâu Sài Gòn

TTO - Cứ mỗi chiều tối thứ hai - ba - tư - năm, lớp học miễn phí của mẹ con bà Lê Thị Bê (68 tuổi, Q.4, TP.HCM) lại sáng đèn. Riêng thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật, các em cần hỏi bài cũng có thể ghé qua lớp.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên