Tiếng Bhutan không có lời tạm biệt

TRẦN NGUYÊN 02/11/2017 21:11 GMT+7

TTCT - Kinzang Norbu, chàng hướng dẫn viên hài hước người Bhutan, có vẻ rất xúc động khi đưa chúng tôi ra sân bay nói: “Trong ngôn ngữ của những người sống trên dãy Himalaya, không có từ nào để nói tạm biệt cả. Mọi người chỉ luôn nói: Hẹn gặp lại!”. Vậy là, một cô bạn òa khóc nức nở...

Bình yên Bhutan. -Ảnh: L.N.M.
Bình yên Bhutan. -Ảnh: L.N.M.


Nơi nghề giáo được trọng vọng nhất

Có chút may mắn khi được là một trong 122 hành khách đáp chuyến bay thẳng đầu tiên giữa Sài Gòn - Paro vào giờ cuối cùng, tôi không biết rằng mình chuẩn bị tham gia chặng bay thuộc dạng nguy hiểm nhất hành tinh khi phải bay xuyên qua những hẻm núi hiểm trở, mà chỉ lo chăm chăm nhìn ra ngoài cửa sổ, hi vọng có thể nhìn thấy đỉnh Everest cao nhất thế giới.

122 người, nhưng Công ty Triip chia khách thành từng đoàn nhỏ, chẳng hạn nhóm chúng tôi chỉ có 5 người, kèm theo một lái xe và một hướng dẫn viên. Mãi sau mới hiểu rằng, để bảo vệ người dân khỏi “hư” bởi khách du lịch, chính quyền nước này quy định rất khắt khe về lượng du khách đón tiếp mỗi năm, chi tiêu tối thiểu của khách cũng như phải luôn có hướng dẫn viên địa phương đi kèm.

Bạn trẻ Việt chụp hình khi đến Tiger's Nest ở
 

Bhutan

Hướng dẫn viên này, trước là để... hướng dẫn, sau là để ngăn chặn các hành vi xâm hại thiên nhiên, văn hóa của Bhutan, và họ kiêm luôn một nhiệm vụ quan trọng: thu nhặt rác nếu nhóm khách của mình cố tình không nghe lời mà xả ra bừa bãi.

Kinzang và chàng tài xế điển trai Santos Sin đã hoàn thành xuất sắc cả ba nhiệm vụ này, khuyến mãi thêm việc “gây thương nhớ” với nhiều thành viên vì sự chân thật, nhiệt tình và đáng mến của mình.

Kinzang năm nay 33 tuổi, nói một thứ tiếng Anh sang chảnh kiểu quý tộc, vì anh có cha là thầy giáo - người luôn phải dạy tất cả các môn học bằng tiếng Anh theo yêu cầu của nhà vua Bhutan.

“Tôi luôn ước ao được làm thầy giáo như ba tôi, vì đó là nghề được kính trọng nhất ở đất nước này. Giáo dục thì miễn phí, cũng như y tế, nhưng sự nghiêm khắc cũng miễn phí luôn...”.

Một cây táo trĩu quả trong sân nhà. Là giống táo dại chưa được thuần hóa nên vị chát và chua chen lẫn ngọt, ăn rất sướng.
Một cây táo trĩu quả trong sân nhà. Là giống táo dại chưa được thuần hóa nên vị chát và chua chen lẫn ngọt, ăn rất sướng.

 

Nhiều người cứ hay nói Bhutan thực ra chỉ là một ngôi làng của người dân tộc thiểu số trên núi cao, nhưng không phải vậy, bằng chứng là toàn bộ hệ thống giáo dục của họ đều dạy bằng tiếng Anh.

Tiếng mẹ đẻ chỉ được là một môn học trong số rất nhiều môn bắt buộc liên quan đến triết học, thần học và đạo đức của nền giáo dục miễn phí này.

Bởi vậy, khi hỏi thăm những người đồng hành này đã đi đâu xa chưa, Kinzang hào hứng kể về hành trình đến Sài Gòn của mình, anh hết sức ấn tượng với những trung tâm thương mại hào nhoáng, và... kẹt xe.

Còn Santos thì đã dành một tháng lang thang châu Âu, và sau những choáng ngợp ban đầu của sự hoa lệ, anh bảo anh nhớ rừng núi, nhớ suối sông và quyết định quay về vùng đất có đến 70% diện tích là rừng nguyên sinh của mình.

Bhutan không chinh phục khách du lịch bằng những cảnh đẹp nín thở, những điện đài hay chùa tháp nguy nga. Họ chẳng có gì để hút hồn người lữ thứ, bởi vậy vài ngày đầu tiên sẽ rất chán và buồn ngủ bởi không khí loãng.

Nhưng đến ngày thứ ba, thứ tư, khi mà mọi lao xao của phố thị hiện đại bị rơi rớt lại phía sau, trái tim cũng mềm ra hơn, thì không gian, cảnh vật và con người Bhutan mới bắt đầu thực sự làm say lòng khách.

Bất giác hiểu ra vì sao những tu viện thường luôn ẩn sâu giữa núi rừng, những bậc chân tu cũng chọn những chốn vắng người để dễ hòa mình với thiên nhiên hơn, để hiểu rằng con người cũng chỉ là một tạo vật nhỏ nhoi của đất trời...

Ở Bhutan tự do tôn giáo nhưng hầu hết theo đạo Phật tiểu thừa. Vậy nên cả nước không có… lò mổ, phải nhờ người Ấn qua giết mổ gia súc để ăn. Người Ấn bận thì cả nước ăn chay.
Ở Bhutan tự do tôn giáo nhưng hầu hết theo đạo Phật tiểu thừa. Vậy nên cả nước không có… lò mổ, phải nhờ người Ấn qua giết mổ gia súc để ăn. Người Ấn bận thì cả nước ăn chay.


Thung lũng dược liệu

Sau khi thủ tướng Bhutan xuất hiện trên chương trình TED talk để chia sẻ về khái niệm quốc gia hạnh phúc, hàng chục triệu người đã biết nhiều hơn đến đất nước “không lo kinh tế” này.

Trụ cột tiền bạc của Bhutan chả có gì: một ít thủy điện do vô số thác ghềnh ban tặng để xuất khẩu sang Ấn Độ, một ít sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ vì phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, còn lại là một ít khách du lịch, vì vừa khó đi mà lại vừa đắt đỏ vô cùng, do họ giới hạn số khách trong năm.

Khám phá lớn nhất của hành trình kỳ lạ này lại là ở một ngôi chợ nông nghiệp mỗi tuần họp một lần mà chúng tôi vô tình đi ngang qua. Ở đó có một gian hàng bán rất nhiều loại rễ, lá cây khô và đặc biệt là khoảng 30 loại thảo dược xay nhuyễn.

Khách đến mua sẽ tự lấy thìa xúc từng loại thảo dược một cho vào túi. Và tất cả các loại này đều có chung một công dụng: đốt lên cho hương thơm. Chỉ là để thơm, để hít vào một ít cỏ cây từ núi cao cho thoải mái tâm hồn thôi, không dùng để thờ cúng được.

Muốn thờ cúng thì phải dùng một loại hương khác, được nén lại từ 26 loại thảo mộc trên núi cao nhất, theo đúng quy trình của Mật tông, với những lời cầu nguyện của những nhà sư. Và trên cái thẻ hương này, người ta ghi rằng: tinh chất từ thung lũng dược liệu Hymalaya.

Cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách
Cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách

 

Mà cũng phải, ở Bhutan cứ bước ra đường, chịu khó nhìn ngó một chút là thấy những cây... thuốc phiện. Loại lá cỏ được xếp vào danh mục ma túy này mọc thoải mái và tự nhiên giữa phố xá nơi đây.

Cả quốc gia cấm hút thuốc nên cũng chẳng ai màng gì tới mấy cái lá kỳ lạ này, bởi họ còn hằng hà sa số thảo dược trăm năm, thậm chí ngàn năm đang nằm lẩn khuất đâu đó mà cũng không ai quá quan tâm đến việc tìm kiếm để bán lấy tiền.

Có chăng là mớ đông trùng hạ thảo - được định nghĩa là một loại nấm có khả năng chữa lành - là còn có người quan tâm để thu hoạch mà bán...

Có thuốc, tự dưng lại nghĩ đến rượu. Kinzang hào hứng lắm: “Có loại rượu quý mà đích thân nhà vua đứng ra bảo trợ, được nấu từ nguồn nước tan ra của băng tuyết ngàn năm của đỉnh núi cao nhất”.

Chao ôi, không chỉ loại hảo tửu của vua này mới ngon, mà cơ man nào là rượu đào, rượu táo... đủ ngon ngọt và men say để làm tan cái lạnh của buổi tối sơn cước...

Đường lên đền Tiger Nest, có những đoạn nghỉ chân và thách thức người đi bằng trò xếp đá thăng bằng. -Ảnh: Trần Nguyên
Đường lên đền Tiger Nest, có những đoạn nghỉ chân và thách thức người đi bằng trò xếp đá thăng bằng. -Ảnh: Trần Nguyên


Khi máy bay ghé ngang Ấn Độ để... đổ xăng trên đường quay về Sài Gòn, cô bạn đi cùng thầm thì: “Một tuần đi giải độc trái tim nhanh quá, mình muốn trở lại”.

Ừ, sẽ trở lại, vì còn lời hứa chụp một phóng sự ảnh những câu trích dẫn hay nhất trên hệ thống thùng rác đặt khắp nơi, còn nguyên ý định đi tìm ông vua xứ này, người nghe nói vừa mua chiếc xe điện Tesla thế hệ mới nhất của siêu nhân Elon Musk và cũng còn muốn dự tiệc cưới của Kinzang, để xem hạnh phúc nở hoa trên đỉnh Hi Mã Lạp Sơn...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận