05/06/2019 21:40 GMT+7

Tiền mới, em đếm cẩn thận, coi chừng đứt tay nhé

VÕ ĐẶNG MINH TUẤN
VÕ ĐẶNG MINH TUẤN

TTO - "Tiền chị mới lĩnh ở ngân hàng về, em đếm cẩn thận coi chừng đứt tay nhé. Xong rồi về nộp cho bố mẹ nghe chưa", chị kế toán bảo tôi.

Tiền mới, em đếm cẩn thận, coi chừng đứt tay nhé - Ảnh 1.

Tiền bây giờ hiện hữu ở một dạng khác, ở những tiếng "ting - ting" hay những lần cà thẻ, quét mã... Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đấy là những đồng tiền đầu đời của tôi khi nhập cuộc mưu sinh từ năm 18 tuổi, lúc mới bước chân vào giảng đường đại học. 

Mức lương lúc bấy giờ chỉ 800.000 đồng/tháng nhưng đối với sinh viên chúng tôi là cả một bầu trời ao ước.

Tôi vui và tự hào lắm vì mình có thể làm ra tiền, và quan trọng hơn, đây là bước ngoặt đánh dấu cho sự trưởng thành và tự lập của bản thân.

Là sinh viên năm thứ nhất, tôi đối mặt với nhiều khoản chi cần phải trang trải trong cuộc sống, nào là tiền học phí, tiền giáo trình, ăn uống, đi lại v.v...

Với khoản thu nhập đầu đời, tôi bắt đầu lập kế hoạch chi tiêu cho bản thân. Mỗi học kỳ, tôi cần 900.000 đồng đóng học phí.

Ngoài ra, mỗi tháng tôi cần 200.000 đồng mua giáo trình hoặc photo tài liệu, 400.000 đồng cho ăn uống, 100.000 đồng cho vé xe buýt tháng.

Đêm trước khi đi làm, lòng tôi nôn nao khôn tả với nhiều trăn trở: Liệu công ty có nhận mình không? Liệu công việc có ảnh hưởng đến việc học tập ở trường? Nếu "giữa đường đứt gánh", mình cũng sẽ quyết tâm thể hiện thật tốt trong 2 tháng thử việc để kiếm đủ tiền trang trải cho những khoản chi tiêu đã đề ra.

Tôi bèn lấy đồng xu may mắn của mình - đồng 5.000 mới coóng (khi đó tiền xu vẫn còn lưu hành) - và chơi trò tung đồng xu sấp ngửa để thử thời vận xem mình có cơ duyên với công việc đầu đời hay không.

Sáng hôm sau, tôi đến công ty, hành trang chẳng có gì ngoài chiếc ví nhẹ tênh và bộ hồ sơ xin việc để ứng tuyển.

Tôi chính thức đi làm sau 2 tháng thử việc và tiếp tục gắn bó với công ty 4 năm liền trong khoảng thời gian học đại học.

Ngày đầu tôi nhận lương, chị kế toán vừa khoan thai cho tiền vào máy đếm, vừa xốc lại xấp tiền mặt trên bàn rồi hài hước bảo: "Tiền chị mới lĩnh ở ngân hàng về, em đếm cẩn thận coi chừng đứt tay nhé. Xong rồi về nộp cho bố mẹ nghe chưa".

Sinh nhật lần thứ 18 năm đó là kỷ niệm tôi không thể nào quên được. Tôi chạy lên phòng kế toán với cái ví sắp rỗng, chỉ có giấy tờ tùy thân và vài đồng trợ cấp từ bố mẹ, thì khi trở về đã mang theo một xấp tiền nhỏ nhưng cũng đủ làm dày cộm thêm niềm vui.

Cuộc sống của tôi bắt đầu vào guồng, và bắt đầu có ý nghĩa hơn kể từ đó. Sáng tôi vẫn đi học, đảm bảo hoàn thành các học phần tín chỉ ở trường; chiều lại đến công ty, tích lũy thêm kinh nghiệm và thu nhập.

Sang năm thứ hai, tôi được tăng lương, có thẻ nhân viên, và trở thành cộng tác viên chính thức có hợp đồng.

Công ty yêu cầu tôi mở tài khoản ngân hàng để tiện việc thanh toán lương, cũng như để bảo mật và an toàn khi giao dịch.

Ngoài ra, tôi cũng cần đặt mua một số giáo trình nước ngoài phục vụ nhu cầu học tập nên quyết định mở thẻ ghi nợ quốc tế để thanh toán điện tử qua mạng.

Đồng thời, tôi cũng tham gia dịch vụ mobile banking và Internet banking để quản lý tài khoản ghi nợ, tài khoản tiết kiệm và thực hiện những giao dịch cá nhân.

Kể từ đó, tôi đã không cần phải chạy lên phòng kế toán mỗi khi nhận lương. Khi "lúa về kho", tiếng ting ting báo hiệu trong điện thoại di động đã thay thế tiếng máy đếm tiền của chị kế toán.

Các giao dịch thanh toán, quản lý dòng tiền cá nhân nay đã thuận tiện hơn. Tôi chỉ cần ngồi một chỗ, vừa làm việc, vừa chuyển tiền về cho bố mẹ, vừa thanh toán tiền mua sách ở tận Mỹ.

Mọi giao dịch chỉ tốn vài giây, qua vài cú click chuột. Ví tôi cũng không còn xếp lớp bởi tiền giấy, tiền xu, thay vào đó là thẻ thanh toán, thẻ bảo hiểm, và các loại thẻ khách hàng thường xuyên.

Ngày xưa, việc cầm trong tay tháng lương đầu tiên, việc thấy ví mình chật căng tiền mặt đối với tôi là niềm hạnh phúc của tuổi mới lớn.

Trái lại, ngày nay khi thu nhập ngày càng tăng thì ví tiền của tôi lại ngày càng nhẹ đi.

Sự tréo ngoe đó là hạnh phúc của tuổi trưởng thành khi mà giờ đây, tôi luôn ở trong tâm thế "nhẹ ví, nhẹ cả thu chi".

Cà thẻ trả tiền và những chuyện không thể hiểu Cà thẻ trả tiền và những chuyện không thể hiểu

TTO - Tôi mới đi xuất khẩu lao động từ Hàn Quốc về và cũng đã quen với thói quen tiêu dùng thanh toán bên đó vì vậy mà về khi Việt Nam tôi gần như bị sốc, không thể hiểu nổi…

VÕ ĐẶNG MINH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên