30/07/2023 08:50 GMT+7

Tiền hối lộ 'chuyến bay giải cứu' không nộp lại được không?

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng một mực kêu oan nhưng vẫn bị tòa tuyên án chung thân, yêu cầu truy thu 18,8 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được truy thu ra sao?

Bị cáo Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Bị cáo Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn sơ thẩm đã khép lại tối 28-7 sau 18 ngày xét xử với bốn án tù chung thân, 10 người hưởng án treo và 40 bị cáo mức án từ 18 tháng đến 16 năm tù.

Truy thu tiền nhận hối lộ chưa nộp hết

Theo bản án, 21 cựu quan chức đã nhận hối lộ số tiền hơn 164 tỉ đồng, 23 doanh nghiệp đưa hối lộ 226 tỉ đồng. Tòa ghi nhận đến trước thời điểm tuyên án, các bị cáo đã nộp tổng số tiền khắc phục hậu quả 126,5 tỉ đồng và 1,96 triệu USD, tương đương 173 tỉ đồng. 

Nhiều cựu quan chức chưa nộp hết số tiền nhận hối lộ bị yêu cầu tiếp tục truy thu sung công quỹ nhà nước.

Tại bản án, ngoài số tiền các bị cáo nộp lại bị tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước, tòa cũng yêu cầu truy thu số tiền mà các bị cáo chưa nộp hết. 

Cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan phải lãnh mức án tòa sơ thẩm tuyên - chung thân (cao hơn mức 18-19 năm tù viện kiểm sát đề nghị). Bà Lan cũng là người bị truy thu số tiền nhiều nhất.

Tòa xác định bà Lan nhận hối lộ 25 tỉ đồng nhưng mới nộp 900 triệu khắc phục hậu quả nên tòa yêu cầu phải truy thu số tiền 24,1 tỉ đồng. 

Bản án tuyên tiếp tục phong tỏa một số nhà đất, tài sản, tiền mặt trong ngân hàng của cựu cục trưởng để đảm bảo thi hành án. Cấp phó của bà Lan là bị cáo Đỗ Hoàng Tùng mới nộp 200 triệu, cũng bị yêu cầu tiếp tục kê biên nhiều tài sản để đảm bảo thi hành án, truy thu số tiền hơn 12 tỉ nhận hối lộ.

Bị cáo không nộp thì sao?

Đối với số tiền mà hai lãnh đạo Công ty Blue Sky thông qua cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đưa cho Hoàng Văn Hưng nhờ "chạy án", tòa nhận định đây là mục đích đưa hối lộ, thực hiện giao dịch trái pháp luật. 

Vì vậy tòa yêu cầu truy thu số tiền 18,8 tỉ mà ông Hưng đã chiếm đoạt để sung công quỹ nhà nước. Đồng thời toàn bộ số tiền 1,85 triệu USD ông Tuấn nộp lại cũng sung công quỹ nhà nước.

Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), trong vụ án hình sự vật chứng là tiền bạc, tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tuyên tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước. 

Trường hợp bị cáo kêu oan và tòa xác định bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội, hoặc hành vi không thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm thì tòa sẽ tuyên bố bị cáo không phạm tội và không phải chịu hình phạt, trách nhiệm dân sự. 

Trường hợp bị cáo kêu nhưng nếu tòa án xác định các chứng cứ đã được làm rõ, đủ căn cứ để kết tội thì tòa buộc phải giải quyết vấn đề về hình phạt và phần trách nhiệm dân sự.

"Nếu tòa án xác định Hoàng Văn Hưng nhận số tiền 800.000 USD thì đồng thời tòa xác định trách nhiệm dân sự và buộc Hưng phải hoàn trả số tài sản do phạm tội mà có", luật sư Cường nói. Theo ông Cường, nếu không đồng ý thì bị cáo Hưng có quyền kháng cáo, vì bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực.

Cũng theo luật sư, bị cáo không có nghĩa vụ phải nhận tội nhưng tòa đã tuyên có tội thì tòa buộc bị cáo phải trả lại số tiền phạm tội mà có. Trường hợp bị cáo không có tiền để nộp thì tòa sẽ kê biên, niêm phong tài sản của bị cáo. 

"Nếu bị cáo không nộp, tòa không kê biên, niêm phong được thì phần dân sự sẽ treo ở đấy và bị cáo sẽ không được xóa án tích, thậm chí rất khó trong việc giảm án" - luật sư nói.

Hành khách kiện đòi lại tiền được không?

Theo bản án được tuyên, hồ sơ vụ án không có thông tin, tài liệu về những người đã mua vé và doanh nghiệp cũng không có tài liệu về chi phí của khách hàng đã mua vé chuyến bay combo đưa công dân về nước.

Vì vậy, tòa không có cơ sở xem xét giải quyết nội dung này. Tòa dành cho các công dân đã mua vé quyền yêu cầu các doanh nghiệp bán vé, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Trương Anh Tú, trong vụ án này quyền lợi của hành khách mua vé không được đặt ra từ giai đoạn điều tra, truy tố.

Vì vậy đến giai đoạn xét xử "tòa không thể làm gì được" nên dành cho công dân đã mua vé quyền yêu cầu các doanh nghiệp giải quyết quyền lợi của mình theo quy định pháp luật, tức là quyền khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, ông Tú nhận định thực tế việc kiện đòi lại tiền là rất khó.

"Vấn đề này phải được giải quyết theo cấu trúc tư duy ngay từ lúc khởi tố điều tra, chứ đến thời điểm này thì rất khó. Hơn nữa không thể nào một người dân nộp 1.000 USD, 2.000 USD mà có thể vận hành cả một chương trình khởi kiện dân sự.

Đặc biệt, việc này không gộp chung tất cả hành khách thành một vụ được, mà mỗi người phải là một vụ kiện riêng.

Hàng chục nghìn hành khách, hàng chục nghìn vụ kiện như vậy tòa án sẽ quá tải, còn người dân không đủ sức, rơi vào tình trạng một tiền gà ba tiền thóc. Nếu người dân tự làm thì không biết làm kiểu gì, thời gian đâu, nếu mời luật sư thì không đủ chi phí", luật sư Tú phân tích.

Vụ chuyến bay giải cứu: Khách hàng đã mua vé bay cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?Vụ chuyến bay giải cứu: Khách hàng đã mua vé bay cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Tòa án tuyên khách hàng có thể yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi của mình khi bay chuyến bay giải cứu. Vậy khách hàng có thể làm gì, thủ tục ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên