18/02/2022 19:28 GMT+7

Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi: Có ảnh hưởng đến di truyền, hệ sinh sản?

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Bộ Y tế đang chuẩn bị tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Nhiều phụ huynh lo sợ việc này có gây ảnh hưởng đến hệ sinh sản, di truyền của trẻ. Các chuyên gia, bác sĩ khẳng định vắc xin COVID-19 an toàn cho trẻ.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi: Có ảnh hưởng đến di truyền, hệ sinh sản? - Ảnh 1.

Khách mời tham gia tọa đàm (từ trái sang): PGS.TS Dương Thị Hồng, PGS.TS Trần Minh Điển và nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng - Ảnh: VGP

Ngày 18-2, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng, với sự tham gia của PGS.TS Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, PGS.TS Trần Minh Điển - giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, và PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Hiệu quả của chiến dịch tiêm cho trẻ 12-17 tuổi

Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia, bác sĩ đều đánh giá hiệu quả của chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ 12 - 17 tuổi thời gian vừa qua. Vắc xin đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỉ lệ nhiễm và tử vong do COVID-19.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, đến nay số mũi tiêm chủng đã đạt tới 17 triệu cho nhóm tuổi trên, trong đó mũi 1 đạt trên 97% và mũi 2 đạt 94,6%. Số liệu này chứng tỏ kết quả tổ chức tiêm chủng rất an toàn và sự chấp thuận của phụ huynh rất cao.

PGS.TS Trần Minh Điển chỉ rõ: "Trên thực tế tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn ra và nhóm trẻ được tiêm chủng đã đi học. Khi các cháu bị nhiễm thì tình trạng nhẹ. Chưa có trường hợp nào được tiêm chủng trong nhóm 12 - 17 tuổi phải nhập viện. Với nhóm này, chúng ta đã làm giảm tình trạng phải nhập viện, giảm thiểu được dấu hiệu chuyển nặng của bệnh".

Còn theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, hiện TP.HCM đã tiêm chủng an toàn và đầy đủ cho nhóm 12 - 17 tuổi. Trường học mở cửa trở lại, học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 yên tâm đi học.

"Chẳng hạn ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 7-2021, từng phải điều trị hơn 2.000 ca COVID-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp. Sau khi tiêm cho nhóm trẻ 12 - 18 tuổi thì từ tháng 11-2021, số nhập viện giảm hẳn.

Cụ thể tháng 11-2021, có 163 trường hợp trẻ nhập viện; tháng 12-2021 là 150 trường hợp. Đến tháng 1-2022 chỉ có 75 trường hợp. Có nhiều yếu tố dẫn đến tình hình trẻ em nặng phải nhập viện giảm nhanh, nhưng việc tiêm vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ca mắc và nhập viện", ông Hùng nói.

Nhiều quốc gia đã tiêm vắc xin COVID-19 an toàn cho trẻ 5-11 tuổi

Từ những hiệu quả trong việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12 - 18 tuổi, các chuyên gia, bác sĩ khuyến khích phụ huynh thực hiện tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 12 tuổi.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi: Có ảnh hưởng đến di truyền, hệ sinh sản? - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh THPT Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Bà Hồng thông tin, hiện nay hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Một số quốc gia đã triển khai từ tháng 11-2021. Một số mới đây đã bắt đầu tiêm cho trẻ vào tháng 2-2022. Trong số đó có nhiều quốc gia tại châu Á chấp thuận tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi, như Nhật Bản, Singapore, Philippines, Malaysia.

"Chúng tôi cũng đã tham khảo số lượng vắc xin sử dụng trên thế giới hiện nay. Đã có 80 triệu liều của Hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia.

Đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vắc xin khác nhau. Khi tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, Việt Nam sẽ sử dụng vắc xin do Hãng Pfizer/BioNTech sản xuất, hàm lượng kháng nguyên chỉ bằng 1/3 hàm lượng của người trưởng thành. Chúng tôi sẽ tập huấn kỹ cách thức triển khai, pha vắc xin, đóng lọ và số liều vắc xin trong một lọ", PGS.TS Dương Thị Hồng nói.

Bên cạnh đó, bà đề nghị các chuyên gia nhi khoa xem xét hướng dẫn cán bộ y tế khám sàng lọc cho các bé trước khi tiêm chủng, để tiêm chủng thực sự an toàn. Các cán bộ y tế cũng phải học nghiêm túc, tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, xử trí phản ứng sau tiêm.

Nhiều phụ huynh lo lắng việc tiêm vắc xin COVID-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sinh sản, di truyền hay các phản ứng lâu dài. PGS.TS Trần Minh Điển khẳng định vắc xin COVID-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ.

Ông Điển lý giải: Bản chất của vắc xin này là các thành phần RNA thông tin - khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người.

“Trẻ sẽ có những phản ứng sau khi tiêm cũng giống như các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn. Phụ huynh cần phối hợp với những người tiêm chủng, cán bộ y tế đánh giá mức độ phản ứng của trẻ để có thể xử lý kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”, ông Điển khuyến cáo.

Tin sáng 13-2: Nhiều ý kiến khác nhau về tiêm vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi Tin sáng 13-2: Nhiều ý kiến khác nhau về tiêm vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi

TTO - Có nên đăng ký và cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vắc xin COVID-19 là vấn đề được nhiều cha mẹ đặt ra trong những ngày vừa qua.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên