19/07/2022 11:38 GMT+7

Thủy điện xả lũ gây hại: Chấm dứt cách nào?

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Phú Yên (khai mạc sáng 18-7), cử tri TP Tuy Hòa và huyện Tây Hòa đặt vấn đề ngăn việc thủy điện xả lũ.

Thủy điện xả lũ gây hại: Chấm dứt cách nào? - Ảnh 1.

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn nhất vào chiều 30-11-2021 sau khi tổng lưu lượng nước từ thượng nguồn ồ ạt đổ về hồ chứa thủy điện này - Ảnh: DUY THANH

Cử tri ý kiến, việc xả lũ trên địa bàn tỉnh Phú Yên vào cuối năm 2021 gây ảnh hưởng ngập úng diện rộng gây thiệt hại cho nhân dân đến nay vẫn chưa thấy giải quyết, và đề nghị UBND tỉnh cần làm rõ nguyên nhân của vấn đề này và thông tin rộng rãi. 

Cử tri cũng đề nghị tỉnh thường xuyên giám sát để chấm dứt việc thủy điện xả lũ không theo quy trình, gây lũ lụt, làm thiệt hại nặng về người và tài sản.

Ông Lê Tấn Hổ - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - tiếp thu và cũng có ý kiến về kiến nghị này. Theo đó, cuối năm 2021, do mưa lớn kết hợp xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba đã gây thiệt hại lớn cho Phú Yên. 

Do lượng mưa từ thượng nguồn sông Ba gồm Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai rất lớn vào thời điểm trên, các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông này đồng loạt xả lũ, kết hợp với triều cường và mưa lớn đã làm ngập lụt trên diện rộng.

Văn bản báo cáo với cử tri cũng khẳng định việc vận hành liên hồ chưa hiệu quả. Các hồ trên sông Ba hầu như không có khả năng cắt lũ vì dung tích quá nhỏ. 

Trong 8 thủy điện thượng nguồn sông Ba (phía trên thủy điện Sông Ba Hạ), chỉ có 3 hồ và đập thủy điện có điều tiết, còn lại 5 thủy điện của hệ thống Đăk Srông đều chảy tràn, không có điều tiết.

Quy trình vận hành liên hồ chứa (theo quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 18-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ) chưa đề cập đến việc phối hợp cung cấp thông tin trong việc ra lệnh thực hiện xả nước, đón lũ, giảm lũ cho vùng hạ du.

Khi ra lệnh vận hành, điều tiết xả lũ, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba (Đắk Lắk, Gia Lai và các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn) chưa kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ở vùng hạ du để chỉ đạo phương án ứng phó. 

Phú Yên đã bị động trong điều tiết lũ khi hầu hết các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đã đầy nước sau các đợt mưa, lũ.

UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản kiến nghị Trung ương để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương quan tâm nghiên cứu điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cần phải mang tính liên hồ: quy định cụ thể hồ nào xả trước, hồ nào xả sau; gắn nhiệm vụ chống lũ cho các công trình hiện có; hạn chế việc xả lũ vào thời điểm có mưa lũ lớn nhất. Đồng thời, thể chế hóa trách nhiệm của chủ hồ trong việc trữ lũ và xả lũ khi đã có cảnh báo sớm về nguy cơ lũ.

UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ở thượng nguồn sông Ba và các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong công tác vận hành, điều tiết xả lũ để kịp thời chỉ đạo các phương án ứng phó. 

Cần đầu tư bổ sung các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn và thông tin ngay số liệu quan trắc được cho các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời điều hành, ứng phó. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng bộ công cụ dự báo, cảnh báo lũ tự động nhằm hỗ trợ ra quyết định điều tiết vận hành các hồ trên lưu vực sông Ba.

Xả lũ liên hồ gây ngập lụt nghiêm trọng: Lỗi do ai? Xả lũ liên hồ gây ngập lụt nghiêm trọng: Lỗi do ai?

TTO - Tỉnh Phú Yên cho rằng không nhận được thông báo nào khi các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở tỉnh Gia Lai xả lũ xuống sông Ba, buộc thủy điện cuối cùng trong bậc thang là Sông Ba Hạ phải xả lũ lượng lớn gây lũ lụt nghiêm trọng.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên