31/01/2022 17:10 GMT+7

Thủy Ba nổi tiếng làng bắt cọp

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Mỗi miền quê thường có cổng chào như một tấm danh thiếp đón khách phương xa. Cổng chào xã Vĩnh Thủy ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) mang hai hàng chữ trên trụ cổng: "Thủy Ba nổi tiếng làng bắt cọp; Vĩnh Thủy lừng danh xã anh hùng".

Thủy Ba nổi tiếng làng bắt cọp - Ảnh 1.

Di tích Hổ quyền ở Huế - Ảnh: Nguyễn Phong

Từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, chuyện cọp chuyện hùm chốn rú rừng hoang dã có ở khắp nơi trên đất nước mình.

Phía Bắc có "cọp Bảo Hà, ma Trái Hút" (hai địa danh thuộc tỉnh Lào Cai), vùng Nam Trung Bộ có "cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận", còn mảnh đất nơi eo thắt này thì "cọp Thủy Ba, ma Trộ Rớ"...

Lưới sót trăm năm

Không phải là huyền thoại hay truyền kỳ, nghề bắt cọp ở Thủy Ba được chép vào sách vở, lưu truyền bằng hiện vật, thực chứng bằng con người cụ thể.

Thủy Ba xưa là tên gọi một tổng bao gồm vùng rộng lớn phía Tây Nam huyện Vĩnh Linh (nay gồm các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy). Sử làng kể rằng từ thế kỷ thứ 11, những người lính trong đoàn quân triều Lý theo Lý Thường Kiệt đi chinh phạt phương Nam đã dựng xóm lập làng, mở mang cơ nghiệp.

Rừng núi mênh mông chen giữa các hồ nước sình lầy, cây cối rậm rạp, muông thú đông đúc, sinh cảnh thuận lợi của loài cọp. Cọp ban đầu chỉ bắt gia súc chăn thả của bà con như trâu bò ngoài đồng. Rồi vào tận vườn chuồng bắt heo, chó, rồi xông vào nhà bắt người.

Cọp về làng thì Thủy Ba lập phường bắt cọp! Cho tới cách nay 6 tháng, Thủy Ba vẫn còn người thợ săn cuối cùng - ông Nguyễn Đăng Hạp. Ông Hạp thường hào hứng kể lại cho kẻ hậu sinh những hồi ức bắt cọp thuở tráng niên.

Bảo vật của làng là những lưới, đinh ba bắt cọp. Anh Nguyễn Quang Chiến, chủ tịch xã Vĩnh Thủy, cho chúng tôi xem tay lưới sạm đen vẫn còn dẻo dai đang trưng bày ở nhà truyền thống của xã: "Sót là loại cây rừng có loại quả béo bùi mà cọp rất thích ăn.

Để làm lưới bắt cọp thì không có loại dây leo nào vừa mềm dẻo lại bền dai được như cây sót, răng cọp hung dữ cũng không cắn xé được".

Thân cây sót chặt về, dùng chày gỗ đập dập, ngâm nước vôi. Chừng vài tuần bột gỗ rữa ra còn trơ lại sợi. Sợi sót chập làm ba, làm tư to cỡ ngón tay cái rồi bện thành lưới. Mỗi mắt lưới rộng vừa lọt nắm tay. Triêng lưới bện bằng mây song, mỗi "tay lưới" dài từ 8 - 12m, rộng 3 - 4m, nặng đến 2 đòn khiêng.

Làng Thủy Ba có hai thôn: Thủy Ba Thượng và Thủy Ba Hạ, sau này Thủy Ba Thượng tách làm Thủy Ba Đông và Thủy Ba Tây, thành ra 3 làng Hạ - Đông - Tây.

Các làng chọn người hợp thành 20 "sâu" từ 10 đến 12 người. Mỗi "sâu" tự sắm sửa từ 4 đến 6 tay lưới. Chỉ trừ con cháu các nhà giàu học hành đỗ đạt hay làm chức sắc, tráng đinh từ 17 tuổi trở lên đều phải gia nhập phường săn cọp.

Thủy Ba nổi tiếng làng bắt cọp - Ảnh 2.

Chủ tịch xã Vĩnh Thủy, anh Nguyễn Quang Chiến, hậu duệ của một thợ săn cọp trứ danh làng Thủy Ba, giới thiệu về tấm lưới dệt bằng thân cây “sót” dùng để bắt cọp được gìn giữ qua nhiều thế kỷ - Ảnh: L.Đ.D.

Dọi dấu - Khép ải - Dồn cọp

Cọp về làng, người đi làm gặp dấu cọp dằm, lốt chân cọp thì tức tốc báo cho phường. Trưởng "sâu" và các chức sắc họp, cử người "dọi dấu" (theo dõi) xác định vùng cọp ẩn náu, phán đoán vùng cần bủa vây.

Không phải ai cũng "dọi" được dấu cọp, đây đã thành bí quyết gia truyền. Dọi dấu cọp phải rất tinh, nhìn lốt chân cọp in trên đất mà đoán được con cọp lớn hay nhỏ, hiền hay dữ, hiện đang cách bao xa...

Người dọi thấy dấu thì báo cho làng để làm lễ thượng vong xin rải lưới: giết một con gà trống rồi xem chân gà bói quẻ tốt xấu. Người chỉ huy cho các "sâu" dựng lưới vây quanh vùng đã xác định, gọi là "ải". Có khi "ải" rộng đến 2ha, lưới chừa lại một phần tư đường tròn làm "cửa ải".

Vây lưới xong, người ta phát quang để chia rừng thành ba khoảng cách biệt nhau, một số cây cao cũng được triệt hạ để đề phòng cọp leo lên nhảy vọt qua lưới.

Một "sâu" được phân công cầm mác, nạng chờ sẵn ngoài vòng lưới. Một bộ phận khác gồm những người gan góc, khỏe mạnh lùng sục dồn cọp vào lưới.

Thủy Ba nổi tiếng làng bắt cọp - Ảnh 3.

Chiếc giáo mũi đôi, dụng cụ để đâm cọp khi đi săn - Ảnh: L.Đ.D

Chuông, trống gióng lên, thúc dồn ngũ liên, người trưởng phường la lớn: "Thủy Ba đứng dậy cho đều/Nghe tiếng ta reo, hùm vọt dậy". Người bốn phía cùng hô theo đồng thanh: "Reo, reo, reo"...

Họ vừa hô vừa khép chặt vòng vây, cọp lao vọt từ khoảng này qua khoảng khác, mọi người lập tức nhổ lưới vây. Cọp là giống thú tinh khôn và hung dữ, bị dồn vào thế cùng lại càng dữ tợn. Nó nằm im trong các lùm cây rậm, bất thần nhảy ra tấn công phường săn.

Những người vào ải nhanh chóng phản xạ với miếng võ "gia truyền" là "thiên lôi giáng". Cọp nhảy vọt lên thật cao rồi phủ xuống đầu người để cắn xé, người cầm nạng chĩa ngược nạng lên hất cọp nhào trở lại.

Vòng trong vòng ngoài tiếp tục hò reo, cọp hoảng hốt vọt khỏi chỗ nấp. Đây là lúc quyết liệt nhất, một là cọp lao đầu vào lưới, hai là tấn công trực diện vào những người cầm mác, cầm nạng.

Đây cũng là thời điểm phấn khích, hào hứng nhất của cuộc săn. Không còn lo sợ, quên cả nhọc nhằn, người săn ác thú chỉ còn men say bừng bừng. Tiếng thanh la, trống mõ, tiếng hò reo đổ dồn.

Chúa sơn lâm lúc sa cơ cũng... hèn. Vuốt sắc bấu vào mắt lưới, mắt ngầu đỏ, mép phun đầy nhớt dãi, vừa giằng xé các mắt lưới vừa gầm thét điên dại. Tiếng gầm khiến người cứng vía nhất cũng phải dựng tóc gáy.

Mặc cho cọp vùng vẫy, lưới càng ép sát, thu hẹp, rồi khóa kín. Ba bốn ngày cọp la hét, lồng lộn nên đói, kiệt sức. Khi ấy, mọi người mới tìm cách dồn cọp vào một lọ lớn bằng mây song, rồi từ đó dồn cọp sang rọ nhỏ hơn, đóng bằng gỗ như kiểu "cũi" gọi là rọ kẹp. Bấy giờ làng làm lễ hạ vong cúng mâm xôi con gà.

Thủy Ba nổi tiếng làng bắt cọp - Ảnh 4.

Trận đấu voi và hổ cuối cùng tổ chức tại Hổ quyền năm 1904, dưới triều Thành Thái. Ảnh tư liệu

Khánh vàng, khánh bạc

Tiếng đồn làng bắt cọp vang vọng tới kinh thành Huế. Ban đầu chỉ là chuyện cọp về quấy phá ở phía Tây kinh, lệnh vua cho triệu tập phường săn Thủy Ba vào bắt cọp dữ.

Sau này, năm 1830 vua Minh Mạng cho xây Hổ Quyền để vua ngự xem các trận đấu voi - hổ, một trong những nguồn cung cấp hổ là những thợ săn cọp Thủy Ba. Đến nay, làng vẫn còn lưu truyền bài vè:

"Mồng sáu sắc hạ vua ra

Tư tờ xuống huyện đòi Thủy Ba đi liền

Đòi vô làm "ải" Thừa Thiên

Dữ ma độc nước không yên chăng là...".

Bài vè lần lượt kể tường tận chi tiết từng ngày: mùng 6 vua ban sắc hạ thì qua mùng 8 dân hạ heo làm lễ tế xuống thuyền vào kinh đô, chia đội luồn rừng tìm dấu cọp... Sau bao phen vất vả, đoàn người phải mổ heo tế trời đất, rồi dùng trâu làm mồi nhử.

Thủy Ba nổi tiếng làng bắt cọp - Ảnh 5.

Hổ quyền vào những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu

Đến lúc cọp về bắt trâu thì chuyện giăng ải đã có bài có bản. Qua hành trình gian truân, khi cọp bị nhốt vào cũi, lúc ấy: "Cắt dân vén hết hai bên/Vua quan ngài ngự cùng lên ải này...".

Sử xã Vĩnh Thủy viết: "Vua trọng thưởng tiền và phong sắc cho những người tiêu biểu". Ông Nguyễn Chẻng được ban "khánh vàng", ông Cao Dẫn được "khánh bạc". Người được ban khánh vàng chính là ông cố của chủ tịch xã Vĩnh Thủy đương nhiệm, anh Nguyễn Quang Chiến.

Anh Chiến kể: trong một chuyến săn như thế, ông Nguyễn Chèng được phân công "dọi dấu", phát hiện một hổ mẹ và ba hổ con. Tuy nhiên sau mấy ngày vây ải, đoàn Vọng thành chỉ vây bắt được một hổ mẹ và hai con hổ con.

Quan trông coi đoàn săn cho là người "dọi dấu" sai, đòi xử phạt, nhưng rốt cuộc phường săn đã bắt được con cọp con còn lại, đúng y như "dọi dấu", nên ông được ban thưởng.

Kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, Thủy Ba trở thành vùng chiến khu, bom đạn triền miên. Cọp dần thưa vắng, lùi vào rừng sâu. Những tay lưới, đinh ba được đưa về trưng bày ở nhà truyền thống xã như để nhắc nhở hậu thế về một thời cha ông họ đối mặt với gian nan.

'Bảo mẫu' của đàn hổ lớn nhất Việt Nam

TTO - Đang chơi đùa, thấy người lạ, bầy hổ lông vằn lực lưỡng liền gầm gừ, 'mắt hình viên đạn' như cảnh báo kẻ xâm phạm lãnh địa. Ấy vậy mà nhân viên chăm sóc tới, chúng lập tức dịu dàng, cọ đầu vào cửa sắt đợi 'bảo mẫu'... xoa đầu như em bé.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên