21/01/2023 09:12 GMT+7

Thương như Món Tết quê nhà

"Món Tết quê nhà" có những bài viết "dễ thương đến sửng sốt", được viết bằng thứ tiếng Việt đẹp đẽ và trong lành.

Thương như Món Tết quê nhà - Ảnh 1.

Đồ họa: HẢI HÀ

"Tôi sợ là những ngày tháng tôi được ăn món má nấu chắc cũng chẳng còn nhiều, vì vậy tôi muốn lưu giữ ký ức đó qua một bài viết".

Gợi nhớ về góc ký ức thân thương nhất của mỗi con người, cuộc thi "Món Tết quê nhà" rất thành công khi nhận về hơn 1.000 bài viết với cả ngàn kỷ niệm riêng tư của mỗi gia đình nhưng cũng là kỷ niệm chung của mọi vùng miền Việt Nam.

Tết và mẹ không thể tách rời

"Ngày kho thịt như là ngày mẹ ra sân khấu, đó là một ngày trọng đại" - tác giả đoạt giải nhất Trần Ngọc Ẩn (bút danh Bảy Miệt Vườn, 37 tuổi) viết trong bài Lòng tôi có món thịt kho tàu bà Ba. Trong truyền thống của người Việt Nam, dường như Tết và người mẹ là hai hình ảnh gắn chặt không thể tách rời. Về Tết là về bên mẹ, ăn Tết là ăn những món của mẹ.

Nhà báo Nguyễn Trường Uy, giám khảo cuộc thi, cũng nhớ kỷ niệm về mẹ trong lời mở đầu cuốn sách tổng hợp các bài dự thi mang tên Món Tết quê nhà xuất bản sau khi kết thúc cuộc thi: "Mấy mươi năm nhưng hình ảnh mạ chuẩn bị những món ăn cho ba bữa Tết vẫn đậm hoài trong tâm trí tôi, không phai mờ".

Người mạ nghèo miền Trung ấy, hay bà má miền Tây đi cà nhắc kho thịt của anh Bảy Miệt Vườn, bà mẹ miền Bắc khéo léo làm cà dầm tương của tác giả Đinh Luyện (giải khuyến khích), cũng như tác giả Trần Thủy từ Giessen, Đức (giải khuyến khích) nhớ về nồi cá trắm kho của bà mẹ quê Hà Nam... là những ký ức rất riêng mà cũng rất chung từ những người con. 

Phải chăng bởi trong trái tim của những người con, nhắc đến Tết là nhắc đến mẹ, cảnh mẹ nấu ăn là hình ảnh của Tết sum vầy.

Thương như Món Tết quê nhà - Ảnh 2.

Cảnh quây quần gói bánh ở nhà anh Trần Ngọc Ẩn

Tác giả Bảy Miệt Vườn chia sẻ: "Tôi viết bài này như một dòng hồi tưởng về bà già tôi. Món thịt kho tàu của má tôi là một kỷ niệm đáng nhớ không chỉ với tôi mà còn các con cháu, các cháu cố của má. 

Ai được thưởng thức món đó đều thích hết. Những ngày tháng tôi được ăn món má nấu chắc cũng chẳng còn nhiều, vì vậy tôi muốn lưu giữ ký ức đó qua một bài viết.

Má tôi có đọc bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Bà cũng là người hay chữ, bà chê tôi viết thua mấy đứa cháu (cười), thua cả má viết nữa. Má kêu viết về món đó thì đưa má viết cho đầy đủ. Khung cảnh gia đình quây quần như trong bài viết là ký ức thật của gia đình tôi, mà tôi còn chưa đưa đầy đủ toàn bộ ký ức vào bài. 

Món thịt kho tàu không chỉ do một người làm, mà là đóng góp của cả đại gia đình. Người lớn hái dừa, đứa cháu 5-6 tuổi háo hức lột trứng vịt. Anh rể tôi đọc bài còn "khiếu nại" là sao tôi không nhắc đến anh".

Thương như Món Tết quê nhà - Ảnh 3.

Bát cơm với món thịt kho tàu bà Ba của tác giả đoạt giải nhất - Trần Ngọc Ẩn (Bảy Miệt Vườn)

Về bài đoạt giải nhất của tác giả Bảy Miệt Vườn, giám khảo Lê Thị Thái Hòa nhận xét: "Tôi sửng sốt vì bài viết rất dễ thương, giống như một truyện ngắn đậm đặc chất vùng miền. Bài rất hay và xúc động, vẽ ra bức tranh vùng quê ở Long An với những thành viên gia đình cùng nhau chuẩn bị cho món thịt kho tàu ngày Tết. Bài viết thuyết phục tôi ngay lập tức trong gần 1.000 bài mà cuộc thi nhận được và tôi là người đã đọc hết từng bài".

Giám khảo, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đồng quan điểm: "Bài viết rất điện ảnh với hình ảnh người mẹ, người cháu, chị Hai, chị Tư... hiện lên cụ thể qua những hành động, lời nói rất sống động chứ không hề chung chung. 

Tôi cũng thích đọc về các món ăn được các tác giả gửi đến cuộc thi. Đó đều là những món ăn rất đặc trưng, rất Tết nhưng gắn với kỷ niệm ký ức cá nhân nên cách viết của tác giả đã tạo được sự khác biệt".

Cảm ơn báo Tuổi Trẻ vì đã tổ chức cuộc thi này, khiến tôi nhận ra rằng mọi người vẫn viết tiếng Việt rất hay, mọi người vẫn chăm lo và không bỏ quên những bữa cơm ngày Tết
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Cảm ơn vì tiếng Việt rất đẹp

Năm nay, cuộc thi viết dành cho bạn đọc mỗi khi Tết đến xuân về của Tuổi Trẻ mang tên "Món Tết quê nhà". Bởi vì đầu tiên đó là câu chuyện ẩm thực mùa xuân. Và thứ nữa đó là kỷ niệm về quê nhà - nơi mà có ai không hướng về? 

Ban tổ chức đã đặt tiêu chí kỷ niệm quan trọng ngang với điểm diễn đạt và tính độc đáo của bài viết. Lý do vì món Tết không chỉ là món ăn mà qua đó có thể đọc được sự gắn kết của mỗi người với ẩm thực quê nhà và tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình làng xóm...

Không chỉ những người mẹ, các món ăn ngày Tết còn gắn với những người bà (cũng là mẹ của mẹ chúng ta), những người cha, những người ông và những người thân khác. Chính vì giá trị phổ quát của ngày Tết và của tình thân, cuộc thi không hề có tính phân biệt vùng miền dù các món ăn được bạn đọc kể thì đậm chất vùng miền.

Thương như Món Tết quê nhà - Ảnh 5.

Đại gia đình của chị Lương Bích Vân sum vầy mỗi dịp Tết

Nhà báo Nguyễn Trường Uy chia sẻ: "Khi tôi đọc các bài dự thi vào chung khảo, điều khiến tôi cảm động nhất là hầu hết bài dự thi đều nói về những món ăn rất thân thuộc với chúng ta, không hề xa lạ, đều là những món ăn quê nhà. Đó có thể là món ăn của một địa phương, vùng miền nào đó nhưng đều là món Việt, ai là người Việt đều từng ăn.

Đặc biệt, có nhiều bài về những món ăn miền Bắc và miền Nam, dù là người miền Trung song tôi vẫn rất có cảm tình vì các câu chuyện, kỷ niệm trong các bài viết vẫn rất quen thuộc, gắn bó với tôi không chỉ trong thời thơ ấu mà cả bây giờ nữa. Cuộc thi không chỉ là câu chuyện ẩm thực nữa, mà thứ đọng lại là tình thân, sự đoàn tụ ngày Tết".

Đây cũng là cuộc thi mà cả ba giám khảo đều thống nhất về ba vị trí nhất, nhì, ba dù không hề bàn luận trước khi chấm bài. Điều đó cho thấy kết quả rất thuyết phục. Bài thi nào chân thực và lay động thì giám khảo có thể nhận ra ngay trong lần đọc đầu tiên.

Bài đoạt giải nhì Má lên lịch gói bánh làm cả nhà mừng rơn của tác giả Lương Bích Vân và bài đoạt giải ba là Chừng nào con về nấu lẩu cù lao với ngoại? của tác giả Phùng Hạo cùng 10 bài khác đoạt giải khuyến khích đều có chất văn trong sáng, hồn hậu, gần gũi với cuộc sống.

Thương như Món Tết quê nhà - Ảnh 6.

Phùng Hạo và bà ngoại - người nấu món lẩu cù lao

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh là giảng viên đại học, anh nói từ lâu lo lắng mỗi khi chấm bài vì nhận ra văn phong của nhiều bạn trẻ bây giờ có rất nhiều vấn đề. Nhưng khi đọc các bài viết gửi đến cuộc thi này, anh Minh rất vui mừng khi thấy nhiều bạn dự thi  viết những câu văn rất đẹp, sinh động, giúp người đọc hình dung kỹ từng món ăn, từ những món mình có thể nấu đến thuộc lòng đến những món chưa bao giờ ăn.

"Đọc văn của họ, tôi cảm thấy như mình đang có mặt trong căn bếp, chứng kiến những gia đình nấu món ăn dành cho nhau bằng tất cả công phu và tỉ mỉ. Hơn tất cả là tình cảm của người viết dành cho người đang hoặc đã từng nấu ăn món đó vào khoảnh khắc, thời điểm đó (thường là Tết). Khi chúng ta nấu ăn cho ai đó thì đó không phải một hành động bình thường mà là hành động bằng tất cả tâm sức, tình cảm, đặc biệt là trong ngày Tết - ngày của sự sum vầy" - anh Minh nhận xét.

Anh Minh cũng so sánh các tác phẩm trong cuộc thi với việc làm phim. Kỷ niệm của mỗi người là rất riêng tư nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chia sẻ và liên hệ với nhau, điều này giúp cảm xúc được nhân rộng, lưu luyến, níu giữ, bâng khuâng...

Thương như Món Tết quê nhà - Ảnh 7.

Giám khảo "ăn xong cái Tết"

Nhà báo Lê Thị Thái Hòa đùa rằng sau khi đọc xong 1.000 bài dự thi thì chị "đã ăn xong cái Tết này rồi", thậm chí được "ăn" đủ bao nhiêu là món ăn khắp các vùng miền Việt Nam, của thời xưa và cả của thời nay.

Chị nói: "Tuổi Trẻ Xuân đã chọn cho cuộc thi một chủ đề gần gũi với bạn đọc nhất. Người ta nói ba thứ gợi ký ức nhất là vị giác, thính giác và khứu giác. Mùi hương, vị quen thuộc hoặc một thứ âm thanh, âm nhạc đều sẽ gợi lên ký ức.

Món ăn ngày Tết là món ăn của ký ức, của gia đình, của sum họp. Cuộc thi này chạm vào những phần ký ức có sẵn của con người. Hằng ngày chúng tôi nhận được hàng chục bài dự thi. Bạn đọc tràn trề cảm xúc. 

Họ không mô tả công thức chế biến dễ dàng tìm thấy trên Google mà họ mô tả những món ăn do mẹ tôi, má tôi, ba tôi, cha tôi, ông bà tôi... nấu từ một thời thơ ấu, thời niên thiếu của mình. Tất cả những món ăn gắn với một thời đất nước rất khó khăn, nên chúng đến từ sự chắt bóp của bà của mẹ, từ công sức lao động vất vả của ông của cha. 

Khung cảnh gia đình rậm rịch chuẩn bị Tết, không khí Tết tràn ngập trong câu chữ của bạn đọc".

Lương Bích Vân (40 tuổi), tác giả đoạt giải nhì

"Gia đình tôi sống ở thành phố Thủ Đức. Ba mẹ tôi đã hơn 80 tuổi, sống cùng vợ chồng tôi và các cháu. Ngay liền kề là gia đình của anh Hai, chị Ba tôi.

Con cháu trong nhà rất đông, lên đến hàng chục người. Quanh năm ai cũng bận rộn nên vào dịp Tết cả đại gia đình sum vầy và cùng nấu các món ăn Tết rất vui.

Khi sống quây quần, chúng tôi có thể giúp đỡ lẫn nhau và chăm sóc ba mẹ khi về già. Ba mẹ truyền cho con cháu những bài học về cuộc sống và tình yêu thương.

Ba mẹ cũng động viên tôi vượt qua những trắc trở. Thấy ba mẹ còn mạnh khỏe, tôi rất vui.

Dù bận rộn mưu sinh, vào dịp Tết, các gia đình đều trang trí Tết để có những ngày nghỉ ngơi, thư giãn đón xuân và tổng kết những việc đã qua. Cha mẹ, con cái, ông bà sum vầy để chụp những bức ảnh kỷ niệm qua từng năm, cùng nhau gói bánh và trông nồi bánh chưng ngày Tết".

Phùng Hạo (25 tuổi), tác giả đoạt giải ba

"Món lẩu cù lao rất phổ biến ở Sóc Trăng quê tôi. Hồi nhỏ tôi vẫn thường cùng bà nấu lẩu.

Những năm gần đây tôi nhận thấy giới hạn thời gian của những người thân xung quanh mình.

Kỷ niệm có nhiều cách lưu giữ, và lưu giữ trong cuộc thi, trên trang báo Tuổi Trẻ cũng là cách rất đặc biệt. Tôi nhớ mình từng trả lời lạnh lùng khi ngoại gọi về nấu lẩu cù lao.

Đó là một kỷ niệm từ mấy năm trước. Kể từ đó tôi đều cố gắng sắp xếp về quê sớm hơn, thường là vào 20 Tết, để có thời gian bên gia đình".

Ban giám khảo cuộc thi "Món Tết quê nhà" gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nhà báo Lê Thị Thái Hòa - biên tập viên báo Tuổi Trẻ, và đạo diễn điện ảnh Trịnh Đình Lê Minh. Cuộc thi đã nhận hơn 1.000 bài dự thi. Có ba bài viết lần lượt đoạt giải nhất, nhì, ba và 10 bài viết đoạt giải khuyến khích.

Lễ trao giải "Món Tết quê nhà", ra mắt giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân, ra mắt sách Món Tết quê nhà diễn ra vào sáng cuối cùng của năm 2022 (ngày 31-12) tại Đường sách TP.HCM.

Giải nhất:

Lòng tôi có món thịt kho tàu bà Ba - tác giả Bảy Miệt Vườn (tên thật Trần Ngọc Ẩn)

Giải nhì:

Má lên lịch gói bánh làm cả nhà mừng rơn - tác giả Lương Bích Vân

Giải ba:

Chừng nào con về nấu lẩu cù lao với ngoại? - tác giả Phùng Hạo

10 giải khuyến khích

Cá rô kho gừng quá chừng nhớ thương - tác giả Ny An

Nhớ những bữa mì Quảng cuối năm - tác giả Tiên Sa

Tôi nhớ chái bếp quê chiều cuối năm rừng rực lửa, nhớ nồi chả đùm tỏa mùi thơm - tác giả Hoàng Anh Linh

Bánh ít thơm mùi ký ức - tác giả Nghĩa Hành

Nhìn ba cặm cụi gói nem mà nghe trong gió xuân cái gì đó rất bình yên, vững chãi - tác giả Vương Thị Bé

Hành kho một thuở Tết nghèo - tác giả Mai Nguyên

Má lột từng củ hành nhỏ, ký ức ấm áp và hạnh phúc nhất của tôi - tác giả Lý An Nhiên

Nồi thịt kho măng khổng lồ - tác giả Nguyễn Ngọc Phụng

Nhớ thương vị cà dầm tương ngày Tết - tác giả Đinh Luyện

Tết nhớ niêu cá trắm đen ủ trấu nếp - tác giả Trần Thủy (từ Giessen, CHLB Đức)

Trao giải "Món Tết quê nhà": Đậm đà câu chuyện tình thânTrao giải 'Món Tết quê nhà': Đậm đà câu chuyện tình thân

Sáng 31-12, sự kiện trao giải Món Tết quê nhà và ra mắt giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Quý Mão 2023 diễn ra tại Đường sách TP.HCM. Ban tổ chức, các tác giả và nhiều nghệ sĩ cùng nhau chia sẻ chuyện tình thân khi Tết đến, Xuân về.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên