19/02/2010 17:09 GMT+7

Thương nhớ tết xưa

 NGUYỄN NGỌC ANH
 NGUYỄN NGỌC ANH

TTO - Thuở ấy, dù nhà rất nghèo nhưng năm nào mẹ cũng ráng lo cho anh em tôi một cái tết tươm tất.

vo9g7UdP.jpgPhóng to

Bên bếp lửa hồng - Ảnh tham dự cuộc thi ảnh Xuân hân hoan của tác giả NGUYỄN THANH HẢI

Khỏi phải nói bọn trẻ chúng tôi mong tết đến như thế nào. Bữa ăn ngày tết có thịt, có cá. Tết không phải mặc quần áo rách. Tết còn có tiền mừng tuổi từ những người thân dù đó chỉ là mấy đồng năm xu, một hào nhỏ bé. Tết được nghỉ ngơi, chơi nhiều hơn bình thường. Nhưng điều quan trọng nhất mà sau này tôi mới ngộ ra được là tết luôn mang đến một không gian non tươi, một cảm giác rạo rực rất khó tả và hiếm gặp.

Những ngày giáp tết, khi cha đi công tác chưa về, mẹ vẫn lặn lội cấy lúa ngoài ruộng, bọn trẻ chúng tôi thường được giao nhiệm vụ lau dọn khắp trong nhà ngoài ngõ, quét vôi trang điểm cho những gốc cây, mang sổ đi mua hàng tết ở cửa hàng hợp tác xã mua bán (thường chỉ là lít nước mắm, hộp kẹo lạc, phong bánh khảo).

Cả việc rửa, lau từng chiếc lá dong xanh thẫm chuẩn bị cho ông nội gói bánh chưng hay mang rổ ra đồng lặt những ngọn rau khúc xanh non, lấp lánh ánh bạc mang về cho mẹ làm bánh khúc... đều được mấy anh em tôi thực hiện một cách say mê, tự giác, cẩn thận, gọn gàng, khác hẳn thái độ trẻ con tị nạnh, đùn đẩy thường ngày.

30 tết luôn là một ngày đặc biệt. Bao giờ cũng thế, từ sáng sớm chúng tôi được mẹ cho đi chợ phiên cuối năm. Tiền dành dụm dù chỉ đủ mua bánh pháo tép hay bộ tam cúc nhưng sự tươi mới, đa màu sắc của những gian hàng cùng sự nhộn nhịp, ồn ã khác thường của phiên chợ luôn cuốn hút chúng tôi. Về nhà, chúng tôi giành nhau mài mực tàu ra nghiên để sau đó lại lặng im xem ông nội khoan thai viết đôi câu đối đón xuân trên giấy đỏ.

Vớt bánh chưng cũng luôn là thời điểm được chờ đợi, bởi vì khi đó chúng tôi được nhận những tấm bánh nhỏ xíu được ông nội đánh dấu cẩn thận cho từng đứa một. Buổi chiều, mẹ luôn nấu một nồi nước mùi già rõ to rồi gọi từng đứa ra sân giếng tắm gội. Sau bữa cơm tất niên, cả nhà quây quần đón giao thừa, không khi nào mẹ quên dặn chúng tôi chú ý cẩn trọng lời ăn, tiếng nói, việc làm trong những ngày đầu năm mới.

Sáng mồng một tết, chúng tôi được mẹ đánh thức muộn hơn thường lệ một chút, rửa mặt bằng nước ấm người chuẩn bị sẵn, thay quần áo mới, thắp hương lạy tổ tiên rồi đồng loạt ngồi vào bàn khai bút đầu xuân. Những mảnh giấy hồng điều nho nhỏ mang theo bài thơ, lời chúc năm mới của chúng tôi sau đó được mẹ cẩn thận treo lên cành đào, cứ nhè nhẹ bay trước ánh mắt đầy tự hào thơ trẻ.

Ba ngày tiếp theo, chúng tôi lúc theo ông, theo cha đi chúc tết họ hàng, khi tụ tập đánh bài tam cúc. Rồi cả đám trẻ con trong làng rủ nhau đi bộ hàng năm, sáu cây số xem các sới vật dân tộc khai xuân đến lúc đói bụng mới mò về. Mẹ tôi ở nhà vừa lo tiếp khách, vừa lo đủ ngày ba bữa cơm nóng cho lũ chúng tôi....

Tết bây giờ vật chất đầy đủ hơn trước rất nhiều. Hơn hai mươi năm xa quê, nhất là từ khi có gia đình, tôi luôn ý thức xây, giữ cái nếp đón tết mà mẹ tạo dựng khi xưa. Thế mà, cái thì làm được, cái lại không thể, một vài cái dù chẳng muốn đôi khi vẫn phải thực hiện... Gọi điện về nhà, mẹ bảo: "Chỉ có bố mẹ ở nhà, sắm tết cái gì cũng ít đi. Chẳng ăn nổi đâu nhưng nhất định vẫn phải gói vài cái bánh chưng để cúng ông bà".

Bỗng thấy thương mẹ quá chừng và thèm đến nôn nao cái không khí đón xuân trong vòng tay của mẹ những ngày còn bé dại...

 NGUYỄN NGỌC ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên