07/11/2019 11:37 GMT+7

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 1: Những mùa cá linh khẳm xuồng

TIẾN TRÌNH - BỬU ĐẤU
TIẾN TRÌNH - BỬU ĐẤU

TTO - "Nước không chưn sao kêu nước đứng/Cá không thờ sao gọi cá linh". Loại cá từng một thời đầy khẳm ghe xuồng ngư dân châu thổ phương Nam nay cạn kiệt dần và có thể trở thành… ký ức đẹp của ngày xưa xa vắng. Có cách nào để hồi phục?


Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 1: Những mùa cá linh khẳm xuồng - Ảnh 1.

Nghe điện thoại có khách đến nhà, lão ngư Út Nghề vừa sốt sắng vừa dè dặt. Ông sốt sắng như thói quen hào sảng của ngư dân miệt châu thổ phương Nam, và dè dặt vì biết đâu lại chẳng giúp được gì cho khách phương xa tới...

Những câu chuyện về mỏ cá cứ kéo dài trong ký ức các lão ngư. Có khi nó là nỗi nhớ, niềm tiếc nuối hay đơn giản chỉ là giai thoại được gìn giữ để thế hệ trước kể lại cho con cháu về một thời cá linh nghẹt con nước tràng giang.

Xóm làng bên túi cá

Ngoài ruộng đang lửng nước, ông Tám Sang (Đỗ Văn Sang - ấp Phú Thạnh, Phú Hữu, An Phú, An Giang) nghe tiếng hú của ông Út Nghề đã vội bơi vào. Ông giải thích rằng ông đặt dớn trên ruộng nước để vớt vát mấy ngày cá cạn kiệt. 

"Mỗi năm tôi chỉ hi vọng cá còn một phần của năm trước. Năm nay gay go à chú", ông Tám Sang tâm sự. Người đàn ông chân chất có một khoảnh nước phía sau nhà để bơi ra bơi vào cũng đắn đo thời sự: "Trên thượng nguồn họ đắp đập, ngăn sông, mấy con cá nào xuống nổi dưới này".

Như nhịp sống bao đời của người dân miền Tây, khi con nước rục rịch lên đồng, ngư dân ở đây lại trang bị câu, lưới cho một mùa cá mú gửi gắm nhiều hi vọng. Bởi ven các nhánh sông lưu vực Mekong, bao nhiêu xóm làng xưa được mọc lên từ niềm hi vọng sinh kế gửi vào những mùa cá. Bao nhiêu phận người thành - bại cũng từ những mùa cá.

Mùa nước về, sông mẹ Mekong mang theo nhiều sản vật cá tôm, nhưng thứ người ta trông chờ hơn cả là cá linh. Ông Út Nghề nói thứ cá "đồ bỏ" đó không phải vì nó không ngon mà vì nó từng... quá nhiều. Cá linh bận xưa nhiều đến bán không xuể, ăn không xong, thậm chí nhiều đến phiền hà, chẳng biết để làm gì nên phải "đổ bỏ".

Những người đóng đáy, kéo lưới ở miền Tây mùa nước nổi cách đây tầm trên ba chục năm trở về trước đều từng trải cảnh cá linh "bứa" đục. Nghĩa là chúng vào đầy nghẹt lưới, phải xả bỏ nếu không sẽ quậy hư cả lưới. Một thời cá linh biểu hiện cho sự giàu có của sông nước châu thổ.

Dòng Mekong chia làm hai nhánh chính chảy về Việt Nam, rồi tiếp tục tách ra thành nhiều nhánh lớn nhỏ. Đâu đó ở đầu các nhánh sông này có các vùng nước rộng, là những doi, những vàm, những ngã ba, ngã tư, ngã sáu, ngã bảy sông... Đó là nơi hợp lưu của những dòng nước cuộn xiết và trở thành môi trường ưa thích của nhiều loài thủy tộc, những túi cá tự nhiên, mà nhiều nhất vẫn luôn là con cá linh.

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 1: Những mùa cá linh khẳm xuồng - Ảnh 3.

Ngư dân miền Tây vẫn bám đồng mùa nước nổi, nhưng con cá linh bây giờ không bằng 1/100 ngày xưa - Ảnh TIẾN TRÌNH

Các rốn cá này thu hút xuồng ghe ngư dân khắp nơi. Họ dựng nhà cửa, xóm làng, dựng vợ gả chồng từ cái duyên bắt đầu từ những mùa cá linh. Dọc theo các nhánh lưu vực sông Mekong, nơi nào có các túi cá thì nơi đó dân cư sung túc.

"Bận đó giờ mấy chú có nghe tiếng xóm Cỏ Lau không? Trời ơi, cá dữ thần thiên địa luôn", ông Út Nghề dắt chúng tôi về ký ức cá linh bằng chính lịch sử nơi ông sinh sống. Bởi duyên cớ ông có mặt nơi này cũng từ tháng ngày chạy theo hấp lực của bầy cá linh.

Một trong hai nhánh của Mekong chảy vào Việt Nam là sông Hậu. Nó tuôn đổ qua biên giới Campuchia - Việt Nam với đầy cá tôm, phù sa. Dọc theo toàn cõi Mekong, nghề câu lưới thì người Việt là bậc thầy. Các ngư dân định vị được mỏ cá, sáng tạo ra nhiều cách đánh bắt, chế biến cá thành những đặc sản hấp dẫn. Người ta cũng nghĩ ra hàng chục cách đánh bắt cá linh, từ đơn giản như chài, kéo, đăng, đến đóng đáy, lưới giật... để rồi phải đầu hàng vì không thể nào bắt cho hết được cá linh một thời.

Những ngư dân cố cựu ven Mekong kể rằng việc đánh bắt cá linh thường trúng đậm ở những túi cá tự nhiên. Như tại vàm Cỏ Lau (xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang), nơi sông Hậu chia nhánh về Đông đã tạo nên vùng nước chảy xiết hình hồ lô là nơi tôm cá kéo về. Mỏ cá vàm Cỏ Lau nổi tiếng đến mức ngư dân khắp nơi tụ đến.

Ông Út Nghề, ông Tám Sang cũng có mặt trong đoàn người đó. "Mỗi ngày có hàng trăm chiếc xuồng lưới xúm lại đánh bắt cá linh ở rạch Cỏ Lau. Nhiều người không về xứ mà ở lại để đánh bắt. Họ dựng chòi, cất nhà. Xóm Cỏ Lau hình thành dần", ông Út Nghề kể thêm dưới sông thì câu lưới cá nhiều vô số, trên bờ đất đai màu mỡ mặc sức gieo trồng. Xóm mới mọc lên với những con người dung dị. Họ làm chủ túi cá xóm Cỏ Lau.

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 1: Những mùa cá linh khẳm xuồng - Ảnh 4.

Ngư dân giăng dớn đêm để bắt cá linh non trên đồng nước nổi vùng biên giáp Campuchia - Ảnh TIẾN TRÌNH

Phát tích của "Linh ngư"

Bình yên được ít ngày thì biên giới xảy ra chiến sự. Dân trong vùng tản cư đi nơi khác. Khi họ quay về Cỏ Lau, mùa màng chưa kịp thì sống nhờ vào con cá. "Người ta nói con cá linh là cá cứu đói cũng không sai. Về đây chân ướt chân ráo, gặp ngay mùa cá linh mà dân không bị thiếu ăn". 

Ông Út nghề nhớ lại mỗi ngày có nhiều ghe bự từ nơi khác tới. Họ mua cá về làm mắm, làm nước mắm. "Nhờ trời thương nên lúc trên bờ khó khăn thì dưới sông cá linh đầy nghẹt. Ai đâu mà bắt cho xiết. Nhờ nó mà dân xứ này qua được bận khó".

Nhiều thế kỷ trôi qua, không ai buồn trả lời cho những thắc mắc về cá linh. Người miền Tây tánh tình phóng khoáng, dễ chấp nhận những điều tưởng chừng như phi lý.

Như con cá linh, chúng giống đội quân du kích khổng lồ, đùng một cái xuất hiện dày đặc. Qua mùa nước nổi thì kiếm đỏ mắt cũng không ra. Những người làm "nghề bà cậu" tâm linh thì cho rằng cá linh xuất hiện trong mùa giáp hạt. Có người lại nói cá linh gắn chặt với diễn biến của con nước, tuy chúng nhiều đến hằng hà sa số nhưng dễ tuyệt tích mấy hồi. Đó là thời sự của Mekong đang dần cạn kiệt!

"Càng về bận xưa thì cá càng nhiều chú à. Túng ăn, chỉ cần lấy cây rà dưới nước là cá nhảy lên xuồng", ông Bảy Ân - một ngư dân ở Vàm Nao, nói xứ ông là xứ cá, cũng là nơi có một kho giai thoại về cá. Như tên gọi cá linh, người dân ven Vàm Nao tin rằng là do vua Gia Long đặt tên trong lần loài cá này nhảy vào thuyền lúc ông bôn tẩu lánh quân Tây Sơn.

Nghĩ là điềm chẳng lành, vua Gia Long hủy chuyến đi. Sau mới biết, nếu ông đi chuyến đó thì đã rơi vào mai phục. Từ đó, ông đã đặt tên cho loài cá là "Linh ngư". Cái tên "Linh ngư" cũng được đề cập trong quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức như loài cá dùng làm mắm, nước mắm rất ngon.

Đến giờ, nhiều người cũng bán tín bán nghi về nguồn gốc cá linh. Người thì cho rằng chúng có xuất xứ từ Biển Hồ Campuchia. Người thì tin chúng từ thác Khone của vùng Champasak (Lào) theo con nước về xuôi. Bởi chúng sống theo con nước chảy, từ những bọt trứng trôi về hạ nguồn. Nên không sai khi gọi cá linh là loài cá "vừa bơi vừa lớn".

Mùa cá linh đông vui như hội. Người ta cúng kiếng để bắt đầu một mùa lưới cá, và nhiều ghe xuồng không thể chở hết con cá xuôi theo dòng nước này...

Kỳ tới: “Hội” cá linh

Lũ về trễ lại rút nhanh, giá cá linh còn khoảng 50.000 đồng/kg Lũ về trễ lại rút nhanh, giá cá linh còn khoảng 50.000 đồng/kg

TTO - Nhiều ngày qua nước lũ vùng đầu nguồn biên giới An Giang đang bắt đầu rút khiến giá cá linh ở vùng đầu nguồn này cũng giảm mạnh khi thương lái chỉ mua ở mức 50.000 đồng/kg.


TIẾN TRÌNH - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên