18/07/2019 10:46 GMT+7

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 7: Dự án của lão họa sĩ 73 tuổi

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - sáng 17-6-2019, tại Phòng Lao động - thương binh và xã hội của thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), lão họa sĩ 73 tuổi Đặng Ái Việt (TP.HCM) được trưởng phòng trao danh sách năm mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống.

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 7: Dự án của lão họa sĩ 73 tuổi - Ảnh 1.

Chân dung mẹ VNAH Lê Thị Cải đang thành hình qua nét vẽ của bà Việt - Ảnh: MY LĂNG

Mọi người trầm trồ thán phục khi lão họa sĩ chìa tấm bản đồ Việt Nam và nói về hành trình đi vẽ mẹ VNAH mới đây nhất từ tháng 5-2019. Ông Đào Quang Tuấn, trưởng phòng, nói: "Tôi ngưỡng mộ lắm, khâm phục lắm. Không thể tin được 73 tuổi mà bà ấy dám chạy xe máy khắp Việt Nam để vẽ mẹ VNAH".

Tôi rất tiếc, vì nếu đi sớm hơn thì tôi đã vẽ được nhiều mẹ Việt Nam anh hùng hơn.

Lão họa sĩ Đặng Ái Việt

Chạy xe máy xuyên Việt năm 73 tuổi

Sáng nay, họa sĩ Đặng Ái Việt sẽ vẽ mẹ VNAH Lê Thị Cải, hiện sống ở thôn Bắc Hoàng, thị trấn Sơn Dương. Chiều bà sẽ chạy xe máy đến xã Hợp Thành vẽ mẹ Tình Thị Lộc, 84 tuổi. 

Mẹ Lê Thị Cải, 88 tuổi, là mẹ VNAH 2.040 trong dự án "Nét thời gian" mà lão họa sĩ Đặng Ái Việt đã thực hiện chín năm nay. Mẹ có chồng hi sinh trong kháng chiến chống Pháp và con trai hi sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. 

"Bác toàn đi xe máy à? Khỏe thế" - mẹ Cải trầm trồ nhìn chiếc xe máy của bà Việt, vừa ngạc nhiên vừa thán phục.

Mẹ VNAH tóc đã bạc trắng. Tóc lão họa sĩ cũng bạc trắng. Ký họa xong, đang tô màu dở thì con mẹ Cải mời vào dùng cơm. Lùa vội cho hết chén cơm, bà Việt lại ra ôm bức tranh chân dung mẹ Cải tiếp tục hoàn thành nốt những gam màu cuối cùng. 

"Tôi phải chạy đua với thời gian để thực hiện công trình tâm huyết này, không kịp nghỉ ngơi. Vì trễ là các mẹ sẽ ra đi, không gặp được. Tôi cũng lo mình không còn khỏe lâu để đi nữa" - họa sĩ 73 tuổi nói.

Trong chuyến xuyên Việt này, bà Việt đã đi quãng đường dài 2.579km. Chiếc xe cánh phượng rong ruổi cùng bà trong hành trình này đã ba lần thay nhớt, một lần thay ruột xe, một lần thay bóng đèn, một lần thay cục sạc. Kim đồng hồ kilômet trên xe lúc 9h ngày 17-6-2019 tại trụ sở Ủy ban nhân dân thị trấn Sơn Dương là 51.804km! 

Hồi mới bắt đầu, bà chạy chiếc xe Chaly nhưng sau này bảo tàng xin lại. Bà mua chiếc xe cánh phượng này độ lại rồi tiếp tục đi vẽ các mẹ.

Họa sĩ Đặng Ái Việt kể: "Tôi từng là quân của cô Ba Định (nữ tướng Nguyễn Thị Định) đó. Tôi đi cách mạng từ năm 15 tuổi, từng là một người lính bước ra từ chiến tranh. Hòa bình rồi tôi cứ ước sau này sẽ vẽ được một tác phẩm nổi tiếng về đề tài chiến tranh nhưng chưa định hình rõ sẽ vẽ cái gì. 

Khi có pháp lệnh 94 năm 1994 về việc tặng và truy tặng danh hiệu mẹ VNAH thì tôi vui lắm, nó mang đến đề tài cho tôi: vẽ chân dung mẹ VNAH. Tôi nói với chồng sẽ chạy xe máy đi vẽ hết tất cả mẹ VNAH trên đất nước như một cách để tri ơn".

Khi còn sống, NSND Phạm Khắc không đồng ý để vợ thực hiện ý tưởng này. Ông sợ bà gặp nguy hiểm và vất vả. 

Bà Việt nói: "Ổng nói tôi bị bệnh hoang tưởng. Ổng khẳng định tôi không thể làm được. Ổng bảo làm sao một phụ nữ có thể chạy xe máy đến các tỉnh thành vẽ mẹ VNAH được! Nhưng đó là tâm nguyện, là ước mơ của cuộc đời tôi. Tôi quyết tâm phải thực hiện dù có lớn tuổi đến đâu".

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 7: Dự án của lão họa sĩ 73 tuổi - Ảnh 3.

Họa sĩ Đặng Ái Việt trên đường xuyên Việt để vẽ các mẹ VNAH - Ảnh: MY LĂNG

9 năm thực hiện dự án một đời

Ước nguyện này đã được bà Việt biến thành hiện thực suốt chín năm nay. Để thực hiện được câu chuyện của chín năm vừa qua là cả hành trình gần 10 năm chuẩn bị trước đó. Bà từng là trưởng phòng đào tạo của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM từ năm 1985-1990. "Chuẩn bị thứ nhất của tôi là về thời gian, phải thật khoa học. Cho nên đợt đầu tiên tôi đi đúng sáu tháng, không dư thiếu một ngày".

Bà Việt mua sách về động lực học để tìm hiểu cơ chế hoạt động của xe máy. Trong hành trang bà đi xuyên Việt có bơm xe, khóa, tuavít... Biết sẽ đi đường dài nhiều năm nên bà muốn mình phải biết thao tác một số thứ căn bản nhất như thay bugi. 

Sáng, bà dậy từ 4h tập thiền. Thậm chí suốt một năm ròng trước khi đi, bà còn tập... nhịn ăn để phòng trường hợp chẳng may bị lạc trong rừng. Cứ 10 ngày nhịn ăn một ngày. 

"Tôi còn chuẩn bị hẳn một đề cương về công việc mình làm, đặt tên là chiến dịch Nét thời gian" - lão họa sĩ cho hay.

Chín năm trước, họa sĩ Đặng Ái Việt 64 tuổi. Nhưng bà không chịu ở nhà trông cháu, ngồi xem tivi. 64 tuổi không phải là kết thúc mà là bắt đầu một hành trình mới để đóng góp điều gì đó mới cho cuộc đời. 

"Hồi mới đi, con trai lớn tôi lo tới nỗi đi xe hơi hộ tống tôi từ TP.HCM ra tận Phan Thiết, thấy tôi chạy đường dài không có vấn đề gì nó mới yên tâm quay lại để mẹ đi một mình" - bà kể.

Trong hành trang xuyên Việt vẽ mẹ VNAH của nữ họa sĩ, ngoài ba bộ quần áo còn có... gạo, nồi cơm điện, nước, xì dầu, phô mai... 

"Nhiều chỗ xa xôi không có quán cơm nên tôi phải mang nồi, mang gạo đi tự nấu. Thức ăn thì mua dọc đường" - bà Việt cho hay. 

Mỗi ngày bà chạy xe khoảng 250km, hơi ráng thì được 300km. Bà đặt ra nguyên tắc: đêm không chạy, phải biết bảo đảm an toàn và sức khỏe, không liều mạng, cao lắm là 19h phải tìm nhà nghỉ.

Chiến dịch đầu tiên kết thúc ở Hà Nội ngày 19-8-2010 bằng một triển lãm chân dung mẹ VNAH gây ấn tượng. Khi quay ngược vào miền Nam, lúc về đến Đồng Nai, họa sĩ Việt đã vẽ được gần 500 mẹ VNAH. Sáu tháng tiếp theo bà đi miền Đông Nam Bộ, sáu tháng sau đi miền Tây. Từ đó đến nay, một năm 12 tháng bà chia thành hai chiến dịch, đi theo thời tiết vùng miền. Bà đã nhiều lần chạy lên tận các tỉnh biên giới Bắc Việt Nam. 

Năm 2013, bà còn làm thêm dự án vẽ chân dung các anh hùng lực lượng vũ trang còn sống. Hiện tại bà đã vẽ xong 200 anh hùng của Quân khu 7 và Quân khu 9.

Thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều - Kỳ 7: Dự án của lão họa sĩ 73 tuổi - Ảnh 4.

Họa sĩ Đặng Ái Việt ký họa chân dung mẹ VNAH Lê Thị Cải - Ảnh: MY LĂNG

Tuổi tác chỉ là con số

"Thời gian bây giờ mới chính là thời gian của tôi - họa sĩ Đặng Ái Việt nói - Tuổi tác chỉ là con số. Tôi theo đuổi đam mê, ước mong bằng tinh thần của một người trẻ, không có gì cản nổi. Thực ra đời người chỉ cần làm được một việc mình tâm huyết, không cần nhiều.

Tôi là họa sĩ, từng dạy vẽ mỹ thuật nhưng không có tác phẩm nào để đời. Tôi không ngờ mình bắt đầu trễ mà lại có được tiếng vang như vậy. Giờ tôi đi đến đâu cũng có người nhận ra, mời cơm, xin chụp hình, hỗ trợ rất nhiệt tình".

Cả nước, số mẹ VNAH còn sống trên dưới 5.000 mẹ nhưng bà mới vẽ được hơn 2.000 chân dung.

Kỳ tới: Những giấc mơ dang dở

Họa sĩ Đặng Ái Việt: Họa sĩ Đặng Ái Việt: 'Với tôi, mỗi người mẹ là một nỗi đau'

TTO - Hành trình vẽ các Mẹ Việt Nam anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt đã được thai nghén từ khi bà còn làm giảng viên trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên