09/09/2017 08:29 GMT+7

Thừa cân, béo phì tuổi học đường với sức khỏe lúc trưởng thành

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Một gia đình ở thành phố thường chỉ có 1-2 con nên tập trung mọi ưu tiên chăm sóc nuôi dưỡng cho con em mình, nhưng do chưa có đầy đủ các kiến thức về dinh dưỡng nên đã góp phần làm tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em tăng nhanh.

Thừa cân, béo phì tuổi học đường với sức khỏe lúc trưởng thành - Ảnh 1.

Ngoài yếu tố về di truyền thì nguyên nhân chính gây nên thừa cân, béo phì là do ăn uống vượt quá mức nhu cầu cần thiết và tiêu hao năng lượng thấp do ít hoạt động thể lực.

Gia đình nuôi dưỡng các trẻ từ bé bằng các món ăn ngon, bổ dưỡng như cho ăn nhiều các món ăn xào, rán có chứa nhiều năng lượng nhưng lại cho trẻ ăn ít rau xanh, quả chín. Trẻ nhỏ thường thích ăn đồ ngọt như bánh kẹo, kem, socola, nước ngọt có ga…, đó cũng là những thực phẩm chứa nhiều năng lượng. 

Nhiều bà mẹ chiều con, các trẻ đòi gì là được nấy nên các cháu thường được ăn thỏa thích những thức ăn trẻ thích, không có điều độ. Dần dần hình thành ở trẻ thói quen, tập quán ăn uống không đúng như thích ăn béo, ngọt, ăn nhiều thịt nhưng lại không thích ăn rau, ăn hoa quả...

Đồng thời hiện nay hoạt động thể lực của học sinh giảm đi do trẻ em ít có nơi vui chơi giải trí vì sân trường thường nhỏ hẹp không có chỗ cho trẻ chạy nhảy chơi đùa. Ngoài giờ học tại trường trẻ vẫn phải tự học nhiều ở nhà, học thêm, còn cha mẹ thì bận rộn nên ít có thời gian đưa trẻ đi chơi công viên, đi dạo ngoài trời.

Hàng ngày trẻ thường được cha mẹ đưa đến trường bằng xe đạp, xe máy, ô tô, hiện rất ít trẻ tự đi bộ đến trường. Khi về nhà trẻ sử dụng thời gian giải trí ít ỏi của mình để ngồi xem tivi, chơi trò chơi điện tử…

Nhiều ông bố bà mẹ lại thích con mình thật to béo nên cho con ăn thật nhiều mà không hiểu là sẽ có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ. Trẻ thừa cân, béo phì thường ít năng động, chậm chạp hơn so với các bạn cùng lứa tuổi và gây cho trẻ tâm lý tự ti vì thường bị các bạn trêu chọc là béo quá.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thừa cân, béo phì lúc còn nhỏ sẽ dễ bị béo phì khi trưởng thành. Người béo phì thường chậm chạp, làm việc năng suất không cao, hay mệt mỏi và dễ mắc nhiều bệnh hiểm nghèo. Các bệnh mà người béo phì hay mắc là tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường...

Để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tốt, chúng ta cần hiểu rằng trẻ em phát triển tốt về thể lực là trẻ có cân nặng và chiều cao cân đối và tương xứng với lứa tuổi. 

Muốn có một thế hệ tương lai khỏe mạnh về thể chất và phát triển tốt về trí tuệ chúng ta cần phải nuôi dưỡng trẻ bằng các bữa ăn hợp lý, cân đối, đầy đủ chất dinh dưỡng với nhiều loại thực phẩm. 

Đồng thời chúng ta cần hướng dẫn, khuyến khích trẻ thường xuyên rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao, vui chơi ngoài trời và tham gia lao động giúp đỡ gia đình.

Nguồn: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên