12/06/2020 17:56 GMT+7

Thủ tướng Trung Quốc gây tranh cãi vì kêu dân thất nghiệp bán hàng rong

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Lời kêu gọi của ông Lý Khắc Cường được ví như chiếc phao cứu sinh của những người bị mất việc trong đại dịch. Nhưng ở mặt khác, nó làm dấy lên câu hỏi liệu nền kinh tế số 2 thế giới có thực sự mạnh như người ta vẫn nghĩ?

Thủ tướng Trung Quốc gây tranh cãi vì kêu dân thất nghiệp bán hàng rong - Ảnh 1.

Thủ tướng Lý Khắc Cường (giữa) thăm hỏi một người bán hàng rong khi đến tỉnh Sơn Đông - Ảnh: XINHUA

Đại dịch COVID-19 quét qua đã để lại hàng triệu người thất nghiệp ở Trung Quốc, trong số đó có Xie Yiyi - người vừa tốt nghiệp Đại học California, một trong những trường danh giá của Mỹ.

Ngày 5-6, đúng vào ngày Xie bị mất việc, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi người thất nghiệp hãy xuống đường bán hàng rong để vượt qua khó khăn. Ông Lý nhấn mạnh cũng như những ngành tốn nhiều chất xám khác, bán hàng rong là một phần quan trọng có thể giúp đất nước "tốt đẹp hơn".

Thủ tướng Trung Quốc ca ngợi Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên vì đã tạo ra 100.000 việc làm nhờ 36.000 quầy bán hàng rong trên đường. "Quốc gia được tạo thành từ nhân dân. Dân có ổn thì đất nước mới ổn", ông Lý nói khi đến thăm những người bán hàng rong ở tỉnh Sơn Đông sau đó.

Khi một quan chức cấp cao như ông Lý khuyến khích bán hàng rong, báo South China Morning Post (SCMP) nhận định chính quyền Bắc Kinh đang dần hết cách để bảo đảm phúc lợi xã hội cho người thất nghiệp.

Lời kêu gọi của Thủ tướng Lý đã ảnh hưởng tới Xie. Cô quyết định sẽ bán thịt nướng kiếm sống qua ngày, trong lúc chờ kiếm được việc tốt hơn.

Thủ tướng Trung Quốc gây tranh cãi vì kêu dân thất nghiệp bán hàng rong - Ảnh 2.

Một người bán hàng rong ở chợ đêm thành phố Vũ Hán - Ảnh chụp màn hình

Đối với nhiều người Trung Quốc, bán hàng rong là công việc chỉ dành cho người nghèo, người thuộc tầng lớp ngụ cư ở các thành phố lớn - những nơi đã từng chứng kiến các vụ trấn áp mạnh tay với người bán hàng rong của lực lượng quản lý đô thị.

Với những người trẻ mới tốt nghiệp đại học ở Mỹ như Xie, đi bán hàng rong là một bước lùi nhưng thời thế buộc họ phải như vậy.

Việc ông Lý khuyến khích bán hàng rong và các số liệu được ông đưa ra trong cuộc họp báo hồi cuối tháng rồi đã làm dấy lên những tranh cãi về sự thịnh vượng của Trung Quốc. Nhiều người tự hỏi liệu Trung Quốc có thực sự phồn vinh như người ta vẫn tưởng.

Hôm 28-5, Thủ tướng Trung Quốc thừa nhận có tới 600 triệu người (khoảng 43% dân số) kiếm chưa tới 140 USD/tháng. Ông nêu câu chuyện một lao động ngụ cư ở tuổi 50 không thể kiếm được việc gì dù đã bán sức hơn 30 năm ở thành phố.

Khi những con số này lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, rất nhiều người đã lên án người đăng bài. Họ không tin những con số này là thật.

Phần lớn số người còn lại đều nói về "nền kinh tế bán hàng rong" của Thủ tướng Lý. Có người ca ngợi ông là một lãnh đạo sâu sát thực tế đời sống của người dân.

Nhưng cũng có người bi quan đặt câu hỏi nếu có quá nhiều người bán hàng rong khó khăn như nhau, ai sẽ là người mua.

Thủ tướng Trung Quốc gây tranh cãi vì kêu dân thất nghiệp bán hàng rong - Ảnh 3.

Một quầy hàng bán đồ ăn ở khu trung tâm Bắc Kinh - Ảnh chụp màn hình

Chu Thiên Dũng, một chuyên gia kinh tế, ủng hộ ông Lý bằng ước tính có thể tạo ra được ít nhất 50 triệu việc làm nếu chính quyền mở rộng không gian cho người bán hàng rong và nông dân.

Một chuyên gia khác thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc cũng tin rằng chính sách khuyến khích hàng rong của ông Lý sẽ làm nên chuyện và cần được duy trì lâu dài.

Nhiều địa phương hưởng ứng rất nhanh chóng chủ trương mới của Thủ tướng Lý, nhưng với các thành phố tự xem là "hạng nhất" như Bắc Kinh và Thượng Hải, bán hàng rong là điều không thể chấp nhận. Tờ Bắc Kinh nhật báo đã đăng một bài xã luận dài và liệt kê hàng loạt vấn đề của việc bán hàng rong, thậm chí còn gọi đây là một hoạt động "kém văn minh và vệ sinh".

"Các quan chức cấp cao đang nói những điều trái ngược nhau. Tốt hơn hết là tôi nên thận trọng vậy", Xie giãi bày chuyện cô đã chọn được tất cả đồ cần thiết cho xe thịt nướng của mình nhưng cuối cùng quyết định không mua.

Số người thất nghiệp khó đo đếm: Số người thất nghiệp khó đo đếm: 'Thiên nga đen' của Trung Quốc

TTO - Những tiến bộ mà Bắc Kinh đạt được trong nhiều năm có nguy cơ biến mất vì cú sốc kinh tế do dịch COVID-19. Đây là một trong những sự kiện "Thiên nga đen" mà ông Tập Cận Bình từng nhắc tới.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên