02/10/2019 16:07 GMT+7

Thủ tướng Modi khoe: ‘Ở Ấn Độ không còn ai đại tiện ngoài đường’

THỤY TRÂM
THỤY TRÂM

TTO - Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Gandhi, Thủ tướng Ấn Độ Modi dự kiến sẽ phát biểu và tuyên bố toàn bộ người dân đều có nhà vệ sinh, bất chấp các chuyên gia cho rằng tuyên bố này chưa chính xác.

Thủ tướng Modi khoe: ‘Ở Ấn Độ không còn ai đại tiện ngoài đường’ - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 27-9-2019 - Ảnh: REUTERS

Ông Modi đã thực hiện cam kết "nhà vệ sinh cho mọi người" khi nhậm chức thủ tướng vào năm 2014. Kể từ đó, chính phủ Modi cho biết đã cho xây dựng gần 100 triệu nhà vệ sinh, dành được nhiều lời khen từ các nhà lãnh đạo, các quỹ và tổ chức nước ngoài, như Quỹ Bill & Melinda Gates.

Vào tháng 3-2019, chính quyền New Delhi cho biết chỉ còn dưới 50 triệu người Ấn Độ đi đại tiện ngoài đường! Dẫu sao cũng là một sự giảm sút mạnh mẽ đáng khen ngợi nếu biết con số này vào năm 2014 là 550 triệu. 

Tới nay đã có hơn 550.000 ngôi làng trên khắp Ấn Độ tuyên bố không còn ai đại tiện ngoài đường.

Thủ tướng Modi khoe: ‘Ở Ấn Độ không còn ai đại tiện ngoài đường’ - Ảnh 2.

Người lớn cũng không chọn nhà vệ sinh làm nơi tiểu tiện - Ảnh: GETTY IMAGES

Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi tính chính xác về tuyên bố của ông Modi bằng nhiều số liệu nghiên cứu.

"Rất nhiều nhà vệ sinh được xây dựng từ năm 2014 đến năm 2018. Mức độ sở hữu nhà vệ sinh tăng từ 35% lên 70%", Sangita Vyas từ Viện RICE nhìn nhận. RICE là tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, chuyên tìm hiểu cuộc sống của người nghèo, đặc biệt là trẻ em Ấn Độ.

"Điều đó đồng nghĩa với việc ít người đi đại tiện ngoài đường hơn, nhưng chúng tôi ước tính vào cuối năm 2018 thì có tới một nửa số người ở các bang Bihar, Madhya Pradesh, Uttar Pradesh và Rajasthan vẫn đi đại tiện ngoài đường", Sangita Vyas nói với Hãng tin AFP.

Theo số liệu từ Quỹ Nhi đồng LHQ (Unicef) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vào năm 2000, có đến 73% dân số Ấn Độ không dùng nhà vệ sinh. Theo số liệu mới nhất của năm 2017 thì chỉ còn 26%. Ở nông thôn là từ 90% giảm xuống còn 36%.

Nhiều chuyên gia khác thì khẳng định nhiều nhà vệ sinh được xây dựng nhưng không được cấp nước. Nhưng ngay cả khi có nước thì các rào cản văn hóa vẫn ngăn cản nhiều người Ấn Độ sử dụng chúng.

Thủ tướng Modi khoe: ‘Ở Ấn Độ không còn ai đại tiện ngoài đường’ - Ảnh 3.

Phòng vệ sinh ở bang Haryana, Ấn Độ - Ảnh: BLOOMBERG

Việc đi đại tiện lộ thiên rất phổ biến ở Ấn Độ vì nhiều nguyên do. Nhưng thói quen này khiến người dân có nguy cơ nhiễm và lây lan một loạt các bệnh như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn và viêm gan A.

Chỉ riêng tiêu chảy đã giết chết khoảng 117.000 trẻ em Ấn Độ vào năm 2015. Unicef cũng cảnh báo chứng tiêu chảy có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và thấp còi, vốn là vấn đề nhức nhối ở Ấn Độ.

Bên cạnh nguy cơ làm tăng nguy cơ bệnh tật và ô nhiễm môi trường, thói quen đại tiện lộ thiên cũng khiến nhiều cô gái trẻ đối mặt với nguy cơ bị tấn công tình dục. 

Hồi tháng 5-2014, hai cô gái ở làng Badaun, bang Uttar Pradesh đã bị cưỡng hiếp và treo xác lên cây xoài khi đi vệ sinh xa nhà. Vụ việc khiến dư luận thế giới quan tâm và xây nhà vệ sinh kín trở thành vấn đề được chính phủ ưu tiên cấp thiết.

Ấn Độ xây nhà vệ sinh cho 800 triệu người Ấn Độ xây nhà vệ sinh cho 800 triệu người

TT - Chính phủ Ấn Độ hiện đang rất đau đầu vì tình trạng thiếu nhà vệ sinh trầm trọng ở các vùng nông thôn, nguyên nhân dẫn tới các bệnh dịch khó kiểm soát, tỉ lệ tử vong ở trẻ em cao và chi phí y tế quá lớn.

THỤY TRÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên