20/08/2019 18:06 GMT+7

Thủ tướng: 'Miền Trung phải xác định phát triển ngay bây giờ hoặc không bao giờ'

DUY THANH - THÁI THỊNH
DUY THANH - THÁI THỊNH

TTO - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, miền Trung cần tận dụng lợi thế 'rừng vàng, biển bạc', phải xốc tới với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm có thể trở thành địa bàn có trình độ kinh tế - xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước.

Thủ tướng: Miền Trung phải xác định phát triển ngay bây giờ hoặc không bao giờ - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Ngày 20-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 2 phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, được tổ chức tại TP Quy Nhơn, Bình Định.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 14 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư…

Miền Trung phải xốc tới, miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững và tốc độ hơn. Chính vì thế phải có tinh thần "ngay bây giờ hoặc không bao giờ"

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Tiềm năng lớn nhưng phát triển còn thấp

Theo ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, kinh tế của 14 tỉnh, thành phố miền Trung đang đồng loạt khởi sắc khi tốc độ tăng trưởng các năm 2017, 2018 của vùng đạt cao hơn bình quân chung cả nước.

Mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước của vùng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016-2018. Chuyển dịch trong nội bộ các ngành kinh tế theo xu hướng tích cực, kinh tế biển và vùng ven biển đang trở thành động lực phát triển của vùng, trong đó công nghiệp và dịch vụ giữ vai trò chủ đạo…

Tuy nhiên, ông Dũng thẳng thắn: "Xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, hiệu quả đầu tư chưa cao. Tiềm năng, thế mạnh khá tương đồng (biển, du lịch, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào…); các ngành kinh tế chủ lực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp của các địa phương có sự trùng lắp nên chưa có sự cạnh tranh khác nhau".

Trong 14 tỉnh, chỉ có 4 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỉ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%, thấp so với cả nước.

Du lịch được đánh giá rất nhiều tiềm năng trong vùng, nhưng doanh thu từ du lịch chỉ khoảng 18-19% cả nước. Liên kết vùng là bài toán sống còn đối với tất cả các địa phương trong vùng, nhưng đến nay vẫn chưa đạt nhiều hiệu quả, nhất là vẫn còn những "bài toán" liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất... để tối ưu hóa phương án đầu tư…

Một số đại biểu trình bày tham luận đồng tình với những đánh giá nêu trên, đồng thời cho rằng còn có sự cạnh tranh lẫn nhau về những lĩnh vực được coi là thế mạnh giống nhau giữa các địa phương trong vùng, vì vậy thay vì cùng nhau phát triển thì đây lại là "lực cản" níu cả khu vực chậm phát triển.

Vận dụng chiến lược kinh tế biển

Thủ tướng: Miền Trung phải xác định phát triển ngay bây giờ hoặc không bao giờ - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày sản phẩm các địa phương miền Trung nhân dịp hội nghị phát triển kinh tế miền Trung - Ảnh: DUY THANH

Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, của 2 phó thủ tướng Trương Hòa Bình và Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định rằng nhiều tín hiệu tích cực song vẫn còn nhiều điều thách thức ở phía trước đối với vùng kinh tế miền Trung.

"Đứng trước vận hội mới của đất nước trong 10-15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng, vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế - xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước. Miền Trung phải xốc tới, miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, bền vững và tốc độ hơn. Chính vì thế phải có tinh thần ngay bây giờ hoặc không bao giờ" - Thủ tướng nhấn mạnh

Thủ tướng yêu cầu phải vận dụng chiến lược kinh tế biển vào miền Trung, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế.

"Ngư nghiệp phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản. Phát triển mạnh du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo. Phát triển hiệu quả cảng biển và dịch vụ logistics. Phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác" - Thủ tướng đề nghị.

Về liên kết vùng và thể chế phát triển vùng, trong đó vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung rõ hơn, Thủ tướng nói phải có một thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực. Thể chế phát triển phải có một nghị quyết, một chỉ thị để phát triển.

Miền Trung phải xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, phải thực sự là "đất lành chim đậu". Khu vực cũng phải lưu ý đến ứng phó với biến đổi khí hậu nặng nề như nước biển dâng…

Nhiều bộ, ngành phải đồng hành với miền Trung

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, đảm bảo chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch tại Luật quy hoạch; hướng dẫn chuyển tiếp thực hiện các quy hoạch hiện hành, xác định các khó khăn, vướng mắc để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, trong đó có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện phát triển.

Bộ Tài chính phải nghiên cứu một số cơ chế chính sách tài chính, thuế, phí để phân cấp quản lý cho các tỉnh, thành trong vùng phù hợp với trình độ phát triển đặc điểm kinh tế và cơ sở thuế của từng địa phương. Xây dựng cơ chế chính sách tạo nguồn thu để lại cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng điều tiết hợp lý theo Luật ngân sách mới.

Bộ Giao thông vận tải phải nghiên cứu, lập kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống giao thông kết nối miền Trung với Tây Nguyên, phải tính toán để tạo du lịch phát triển từ giao thông vận tải.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển bền vững, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và các điểm nghẽn về đất đai.

Bộ Công thương cần nghiên cứu ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng, hỗ trợ các địa phương phát triển năng lượng tái tạo. Còn Bộ Khoa học và công nghệ nghiên cứu xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, khoa học công nghệ trong viện đào tạo, trường đại học, khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố, vùng, để trở thành hạt nhân phát triển ứng dụng khoa học công nghệ sáng tạo.

Đối với nguồn nhân lực, Thủ tướng yêu cầu hai bộ Giáo dục và đào tạo, Lao động - thương binh và xã hội hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực biển chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, giúp phát huy các lợi thế về tài nguyên sẵn có và vị trí địa lý chính trị tối quan trọng của vùng.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Bình Định đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh này với tổng số vốn đăng ký gần 34.000 tỉ đồng.

20190820 trao cndt

Trao quyết định chấp thuận chủ trương và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 15 dự án đầu tư vào tỉnh Bình Định - Ảnh: DUY THANH

Đà Nẵng phải khẳng định là đầu tàu phát triển miền Trung Đà Nẵng phải khẳng định là đầu tàu phát triển miền Trung

TTO - Thủ tướng cho rằng Đà Nẵng có vai trò đầu tàu phát triển ở khu vực miền Trung nhưng cần phải cố gắng, nỗ lực chứ không thì tụt lại.

DUY THANH - THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên