18/01/2022 11:59 GMT+7

Thủ tướng Anh được tư vấn dùng vũ khí âm thanh 'xua đuổi' người di cư

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Các chuyên gia chính sách của Phố Downing đề xuất dùng vũ khí âm thanh để buộc người di cư quay đầu ở eo biển Manche, nhưng đề xuất này vấp phải sự phản đối từ Bộ Nội vụ.

Thủ tướng Anh được tư vấn dùng vũ khí âm thanh xua đuổi người di cư - Ảnh 1.

Thiết bị âm thanh tầm xa (LRAD) của Anh - Ảnh: SKY NEWS

Vũ khí âm thanh được nhắc đến là Thiết bị âm thanh tầm xa (LRAD). Chúng được lắp đặt trên hai tàu của Lực lượng Biên phòng Anh nhưng chỉ dùng để ra lệnh bằng giọng nói.

Bộ Quốc phòng mua LRAD để sử dụng làm loa phóng thanh trong Thế vận hội 2012 ở London.

Các chuyên gia của cơ quan cố vấn chính sách tại số 10 Phố Downing (Number 10 Policy Unit), nơi đặt Văn phòng Thủ tướng Anh, đang kêu gọi sử dụng LRAD như những khẩu pháo âm thanh phát ra tiếng ồn lớn với tần số cao đủ mạnh để gây nôn.

Cơ quan cố vấn chính sách Phố Downing là nơi tư vấn chính sách trực tiếp cho Thủ tướng Anh Boris Johnson. Người đứng đầu cơ quan này là bà Munira Mirza, cựu phó thị trưởng London.

Theo Đài Sky News, Mỹ đang dùng LRAD để giải tán đám đông và Hy Lạp cũng đang thử nghiệm dùng LRAD để ngăn người di cư vượt biển.

Đề xuất của các chuyên gia chính sách Phố Downing đã bị Bộ Nội vụ khước từ sau khi các quan chức cấp cao bộ này khẳng định rằng kế hoạch không khả thi.

Bộ Nội vụ cho rằng dùng vũ khí âm thanh đối với người di cư trên những chiếc thuyền nhỏ chỉ khiến họ gặp nguy hiểm hơn, trong khi không ngăn được các băng nhóm tội phạm buôn người.

Vào cuối năm ngoái, Anh và Pháp đã nhất trí phối hợp ngăn người di cư vượt biên vào Anh thông qua eo biển Manche.

Nỗ lực của hai nước đến từ vụ việc thương tâm trước đó. Vào ngày 24-11-2021, ở ngoài khơi bờ biển miền Bắc nước Pháp, một chiếc thuyền chở người di cư bị lật khiến 27 người thiệt mạng, trong đó có 5 phụ nữ và 1 bé gái.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết đã nghiên cứu chung với Bộ Nội vụ về kế hoạch dùng LRAD trên eo biển Manche nhưng kế hoạch này đã không được duyệt.

Bộ Nội vụ cũng từng đề xuất các phương án khác nhưng chưa khả thi. Tháng 10-2020, một quan chức của bộ đề xuất dùng lưới để ngăn người di cư.

Châu Âu trước cuộc khủng hoảng di cư mới Châu Âu trước cuộc khủng hoảng di cư mới

TTO - Tuần qua cả châu Âu rúng động khi hay tin 27 người di cư bất hợp pháp, chủ yếu người Iraq, Iran và Afghanistan, chết đuối trên eo biển Manche vào ngày 24-11 khi chiếc xuồng cao su chở họ tới Anh bị lật.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên