23/07/2020 11:25 GMT+7

Thu hút tư nhân đầu tư vào năng lượng

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - NGỌC HIỂN

TTO - Ngày 22-7, Ban Kinh tế trung ương đồng chủ trì cùng Chính phủ tổ chức Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam và triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thu hút tư nhân đầu tư vào năng lượng - Ảnh 1.

Vận chuyển cánh quạt xây dựng dự án điện gió tại tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: NGỌC HIỂN

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Tâm Tiến - tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam - cho rằng nghị quyết 55 đã tạo đòn bẩy cho tư nhân tham gia ngành năng lượng, đặc biệt là xóa bỏ độc quyền để tư nhân tham gia xây dựng truyền tải. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án điện gió vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về chính sách. Chẳng hạn, giá ưu đãi mua điện ưu đãi (8,5-9,8 cent/kWh tùy dự án) chỉ kéo dài đến 2021, trong khi 100% thiết bị điện gió phải nhập khẩu nên các nhà cung cấp thiết bị tìm cách ép giá nhà đầu tư.

Do đó, theo ông Tiến, cần sớm ban hành khung giá mua bán điện cố định (giá FIT) sau 2021, đồng thời kéo dài giá mua điện ở mức 9,8 cent/kWh đối với các dự án điện gió gần bờ để thu hút các nhà đầu tư.

Ông Đặng Quốc Toản - chủ tịch Công ty năng lượng dầu khí châu Á - cũng cho rằng cần kéo dài giá mua điện cho cả dự án trên bờ lẫn trên biển thêm ít nhất 1 năm để các nhà đầu tư có thêm thời gian triển khai.

Ông Dương Quang Thành, chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho hay bài toán đặt ra với tập đoàn này là xây dựng lưới điện truyền tải đồng bộ, đảm bảo giải tỏa công suất tối ưu gắn với sự phát triển của các trung tâm điện lực, đặc biệt là khu vực tập trung phát triển năng lượng mới và tái tạo. Do đó không chỉ tập trung đầu tư và đưa vào vận hành nhiều trạm biến áp, tới đây EVN sẽ triển khai đầu tư lắp đặt hệ thống tích điện, có khả năng tích trữ nguồn năng lượng mới và tái tạo nhằm vận hành cung cấp đủ điện.

Cũng tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ Công thương, cho biết ngoài việc khẩn trương xây dựng quy hoạch điện VIII, quy hoạch tổng thể về năng lượng và chiến lược phát triển ngành than..., bộ cũng tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình hành động, trong đó tập trung sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn cung và tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, đặc biệt là khuyến khích tư nhân tham gia.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để giải quyết những khó khăn của ngành năng lượng, Chính phủ đang đẩy mạnh sửa đổi các luật để khắc phục những bất cập trong hoạt động của ngành năng lượng.

Ngoài ra, các cơ quan liên quan phải xây dựng cơ chế đặc thù trong đầu tư phát triển các dự án năng lượng, cơ chế tài chính và huy động vốn cho phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện. Xây dựng cơ chế phát triển đột phá đối với điện gió ngoài khơi xa bờ; cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới...

Đầu tư năng lượng sạch: Giá điện làm khó nhà đầu tư Đầu tư năng lượng sạch: Giá điện làm khó nhà đầu tư

TTO - Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cần có tính dài hạn, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia ngành điện theo nghị quyết 55.

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên