26/06/2023 11:25 GMT+7

Thổi hồn nhạc cho dừa

"Đời ông cha tôi sống nhờ cây dừa, rồi được bóng dừa che chở qua mưa bom bão đạn, nên khi hòa bình lập lại tôi muốn biến những cây dừa trở thành nhạc cụ làm vui tươi cho đời".

Nghệ nhân Sơn Bá say sưa với cây đàn "5 trong 1" bằng gỗ dừa độc đáo của mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nghệ nhân Sơn Bá say sưa với cây đàn "5 trong 1" bằng gỗ dừa độc đáo của mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nghệ nhân Võ Văn Bá, 81 tuổi, tâm sự thêm người ta hay gọi ông là người thổi hồn cho dừa. Còn ông thì chỉ tự nhận mình đang ráng trả ơn dừa thôi.

Nợ cây dừa những ân tình

Sinh ra tại xứ dừa Bến Tre, tuổi thơ của ông Võ Văn Bá (tên thường gọi Sơn Bá) gắn liền với hình ảnh cây dừa quật cường trong mưa bom bão đạn và những giai điệu của các nhạc cụ cổ truyền như đờn cò, đờn tranh thấm sâu vào lòng người quê hương.

Năm 12 tuổi, cậu bé Sơn Bá ngày nào cũng theo các anh, các chú trong đoàn văn công giải phóng tỉnh và mê mẩn với tiếng đờn cò, đờn tranh. Cứ mỗi lần tiếng nhạc cụ truyền thống nào cất lên, Sơn Bá không rời mắt được khỏi những ngón tay của các nhạc công đang lướt trên phím đờn.

Niềm đam mê âm nhạc cứ thế được nuôi lớn dần trong tâm trí chàng trai trẻ Sơn Bá. Lớn hơn một chút, cậu gia nhập đoàn văn công giải phóng tỉnh và được học qua lớp đàn từ các đàn anh trong đoàn và thêm kiến thức âm nhạc tài tử từ cha của mình.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, chàng thanh niên xứ dừa tạm gác lại đam mê của mình để cầm súng chiến đấu. Cây dừa thân thương của quê hương lại một lần nữa cùng sát cánh kháng chiến.

"Từ những thân dừa, tụi tôi kết thành bè có gắn lựu đạn thả trôi trên sông để đánh phá các cứ điểm của đối phương. Trên các ngọn dừa, tụi tôi cũng gắn lựu đạn và cột lá cờ vào đọt. Khi trực thăng sà xuống để tháo cờ xuống thì lựu đạn sẽ phát nổ.

Cây dừa gắn với tuổi thơ, rồi đồng hành với những trận đánh của chúng tôi như thế nên thương lắm. Nhiều đêm tôi trằn trọc suy nghĩ mình phải làm một cái gì đó để trả ơn cây dừa của quê hương", ông Sơn Bá nói.

Nghệ nhân Sơn Bá bên những nhạc cụ do ông tự làm từ gỗ dừa - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nghệ nhân Sơn Bá bên những nhạc cụ do ông tự làm từ gỗ dừa - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Qua các lần tiếp xúc với nghệ nhân chế tác đờn cò bằng chất liệu tre, rồi được lên Sài Gòn học về công nghệ điện tử, ông Sơn Bá ấp ủ ý tưởng tạo các nhạc cụ truyền thống của dân tộc từ cây dừa.

Mãi đến năm 2011, được sự động viên, khuyến khích của lãnh đạo địa phương, cùng sự tài trợ của một doanh nghiệp, ông cùng đồng đội bắt đầu chế tác bộ nhạc cụ bằng dừa và đạt kỷ lục Việt Nam vào năm 2012.

Bộ nhạc cụ này đã được đích thân nghệ nhân Sơn Bá sử dụng trong Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre năm 2012 và hai festival đờn ca tài tử Nam Bộ ở Bạc Liêu năm 2014 và ở Bình Dương năm 2017. Đó là những cây đàn cò, đàn gáo, đàn kìm, đàn sến, đàn tranh, đàn bầu... đã đi vào hồn người Việt bao đời.

Bộ nhạc cụ góp phần tôn vinh giá trị cây dừa và thể hiện sự đam mê sáng tạo của nghệ nhân với tình yêu quê hương xứ dừa. Gần 200 nhạc cụ làm bằng dừa đã phần nào nói lên sự sáng tạo vô cùng độc đáo và có thể đây là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù về văn hóa địa phương.
Ông NGUYỄN VĂN BÀN (giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bến Tre)

Hơn 200 nhạc cụ độc đáo bằng gỗ dừa

Những ngày giữa tháng 5-2023, trong ngôi nhà sàn được cất giữa vườn dừa nằm nép bên sông Bến Tre, ông Sơn Bá vẫn đang cặm cụi với hàng chục chiếc đờn cò. Ông cho biết đang chuẩn bị cho buổi triển lãm trưng bày hơn 100 nhạc cụ của mình tại Bảo tàng tỉnh Bến Tre.

Cầm lên một chiếc đàn "5 trong 1", ông Sơn Bá nói: "Đây là chiếc đàn tôi mất nhiều thời gian nhất. Bởi để kết hợp nhiều nhạc cụ lại trong một chiếc đàn không hề đơn giản.

Ngoài việc tạo ra được hình dáng của nhạc cụ rồi, âm thanh của mỗi nhạc cụ phải chuẩn mới được", ông chia sẻ. Bộ đàn "5 trong 1" này của ông gồm đàn bầu, đàn cò, đàn sến, guitar và một micro để hát rất tiện lợi giữa âm nhạc hiện đại và truyền thống.

Một điều độc đáo dễ nhận thấy các nhạc cụ của ông đều được làm phần lớn từ gỗ dừa. "Việc chọn dừa cũng phải rất công phu.

Dừa phải nằm trong độ tuổi 60 - 70 năm là phù hợp nhất vì lúc này gỗ dừa có màu đỏ như mật ong. Nếu để quá tuổi thì gỗ dừa chuyển qua màu đen, làm nhạc cụ sẽ không phù hợp", ông nói.

Nhiều người bất ngờ và thích thú những nhạc cụ được làm bằng gỗ dừa Bến Tre - Ảnh MẬU TRƯỜNG

Nhiều người bất ngờ và thích thú những nhạc cụ được làm bằng gỗ dừa Bến Tre - Ảnh MẬU TRƯỜNG

Sau khi chọn được gỗ dừa phù hợp, ông bắt đầu đục đẽo để ra hình dáng phù hợp với loại nhạc cụ cần làm. Đạt được hình dáng tương đối rồi, ông dùng giũa và giấy nhám để tạo hình một cách chính xác nhất.

Ông Sơn Bá cho biết thời gian đầu làm nhạc cụ hoàn toàn từ gỗ dừa thì âm thanh không được hay. Sau khi mày mò nghiên cứu, các bề mặt của nhạc cụ được ông sử dụng gỗ quao để làm.

Sau khi đạt được âm thanh ưng ý, ông biến thành công thức cho các nhạc cụ của mình khi chọn gỗ dừa làm khung và kết cấu chính của nhạc cụ, còn các bề mặt ông sử dụng gỗ quao.

Ngoài ra, để âm thanh nghe tốt hơn, ông còn sử dụng bộ khuếch đại âm thanh bằng điện tử. Do mọi thứ ông phải tự mày mò nên có những nhạc cụ ông phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng, mới hoàn thành.

"Nhưng khi một nhạc cụ hoàn thành, tôi lại thấy vui vẻ hơn khi ngắm nhìn đứa con tinh thần của mình ra đời. Bởi trên mỗi nhạc cụ đều có hình ảnh của cây dừa quê hương gắn bó với đời mình. Về sau, tôi còn sử dụng gáo dừa, mo dừa để tạo các nhạc cụ", ông trải lòng.

Trong ngôi nhà nhỏ treo hàng chục thứ nhạc cụ khác nhau, ông Sơn Bá ngồi trầm ngâm nói: "Chỉ tiếc đến giờ vẫn chưa có người cùng đam mê để tôi truyền nghề. Sợ bị mai một nên giờ tôi muốn tặng các nhạc cụ cho bảo tàng cất giữ.

Hiện nay cũng đã có nhiều nhà hàng ở các tỉnh thành và thậm chí người nước ngoài đặt mua các nhạc cụ này. Thỉnh thoảng tôi cũng bán một số để có kinh phí duy trì công việc của mình", ông Sơn Bá trải lòng.

Nghệ nhân Sơn Bá đã được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về thành tích nghệ nhân dân gian, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác lập "Kỷ lục gia" của bộ nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam năm 2012, UBND tỉnh Bến Tre tặng hai bằng khen với thành tích giải 1 chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và có công lao trong thực hành và truyền dạy bộ nhạc cụ dân tộc bằng dừa ở Bến Tre.

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã cấp bằng công nhận Nghệ nhân dân gian cho ông vào năm 2016. Trường đại học Trà Vinh đã hai lần mời ông đến nói chuyện cho giảng viên và sinh viên, tặng kỷ niệm chương và bằng chứng nhận Nghệ nhân dân gian có đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn, phát triển nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Kỳ thú sưu tầm vé số độc lạKỳ thú sưu tầm vé số độc lạ

Vé số đã xổ tưởng chừng chỉ đem vứt, nhưng có một số người thích thú sưu tầm những số độc lạ, trong đó có các vé là 'chứng nhân' lịch sử.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên