05/08/2020 11:08 GMT+7

Thời COVID-19: Quán cà phê thành phim trường, khán giả ở nhà xem phim cho yên ổn

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Dịch COVID-19 bùng phát lại, các đoàn phim truyền hình không thể bó gối chờ hết dịch nên lại xoay xở nhiều phương án để đảm bảo tiến độ sản xuất.

Thời COVID-19: Quán cà phê thành phim trường, khán giả ở nhà xem phim cho yên ổn - Ảnh 1.

Cảnh quay phim Dịch vụ anh tơ hồng ở phim trường cà phê quận 12 - Ảnh: HOÀNG LÊ

Ngày 31-7, tại quán cà phê Sài Gòn cà phê phim ở quận 12 (TP.HCM), êkip đoàn phim sitcom Dịch vụ anh tơ hồng vẫn ráo riết thực hiện các cảnh quay. 

Ai bước vào quán đều phải rửa tay bằng nước sát khuẩn. Quán cà phê nhỏ khá yên tĩnh, phù hợp cho bộ phim thu tiếng trực tiếp. Đoàn phim cử một người đứng trước cửa, để nếu có khách vào uống cà phê thì xin lỗi vì đoàn phim đang quay.

Việc các đoàn phim quay ở quán cà phê không phải là hiếm, thế nhưng điểm đặc biệt là quán cà phê này được xây dựng như một phim trường thu nhỏ khá chuyên nghiệp. 

Chỉ với diện tích 200m2, đoàn có thể dựng được bốn bối cảnh: quán cà phê, góc vườn, phòng làm việc, phòng ngủ... 

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết điều quan trọng nhất để quán cà phê có thể trở thành phim trường là phải có những khoảng trống để đặt máy quay cho thuận lợi.

Ông Hiếu Dân, phó giám đốc Công ty Saigon TV - đơn vị sản xuất Dịch vụ anh tơ hồng, cho biết: "Ngay sau đợt dịch đầu năm 2020, chúng tôi đã nghĩ đến phương án phải chủ động có phim trường riêng để sản xuất, chứ không thì rất khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ phát sóng. 

Đợt dịch trước, công ty tận dụng khoảng sân dựng hai bối cảnh cho phim Sui gia đại chiến, thấy ổn nên giờ hợp tác với quán cà phê này để làm phim trường luôn".

Quán ưu tiên việc quay phim, chỉ khi nào đoàn nghỉ thì "phim trường" lại trở thành quán cà phê. Dự kiến, nơi đây còn là điểm hẹn cho khán giả yêu thích phim có thể giao lưu với diễn viên...

Theo một số nhà sản xuất phim, "cà phê phim trường" là một cách giải quyết hợp tình hợp lý trong việc sản xuất phim truyền hình hiện nay, tiết kiệm chi phí và chủ động được thời gian. Tuy nhiên, với diện tích nhỏ, "phim trường" kiểu này chỉ phù hợp với phim sitcom có thời lượng ngắn, không cần quá nhiều bối cảnh.

Một số đoàn sản xuất phim truyền hình dài 45 phút/tập lại có cách ứng biến khác. Đang tập trung cao độ để sản xuất phim Chống lại số phận, đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho biết: 

"Ngay sau khi có đề xuất thành phố không tập trung quá 20 người, đoàn đã giảm số người tác chiến ở phim trường bằng cách chia thành 2 êkip làm việc. Dĩ nhiên là mọi người phải tuân thủ quy tắc khi làm việc phải đeo khẩu trang, trừ các diễn viên lúc ghi hình, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu cần phải bảo vệ sức khỏe thì mới có thể tiếp tục công việc".

Bộ phim Ngày em đến đạo diễn Đinh Đức Liêm đang quay những cảnh đầu tiên thì dịch COVID-19 lại tới. Theo nhà sản xuất Mega GS, vì đã lên lịch phát sóng nên phim vẫn quay cho kịp tiến độ. 

Nhưng thay vì phải quay ở những bối cảnh đông người như chợ, siêu thị, trường học, khách sạn, những cảnh có nhiều diễn viên quần chúng..., đoàn phim chuyển qua quay ở những bối cảnh ngoại thành trước như: cánh đồng, làng quê vắng vẻ... 

Đoàn tiết kiệm tối đa nhân lực, chia từng nhóm nhỏ ra làm việc, những bộ phận không thực sự cần thiết thì không đến đoàn.

Hiện tại bộ phim Sui gia khắc khẩu có sự tham gia của danh hài Hoài Linh đã tạm ngưng ghi hình trong giai đoạn này. Một số dự án phim đang trong giai đoạn khởi động cũng tạm ngưng kế hoạch.

Đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết bộ phim Giấc mơ của mẹ mà anh làm đạo diễn phải tạm ngưng hoạt động tuyển chọn diễn viên trong ba ngày 28, 29, 30-7 vì dịch COVID-19.

Ở nhà xem phim... né COVID

Các đài truyền hình vừa tung nhiều chương trình, phim mới để khán giả có thể ở nhà thưởng thức trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

Cát đỏ - tác phẩm của đạo diễn Lưu Trọng Ninh vừa lên sóng VTV3 lúc 21h30 thứ năm, thứ sáu hằng tuần từ ngày 31-7. Phim là câu chuyện của ba người phụ nữ Nhớ, Đủ và Nhan. Cuộc sống và tình yêu của họ khốc liệt như vùng đất nắng cháy, khô cằn mà họ đang sinh sống.

Cũng trên VTV3, 14h thứ bảy và chủ nhật hằng tuần từ ngày 1-8 phát sóng phim Yêu trong đau thương. Phim cũng khai thác cuộc đời thăng trầm của người phụ nữ nhưng trong giai đoạn xưa: Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ vào những năm 1960.

Dịch vụ anh tơ hồng - phim sitcom dài 105 tập vừa lên sóng HTV7 lúc 19h30 ngày 31-7. Phim có đề tài khá thời sự khi khai thác chuyện ngại yêu của giới trẻ.

Nắm bắt tâm lý ấy, hai nhân vật chính là hai bạn trẻ Soái - Ca đã quyết định mở công ty dịch vụ Anh tơ hồng với công việc bắc cầu, se duyên theo cam kết "thoát ế ngày mai".

VTV7 phát sóng một loạt phim thiếu nhi nước ngoài: phim truyện Canada Tỉ phú nhí khởi nghiệp (20 tập), phát sóng 19h30 hằng ngày; phim tài liệu Mỹ Trường học sinh tồn (24 tập) phát sóng vào 8h, 13h từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần.

Theo đại diện VTV7, trong mùa hè này, VTV7 sẽ tiếp tục phát các phim Người máy Anne, Chắp cánh ước mơ, Hành tinh trẻ em, Cẩm nang hướng nghiệp...

Xem miễn phí Tôi là thằng khốn, Đêm giặt ủi, Yên lặng và Chuyện anh Hùng Xem miễn phí Tôi là thằng khốn, Đêm giặt ủi, Yên lặng và Chuyện anh Hùng

TTO - Với chủ đề ‘Những câu chuyện nực cười’, Trung tâm Phát triển tài năng điện ảnh trẻ và BHD phát hành miễn phí 4 phim ngắn của các đạo diễn trẻ trên kênh YouTube Film Box.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên