26/05/2022 10:03 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ nêu các lo ngại an ninh với Thụy Điển, Phần Lan

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Ngày 25-5, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương của Phần Lan và Thụy Điển không thể tiến triển trừ khi các lo ngại an ninh của Ankara được giải quyết.

Thổ Nhĩ Kỳ nêu các lo ngại an ninh với Thụy Điển, Phần Lan - Ảnh 1.

Người phát ngôn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin - Ảnh: REUTERS

"Chúng tôi đã truyền tải thông điệp rõ ràng rằng tiến trình sẽ không tiến triển trừ khi những lo ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ được giải quyết thông qua các bước cụ thể và trong một khung thời gian nhất định", ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nói.

Ông Kalin đưa ra phát biểu trên sau cuộc họp kéo dài 5 giờ với các đại diện của Thụy Điển và Phần Lan tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 25-5, theo Hãng tin AFP.

"Họ nói với chúng tôi rằng họ hiểu những lo ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, song chúng tôi sẽ nhìn vào những bước tiếp theo mà họ thực hiện", phát ngôn viên Kalin cho biết.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã phản đối đơn xin gia nhập vào liên minh quân sự này của Thụy Điển và Phần Lan liên quan đến việc hỗ trợ các nhóm chiến binh người Kurd.

Do đó, Stockholm và Helsinki đã cử phái đoàn đến Ankara để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những người có liên hệ với nhóm chiến binh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), bị Ankara và các đồng minh phương Tây của nước này coi là khủng bố.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí đối với nước này và dẫn độ những người có liên quan đến PKK và phong trào Gulen (FETO) sang Ankara.

FETO là phong trào liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016.

Thụy Điển đã áp đặt các lệnh cấm vận đối với việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019, vì cuộc tấn công quân sự của Ankara tại Syria.

"Chúng tôi không nghĩ rằng việc các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau là phù hợp, điều đó sẽ làm suy yếu liên minh và khiến kẻ thù hài lòng", ông Kalin nói thêm.

Tuần trước, Stockholm và Helsinki đã nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc chính sách trung lập mà hai nước này đã duy trì trong nhiều thập kỷ qua. Thụy Điển và Phần Lan cần sự chấp thuận của tất cả 30 thành viên NATO hiện nay để được vào liên minh.

TIN THẾ GIỚI 26-5: Ukraine trách cứ NATO TIN THẾ GIỚI 26-5: Ukraine trách cứ NATO 'chả làm gì'; Nga trả nợ bằng đồng rúp

TTO - Triển vọng tăng trưởng toàn cầu dự báo giảm phân nửa; Nga nói trả nợ nước ngoài bằng đồng rúp; Thủ tướng Anh lại tuyên bố không từ chức do bê bối tiệc tùng mùa dịch... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 26-5

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên