25/10/2018 10:11 GMT+7

Thiếu giáo viên: cử kế toán, văn thư đi học làm cô giáo

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Để giải quyết phần nào số giáo viên thiếu hụt, vài năm trở lại đây tỉnh Đắk Nông đã cử kế toán, thủ quỹ, văn thư… đi học thêm để về làm giáo viên tại chính ngôi trường mình đang công tác.

Thiếu giáo viên: cử kế toán, văn thư đi học làm cô giáo - Ảnh 1.

Cô giáo H’Nghim và các học trò trong lớp học của mình - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo đó, đến nay toàn tỉnh đã vận động hàng trăm người đi học và đã thực hiện chuyển đổi được trên 55 biên chế nhân viên ở các trường học sang biên chế giáo viên. Trong đó, huyện Cư Jút chuyển đổi được 15 người, Đắk Song 10, thị xã Gia Nghĩa 6 và Đắk R’Lấp 5…

Cử đi học để giữ biên chế

Trường mầm non Hoa Hồng (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) có hơn 500 học sinh trong năm học này nhưng chỉ có 25 giáo viên và 4 nhân viên nên các cô giáo gần như không có thời gian rảnh.

Theo lãnh đạo nhà trường, để đảm bảo việc dạy học "đúng chuẩn", trường đang thiếu từ 5-7 giáo viên nhưng mãi không xin được biên chế... Để giải quyết phần nào thiếu hụt giáo viên, hai năm trước trường đã cử một nhân viên kế toán, văn thư đi học văn bằng 2 sư phạm để lấp vào thiếu hụt giáo viên tại đây.

Cô giáo H’Nghim (38 tuổi, dân tộc M’Nông), giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng, cho biết trước đây chị học ngành văn thư tại Trường đào tạo nghề các dân tộc Tây Nguyên (nay là Trường cao đẳng Nghề Đắk Lắk) và về làm văn thư tại UBND xã Trường Xuân từ năm 2003.

Đến năm 2012, chị xin sang làm văn thư tại Trường mầm non Hoa Hồng và đến khoảng năm 2016 nghe thông tin sắp bị tinh giản biên chế.

"Khi trường nói đi học văn bằng 2 ngành sư phạm để được tiếp tục làm việc, dù gặp rất nhiều khó khăn của gia đình, bản thân thời kỳ đó nhưng tôi đã đăng ký đi, cuối năm 2017 thì trở lại trường làm cô giáo. Khi còn làm văn thư, tôi cũng đã phụ giúp các cô giáo trong việc đón trả trẻ, chăm sóc các cháu và cũng yêu thích nghề này" - cô H’Nghim chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hương, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Song, cho biết huyện đã cử 52 người là kế toán, thủ quỹ, văn thư đi học văn bằng 2 để về làm giáo viên. Đến nay đã có khoảng 10 người hoàn thành khóa học và trở về làm cô giáo tại chính đơn vị trước đó của mình.

"Đây là một giải pháp giải quyết tình thế để giảm áp lực thiếu giáo viên của địa phương" - bà Hương nhìn nhận.

Ông Nguyễn Ngọc Thân, phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song, nói thêm hiện nay do yêu cầu tinh giản biên chế ngành giáo dục nên các vị trí y tế học đường, thủ quỹ sẽ bị cắt giảm.

Tuy nhiên, đây là những người đã công tác, cống hiến nhiều năm trong nhà trường, nếu để họ nghỉ việc cũng gây tâm lý hoang mang, đảo lộn cuộc sống. Vì vậy, hai năm trở lại đây huyện động viên những người này đi học thêm tin học, sư phạm để chuyển đổi sang vị trí giáo viên để giữ biên chế.

"Địa phương cũng có một trường trung cấp CNTT nên chúng tôi động viên các thầy cô giáo bộ môn âm nhạc, mỹ thuật đi học thêm những ngày cuối tuần để sau này cấp I phải dạy tin học thì sẽ không thuộc diện tinh giản biên chế" - ông Thân nói.

"Chỉ là giải pháp tạm thời"

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết tình trạng thiếu giáo viên đã tạo một áp lực rất lớn đến các thầy cô giáo khi sĩ số mỗi năm một tăng thêm. Năm học 2018-2019, Đắk Nông tăng hơn 8.300 học sinh, nên tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên trầm trọng.

"Trong nhiều lần khảo sát, chúng tôi giật mình vì tình trạng thiếu thốn ở các trường, đặc biệt các trường vùng sâu vùng xa. Có nơi chỉ có 4 cô giáo mà phải dạy đến 9 lớp; có điểm trường cách xa trung tâm, đường đi khó khăn, thầy cô phải lội bộ 10km để đến lớp.

Nhiều trường do thiếu giáo viên mà bảo vệ, thủ quỹ cũng tham gia ổn định lớp học để các cô giáo dạy hết lớp này rồi chạy qua lớp khác" - bà Hạnh cho biết.

Cũng theo bà Hạnh, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Đắk Nông động viên chính đội ngũ kế toán, thủ quỹ, văn thư - những người sẽ bị tinh giản biên chế - đi học văn bằng 2 để về làm giáo viên ở chính nơi họ đã từng công tác.

"Tuy nhiên, địa phương cũng rất quan tâm đến chất lượng, đến nay đã bổ sung được 236 giáo viên chuẩn và trên chuẩn từ các nguồn này. Vì bước đột phá này mà hiện nay tỉnh đã phổ cập mầm non 5 tuổi, đứng thứ 2 trong năm tỉnh Tây Nguyên.

Dẫu vậy, đây vẫn là việc làm tạm thời nhằm hạ nhiệt tình trạng thiếu giáo viên căng thẳng nhiều năm nay tại địa phương. Chúng tôi mong muốn được nhìn thấy cái khó thật sự của tỉnh, đặc biệt nhiều năm nay tình trạng di cư ngoài kế hoạch quá lớn khiến việc sắp xếp trường lớp, giáo viên vô cùng cấp bách" - bà Hạnh thiết tha.

Dồn mọi biện pháp để có giáo viên

Ngoài cách thêm giáo viên này, bà Hạnh cho biết nguyên tắc một trường có sáu lớp học trở lên được bố trí hai hiệu phó nhưng tỉnh cắt một hiệu phó, động viên về làm giáo viên.

"Chúng tôi cũng yêu cầu các trường học cắt luôn kế toán (chỉ trừ các trường vùng sâu, địa hình cách trở) vì hiện nay trả lương cho giáo viên là từ phòng GD-ĐT và thông qua ngân hàng, tiết kiệm tối đa bộ máy hành chính, đảm bảo tinh giản bộ máy để dồn hết mức nhằm tăng biên chế giáo viên" - bà Hạnh nói.

Một giải pháp khác mà nhiều địa phương của tỉnh cũng thực hiện là luân chuyển giáo viên, đặc biệt mầm non và tiểu học, về vùng sâu vùng xa để duy trì lớp học vì các trường ở trung tâm việc xã hội hóa sẽ dễ dàng hơn.

Thừa - thiếu giáo viên: vì   sao? Thừa - thiếu giáo viên: vì sao?

TTO - Năm học mới 2018-2019 đã bắt đầu nhưng câu chuyện thiếu giáo viên ở một số môn học, bậc học tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên