21/05/2012 07:43 GMT+7

Thiếu cầu vượt qua công viên phần mềm Quang Trung

VÕ ANH TUẤN
VÕ ANH TUẤN

TT - Hiện nay có khá nhiều sinh viên, công nhân viên đang học tập và làm việc tại công viên phần mềm Quang Trung (CVPMQT) ở quận 12, TP.HCM.

PGNzRp9E.jpgPhóng to
Sơ đồ nút giao thông ở cầu vượt Quang Trung - Đồ họa: Vĩ Cường

Các tuyến xe buýt trên quốc lộ 1A đi từ hướng miền Tây về miền Đông hoặc từ hướng nội thành ra rẽ phải về miền Đông đều đỗ xe phía đối diện cổng CVPMQT. Dải phân cách của quốc lộ 1A ở đoạn này được làm bằng hàng rào sắt, cao khoảng 2m. Không thể băng qua đường để vào CVPMQT được, khách bộ hành thường phải đi bộ vòng cầu vượt hoặc đón thêm chuyến xe buýt khác nữa để có thể đỗ ở cổng phía mặt đường Tô Ký.

Nếu chọn phương án đi bộ thì khách phải đi vòng, băng qua cầu vượt dành cho xe cơ giới. Phân luồng trên tuyến này hiện nay không có làn dành cho người đi bộ. Có đoạn người đi bộ phải đi ngược chiều. Nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Đoạn đường vòng này phát sinh thêm hàng kilômet nên phải mất 15-20 phút, chiếm thời gian tương đương 1/3 thời lượng di chuyển bằng xe buýt từ trung tâm. Đã có một số trường hợp sinh viên bị cướp giật khi di chuyển trên cung đường này. Gần đây nhất vào ngày 20-2, một sinh viên Trường đại học Hoa Sen bị giật túi xách khi đi bộ ở đây.

Nếu chọn phương án đón thêm chuyến xe buýt khác thì khách phải tốn thêm một khoản chi phí và thời gian chờ đón xe cho tuyến phát sinh này. Ngoài hai cách trên, khách có thể đón taxi, xe ôm... để đi vòng đến đoạn nào có thể rẽ trái, rồi đi ngược lại về CVPMQT. Phương án này phát sinh chi phí khá cao cho mỗi lần di chuyển. Tuy nhiên, phương án nào cũng đều mất thời gian và chi phí hoặc công sức.

Ngoài những người đến CVPMQT học tập và làm việc, còn có người dân và công nhân làm việc ở các xí nghiệp hai bên quốc lộ 1A cũng liên quan đến trạm xe buýt và dải phân cách này. Nhiều người thường chọn cách di chuyển bất hợp pháp là chui hoặc trèo qua hàng rào dải phân cách, rất nguy hiểm. Người dân ở đây cho biết đã có trường hợp trèo rào bị trượt chân văng ra ngoài đường...

Nếu bắc một chiếc cầu vượt dành cho người đi bộ ngay vị trí đề cập thì hàng ngàn người đang đi lại bằng xe buýt trên tuyến đường này sẽ đỡ vất vả hơn. Và khi đó dịch vụ xe buýt cũng có thể thu hút thêm nhiều khách hàng vốn đang sử dụng phương tiện giao thông cá nhân hiện nay để đến CVPMQT.

* Về đề nghị này, ông Võ Khánh Hưng (phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3 Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho rằng việc lắp đặt cầu vượt bộ hành băng qua quốc lộ 1A, đoạn trước CVPMQT cần phải cân nhắc đến tính hiệu quả và mỹ quan. Bởi lẽ, hiện trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều cây cầu vượt bộ hành được đặt tại những khu vực có nhiều người đi bộ băng qua đường như ở các bệnh viện nhưng phần lớn người dân vẫn giữ thói quen băng giữa dòng xe cộ để qua đường, còn cầu vượt bộ hành bỏ không. Việc này gây lãng phí ngân sách vì kinh phí để xây dựng một cây cầu bộ hành vốn không nhỏ. Hơn nữa, việc xây cầu vượt băng qua quốc lộ 1A chiếm một khoảng không gian lớn, gây mất mỹ quan đô thị.

Về phương án tháo dỡ dải phân cách để hành khách đi xe buýt băng qua quốc lộ 1A, ông Hưng cho biết không thể thực hiện được trong giai đoạn hiện nay vì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.

Để thuận lợi cho việc đón trả hành khách đi xe buýt tại khu vực này, ông Võ Khánh Hưng cho biết thời gian tới khu sẽ phối hợp với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng điều chỉnh các trạm dừng đón trả khách để người đi xe buýt được thuận lợi hơn.

VÕ ANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên