13/08/2019 08:10 GMT+7

Thiệt mạng khi tắm biển: do du khách mê chơi hay do quản lý kém?

Đ.HÀ - Đ.TRONG
Đ.HÀ - Đ.TRONG

TTO - Sau vụ chết đuối thương tâm tại Bình Thuận, chủ các khu resort phản ảnh họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc khuyến cáo, ngăn cản du khách tắm khi biển động. Vậy cần có giải pháp nào đủ mạnh nhằm tránh nguy hiểm cho du khách?

Thiệt mạng khi tắm biển: do du khách mê chơi hay do quản lý kém? - Ảnh 1.

Chiều 12-8, anh Huỳnh Bình - nhân viên cứu hộ khu du lịch Đồi Dương - ra dấu yêu cầu du khách lên bờ vì biển động nhưng nhiều du khách bất chấp, vẫn tắm - Ảnh: ĐỨC TRONG

Bình Thuận "bó tay"?

Bình Thuận có nhiều bãi tắm công cộng cùng những nơi kinh doanh dịch vụ du lịch. Du khách tập trung đông nhất ở các bãi tắm Đồi Dương, Hòn Rơm, Hàm Tiến, Tiến Thành... thuộc TP Phan Thiết. Những vùng biển nguy hiểm đều có bảng cảnh báo.

Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi nhiều giờ liền vào chiều 12-8 tại bãi Đồi Dương, nhiều du khách vẫn bất chấp để xuống tắm biển, mặc dù nơi đây đã ra thông báo cấm.

Từ trên bờ, anh Huỳnh Bình (nhân viên Ban quản lý khu du lịch Đồi Dương - Tiến Thành) liên tục thổi còi, ra dấu cho hàng chục du khách phải đi lên nhưng bất thành.

Với thâm niên hơn 10 năm làm nhân viên cứu hộ tại đây, anh Bình chia sẻ gặp rất nhiều trường hợp không chấp hành nội quy và phản ứng thái quá.

"Họ nói tính mạng mình tự lo được, không cần tôi quan tâm" - anh Bình ngao ngán nói. Những lúc như thế, các nhân viên cứu hộ cũng không thể chế tài, ép buộc họ được mà phải đứng cạnh đó theo dõi để nếu có tình huống xấu xảy ra thì cứu giúp.

Bà Bùi Thị Thanh Bình, phó giám đốc Ban quản lý khu du lịch Đồi Dương - Tiến Thành, cho biết những chuyện du khách không chấp hành nội quy tại bãi tắm nhiều như cơm bữa.

Theo bà, khi biển động, hết giờ tắm theo quy định, các nhân viên phải xuống yêu cầu họ lên bờ. Nhiều người chấp hành nghiêm chỉnh nhưng cũng có trường hợp phản ứng. Ban quản lý phải bố trí người trực tại chỗ để kịp thời ứng cứu nếu có nguy hiểm xảy ra.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn - người làm trong lĩnh vực quản lý du lịch ở một resort - cho biết thường xuyên gặp những trường hợp du khách phản ứng, không chấp hành hiệu lệnh, nội quy...

Gặp những trường hợp này, ông Tuấn cho rằng chỉ có biện pháp xuống biển kéo du khách ấy lên bờ.

"Mặc dù họ phản ứng, la lối nhưng mình phải chấp nhận vì an toàn cho du khách vẫn là trên hết" - ông Tuấn nói.

Thiệt mạng khi tắm biển: do du khách mê chơi hay do quản lý kém? - Ảnh 2.

Hai nhân viên cứu hộ Bùi Văn Giang và Lê Văn Tiền trông chừng du khách tắm tại Bãi Sau, Vũng Tàu chiều 12-8 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Vũng Tàu làm được!

Cách đây khoảng 6 năm, hầu như dịp lễ, tết nào bãi biển Vũng Tàu cũng có du khách chết đuối ("Bãi tắm Vũng Tàu, nạn nhân chết đuối quá nhiều"), nhưng từ mấy năm trở lại đây, tình trạng này đã được khắc phục một cách triệt để.

Ông Phạm Khắc Tộ - giám đốc Ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu - cho biết hiện nay lực lượng cứu hộ của Vũng Tàu có 19 người và 3 y sĩ. Phương tiện cứu hộ cũng được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp với 2 canô, hơn 10 thuyền kayak, cờ, phao quây cảnh báo, loa, còi hụ, chân vịt, phao...

"Những năm gần đây bãi tắm Vũng Tàu đã không còn xảy ra chuyện người chết đuối mỗi khi vào mùa du lịch, lễ tết" - ông Tộ vui vẻ nói. Bãi Sau TP Vũng Tàu dài hơn 10km, đến nay tất cả những ao xoáy nguy hiểm đều đã được khảo sát và cắm cờ đen cảnh báo.

Chiều 12-8, tuy du khách ở Bãi Sau thưa vắng nhưng tất cả các nhân viên cứu hộ đều có mặt túc trực trên bãi tắm.

Anh Bùi Văn Giang - tổ trưởng tổ đài cấp cứu số 2 - và anh Lê Văn Tiền đeo phao, rảo bước dọc bãi tắm mình phụ trách. Thấy bất cứ ai bơi ra xa là hai anh thổi còi, vẫy tay ra dấu cho du khách vào gần bờ.

Anh Giang cho biết lực lượng cứu hộ bờ biển ở Vũng Tàu được đào tạo chuyên nghiệp, có đồng phục riêng, người nào cũng có kinh nghiệm từ 10 năm trở lên. Do đó, chỉ cần nhìn sóng, nhìn gió là nhận biết được vùng nguy hiểm mà cảnh báo cho du khách.

Chia sẻ thêm, anh Giang cho hay bình thường khi lực lượng cứu hộ cảnh báo, thuyết phục du khách đều nghe lời. Nhưng cũng có trường hợp du khách ỷ mình có sức khỏe, biết bơi nên không nghe.

"Lúc đó chúng tôi phải dùng biện pháp mạnh là lấy canô đi bao vòng ngoài, kè từng người ép vào bờ rồi bật loa có còi hụ liên tục" - anh Giang nói.

Ngoài việc có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, cắm cờ, biển hiệu cảnh báo vùng biển nguy hiểm, Ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu còn tổ chức quây phao, đánh dấu những vùng tắm biển an toàn. Nhờ đó, có những đoàn khách cả trăm học sinh hay khách cao cấp quốc tế đến tắm vẫn an toàn, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

"Chúng tôi thường xuyên tổ chức luyện tập, tập huấn tăng cường thể lực, chuyên môn, kỹ thuật sơ cấp cứu cho cả những nhân viên cứu hộ của các bãi tắm và các hồ bơi của khách sạn, khu resort" - ông Tộ cho biết.

Riêng đối với những bãi tắm do các doanh nghiệp lớn, có uy tín quản lý ở Bãi Sau Vũng Tàu, hiện nay đều tự trang bị lực lượng cứu hộ. Khu du lịch Biển Đông cho biết hiện có 9 nhân viên cứu hộ với 1 canô lớn và nhiều canô trượt nước.

"Hiện nay, đa phần du khách đều nghe và làm theo lời cảnh báo của nhân viên cứu hộ. Trường hợp nào không nghe, chúng tôi thuyết phục nhiều lần cho bằng được, thậm chí phải cưỡng ép. Làm mạnh vậy cũng là muốn bảo vệ an toàn cho họ" - lãnh đạo khu du lịch Biển Đông nói.

Bà Bùi Thị Thanh Bình (phó giám đốc Ban quản lý khu du lịch Đồi Dương - Tiến Thành):

Lực lượng cứu hộ mỏng

Khó khăn nhất là lực lượng cứu hộ mỏng. Cùng lúc có hàng trăm du khách xuống tắm thì chỉ biết đứng nhìn. Phương tiện cứu hộ cũng đơn sơ. Các nhân viên cứu hộ chủ yếu phải tự bơi ra cứu người nếu xảy ra sự việc.

Nhiều lúc lực lượng này cũng đuối sức, chìm theo.

Ông Nguyễn Văn Khoa (chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận):

Đành thua!

Các nơi kinh doanh du lịch đều có nội quy khi tắm biển, bố trí đội cứu hộ túc trực 24/24h. Khi du khách chấp hành nghiêm nội quy thì không sao, nhưng gặp trường hợp phản ứng cũng đành thua.

Phần lớn các nạn nhân chết đuối bởi ham tắm, không tuân thủ các nội quy.

Tìm thấy hai thi thể du khách còn lại trong vụ chết đuối ở Bình Thuận Tìm thấy hai thi thể du khách còn lại trong vụ chết đuối ở Bình Thuận

TTO - Tối 12-8, ông Phạm Văn Nam - bí thư Thị ủy La Gi, Bình Thuận - cho biết đã tìm thấy thi thể nạn nhân Mai Hữu Thoại (26 tuổi, quê Long An) và Hồ Duy Phương (27 tuổi, quê Quảng Nam) cùng làm tại Công ty SRITHAI Bình Dương, bị sóng biển cuốn trôi.

Đ.HÀ - Đ.TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên