05/09/2021 09:39 GMT+7

Thích ứng với COVID-19, chuyện từ nước Pháp

VIỆT LINH
VIỆT LINH

TTO - Tuần đầu mới sang, tôi ngạc nhiên thấy Paris quá... bình thường. Đêm đêm, trong tiết chớm thu, thanh niên vẫn nhảy múa, phim vẫn chiếu, người/xe vẫn dập dìu...

Thích ứng với COVID-19, chuyện từ nước Pháp - Ảnh 1.

Một lều xét nghiệm nhanh COVID-19 trên đại lộ Champs-Elysees gần Khải hoàn môn tại thủ đô Paris (Pháp) ngày 3-9 - Ảnh: REUTERS

Dịch chỉ còn hiển hiện ở hình ảnh những người mang khẩu trang trong siêu thị và chung cư, trong những hàng hiên tạm trước các nhà hàng... Tôi vừa nhận "pass" (chứng nhận thông hành y tế - PV) hôm nay, từ mai sẽ nhẹ nhàng sống chung với COVID-19!

Mục tiêu phủ vắc xin 90%

Để có được sự "bình thường" ấy, Paris đã trải qua những ngày u ám như trong nước hiện nay. Cũng ca nhiễm cao, phong tỏa, dừng các hoạt động không thiết yếu, bệnh viện quá tải, chỉ khác là lưu thông lương thực không bị đình đốn.

Nói thế không có nghĩa mọi thứ đơn giản. Từ đầu năm 2020 đến tháng 9 năm nay, số người tử vong vì COVID-19 ở Pháp lên đến 115.000. Quốc gia này đã qua ba đợt phong tỏa. 

Lần thứ nhất từ tháng 3 đến tháng 5-2020, người dân chỉ được ra đường khi cần thiết như làm việc (thiết yếu), mua thực phẩm/thuốc, khám bệnh, tập thể dục một giờ/ngày, chỉ được di chuyển trong bán kính 1km quanh nơi ở và phải mang theo khai báo lý do.

Phong tỏa lần hai từ tháng 10 đến tháng 12 sau đó dễ thở hơn. Trường học, công viên và hiệu sách được mở cửa nhưng có thêm lệnh giới nghiêm từ 20h - 6h.

Đợt phong tỏa thứ ba kéo dài từ tháng 4 đến tháng 5-2021. Tuy trường học đóng cửa và áp giới nghiêm từ 19h nhưng đã bỏ việc khai báo lý do di chuyển. Việc tập thể dục cá nhân cũng không còn bị giới hạn thời gian.

Trong giai đoạn từ mùa hè đến mùa thu năm nay, với sự xuất hiện của biến thể Delta, chính quyền không tái phong tỏa mà kết hợp hai biện pháp: tiêm chủng bắt buộc và áp dụng thông hành y tế.

Tiêm chủng bắt buộc áp dụng với các đối tượng tiếp xúc công chúng (nhân viên y tế, giáo dục), hạn cuối là ngày15-9, sau đó chế tài với người không tuân thủ. Điều trớ trêu khi lúc này vấn đề lại ở chính ngành y. Trong lúc bác sĩ, y tá đã chích ngừa thì nhiều điều dưỡng viên vẫn chưa tiêm!

Mục tiêu của chính phủ là phủ vắc xin đạt 90% dân số trưởng thành, từ đó có thể tháo gỡ hết các quy định phòng chống dịch.

Thông hành y tế ghi nhận thông tin ai đó hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, hay đã khỏi COVID-19. 

Hồi mới qua, chưa tiêm mũi hai nhưng vì thèm phở quá nên tôi đi... thọt mũi. Việc này rất đơn giản, trước mỗi hiệu thuốc đều có lều xét nghiệm miễn phí (do bảo hiểm chi trả), người dân tới lấy mẫu và chờ 15 phút, nhận mã QR ngắn hạn.

Những người dương tính với COVID-19 sẽ ở nhà tự cách ly, điều trị và gọi cấp cứu khi trở nặng. Do đó, các bệnh viện Pháp hiện không quá tải như trước dù nguy cơ vẫn rình rập.

Bài kiểm tra tâm, tài

Các nhà lãnh đạo thế giới thời dịch giã này quả thực rất dễ bị... bấn loạn. Song cũng từ đây người dân thấy được rõ hơn cái tâm với dân, cái tài với nước của họ. 

Việc chỉ đạo phòng chống dịch ở Pháp được giao cho Tổng thống Emmanuel Macron. Ông Macron toàn quyền ra quyết định trong khuôn khổ hẹp của Hội đồng Quốc phòng thay vì Hội đồng Chính phủ.

Người ta vẫn nhắc chuyện sau quyết định phong tỏa nước Pháp lần thứ nhất, ông Macron lặp lại 6 lần cụm từ "chúng ta đang trong chiến tranh" trong diễn văn ngày 16-3 và gọi COVID-19 là "kẻ thù vô hình".

Cùng với ngôn ngữ không mấy thích đáng này, ông đưa ra quyết sách "bất kể chi phí" khá táo bạo: "Chúng ta sẽ làm tất cả để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp, bất kể chi phí". Rằng "sức khỏe là vô giá" và "không giao phó nó cho quy luật thị trường". Kèm theo đó là một loạt biện pháp kinh tế - xã hội hữu hiệu.

Tình hình dịch bệnh ở Pháp hiện tương đối ổn định nhờ đạt tỉ lệ tiêm chủng thuộc loại cao nhất. Tới đầu tháng 9, tỉ lệ này đã đạt 80% dân số trưởng thành. Lý do ổn định, theo tôi, là mật độ dân thấp và ý thức người dân cao. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa thể quả quyết về những gì sắp tới.

Thành quả hiện tại đạt được sau khi đã vượt qua những vấp váp, bối rối trong các đợt phong tỏa trước. Đầu tiên phải nói đến sự thiếu hụt khẩu trang trầm trọng ở giai đoạn đầu dịch, thiếu giường cho bệnh nhân nặng, thiếu các bộ test kit và vắc xin khiến Pháp tổ chức xét nghiệm/tiêm chủng chậm.

Đại dịch khiến nhân loại biết khiêm nhường

Để tạm có sự yên ổn hôm nay, nước Pháp đã trải qua khủng hoảng, nhưng những bài học/khái niệm tấm gương chỉ tương đối. Mỗi xứ sở có đặc điểm riêng và virus thì vô hình, vậy nên chỉ ý thức của người dân và sự cầu thị của chính quyền là cấp thiết như nhau.

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các nhà khoa học vào ngày 1-9 - "Mục tiêu của cả nước là không để dịch lây lan, có giải pháp thích nghi với dịch bệnh, giảm tỉ lệ tử vong bằng vắc xin và thuốc" - cho thấy quan niệm về dịch bệnh của chúng ta đang tiệm cận thế giới.

Dù vui mừng có "pass" thong dong, nhưng mỗi đêm, mỗi sáng tôi vẫn chờ mong niềm hy vọng mới ở quê nhà...

Pháp đặt mục tiêu tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho 18 triệu người đầu năm 2022 Pháp đặt mục tiêu tiêm mũi vắc xin thứ 3 cho 18 triệu người đầu năm 2022

TTO - Phát biểu ngày 31-8, một quan chức y tế Pháp cho biết Pháp đặt mục tiêu tiêm vắc xin COVID-19 mũi thứ 3 cho khoảng 18 triệu người vào đầu năm 2022.

VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Pháp Paris COVID