25/08/2020 09:56 GMT+7

Thích nghi qua mùa dịch

LÊ THẠCH
LÊ THẠCH

TTO - Không than vãn khi bị giảm lương, không "ngồi chờ" hỗ trợ, mua bán khó khăn không chèo kéo khách hàng... Mỗi người tự tìm cách sống thích nghi giữa những khó khăn mùa dịch.

Thích nghi qua mùa dịch - Ảnh 1.

Chợ xóm nghèo vắng khách mua chiều 23-8 - Ảnh: LÊ THẠCH

Những chuyện ghi lại ở chợ xóm nghèo, Dĩ An, Bình Dương.

Mùa này bán chậm

Hơn tuần nay xe trái cây của chị Tốt hơi lạ. Trước đây, mỗi ngày chị bán một loại trái cây, nhưng liên tục mấy ngày liền chỉ bán ổi. Hỏi thăm, chị nói giờ bán buôn khó quá, sợ bán không hết trái cây sẽ bị hư thối, bán ổi còn để qua ngày được. Quay nhìn một dọc các xe bán trái cây lân cận hầu như tâm lý giống nhau, chỉ bán những loại như dưa hấu, bưởi, cóc, táo...

Cùng kể chuyện buôn bán khó khăn, anh Đen bán bưởi cạnh bên góp chuyện: "Anh nhìn đó, ngày trước giờ này chợ kẹt xe, còn bây giờ vắng hoe, xe có bao nhiêu chiếc đâu". Đúng như anh Đen nói, đã gần 17h mà chợ vẫn không bị kẹt xe như mọi hôm, dù đó là giờ tan ca.

Cạnh bên, một cô bé chừng 10 tuổi trải tấm bạt rồi bày rau ra cất tiếng rao mời khách. Cô bé nhanh nhẹn đưa tôi 3 mớ rau giá 10.000 đồng rồi bảo: "Dịch bệnh, sẵn dịp nghỉ hè, cháu mang rau ra đây bán phụ mẹ, ở trong sạp bán chậm hơn".

Cô bán bánh xèo giờ cũng thay đổi. Một mình cô vừa chiên bánh, vừa nghe điện thoại vừa tranh thủ giao bánh tận nhà khách mua. Chồng chị Tốt có nghề bán rau cũng đã không còn ngồi yên ở sạp, anh chủ động chạy xe vào buổi sáng sớm đến nhà những khách hàng quen để bán. Cô Sáu là người mua mối quen của anh cho biết mấy ngày này hạn chế ra chợ, anh ấy chịu khó chở rau tới tận nhà, mấy cô trong xóm mua luôn.

Còn nhiều người khó khăn hơn mình

Chị Thương đang làm công nhân ở Bình Dương, công ty vẫn hoạt động bình thường, chưa phải nghỉ việc hoặc giãn việc nhưng từ khi có dịch chị làm thêm nghề tay trái. Từ đợt dịch tháng 3, chị Thương đã nhờ người quen ở Vũng Tàu mua hải sản gửi lên bán. "Tối làm công ty, ban ngày tranh thủ mang cá đi vòng xóm bán thêm kiếm thu nhập" - chị nói.

Nhiều công nhân trong tâm thế sẵn sàng sống chung với khó khăn. Mỗi người chọn cho mình một công việc làm thêm phù hợp. Có người bán trái bơ, có người thì nhập tôm, ghẹ từ Cà Mau lên bán... để kiếm thêm thu nhập phòng khi thắt ngặt. 

Mấy bữa nay chị Thu nhập bưởi từ Bến Tre lên rồi bày bán vào buổi tối. Chị nói thiệt tình: "Thời buổi khó khăn, chẳng dám trông chờ gì vào việc ai hỗ trợ, mình còn làm được thì mình làm chứ đợi ai. Có người còn khó khăn hơn mình, nhường phần cho họ".

Anh Thành làm nghề môi giới bất động sản cũng kiếm nghề mưu sinh tay trái giờ đã quyết định thuê một chỗ ở đường số 11, Linh Xuân, Thủ Đức để vợ bán rau thêm, với hi vọng rau quả là nhu cầu thiết yếu, dịch bệnh chuyển biến xấu đi nữa cũng có thể buôn bán được.

Dịch giã có thể còn ở xa, nhưng khó khăn đang ở rất gần với từng người lao động nghèo, buôn bán nhỏ. Đã qua một đợt dịch, đợt này bà con chủ động phòng bị cho "túi tiền" của mình. Cái khó ló việc mới.

Buổi họp chợ chiều ngày 23-8, một vài người bán hàng rong đã bị xử phạt hành chính vì bày hàng lấn chiếm đường. Chị Tốt không bỏ chạy vì chiếc xe bán ổi của chị và ba bạn hàng khác đã bị tịch thu hai ngày trước.

Túm vội mấy bó rau thảy vào lề, chị Tốt than thở: "Xe tôi bị giữ và yêu cầu phạt 2,5 triệu nhưng chưa đi nộp được. Từ ngày dịch bệnh tới giờ mua bán chỉ đủ ăn, không được như trước kia. Thậm chí, có hôm mua một lần bán hai ngày còn chưa hết. Biết bày bán ngoài đường vầy là sai nhưng chưa thể thay đổi phương kế, mùa này càng khó khăn hơn".

Một chị khác kể chuyện không đủ tiền nộp phạt, đành bỏ xe luôn.

Chia sẻ với người khó khăn hơn Chia sẻ với người khó khăn hơn

TTO - Giữa lúc dịch bệnh khó khăn, các bạn sinh viên đã kêu gọi quyên góp 100 thùng mì gói gửi trao cho những lao động thất nghiệp.

LÊ THẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên