08/04/2020 19:17 GMT+7

Thị trường khẩu trang, bảo hộ nóng rực, cò nhảy vào 'đông như quân Nguyên'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Thị trường thiết bị y tế ở châu Âu đang rơi vào cảnh bát nháo. Mọi nguyên tắc kinh doanh đều bị đảo lộn. Cò môi giới hoành hành đến mức Ủy ban châu Âu phải ta thán.

Thị trường khẩu trang, bảo hộ nóng rực, cò nhảy vào đông như quân Nguyên - Ảnh 1.

Hàng trăm tay cò đủ quốc tịch xách vali đầy đôla đến các nhà máy Trung Quốc mua khẩu trang - Ảnh: AFP

Nhu cầu thiết bị y tế bùng nổ trong đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đã nới lỏng các quy định về mua sắm vật tư thiết yếu, thiết bị y tế và dược phẩm.

Đơn đặt hàng mua sắm công không cần đấu thầu trước. Do đó, nguy cơ thiên vị, tham nhũng, kê khống và lừa đảo rất cao.

Chi bạo tiền mặt sẽ có khẩu trang

Kênh truyền hình France Info (Pháp) dẫn lời một quan chức (không nêu tên) ở Ủy ban châu Âu nhận xét về thiết bị y tế, hiện thời là "thị trường vô chính phủ, luật của kẻ mạnh nhất, giàu nhất và thường có tâm địa hiểm ác nhất, thậm chí mang tính chất tội phạm hơn hết".

Nguyên nhân do bọn trung gian đầu cơ. Những tay môi giới này "đông như quân Nguyên", lùng sục tích trữ hàng rồi tung ra bán với giá cao ngất ngưởng.

Khẩu trang là mặt hàng bị ảnh hưởng đầu tiên. Các quan chức phụ trách mua sắm công của EU ghi nhận thị trường mua sắm khẩu trang như "miền Viễn Tây hoang dã".

Hàng trăm tay cò đủ quốc tịch xách vali đầy đôla đổ xô đến các nhà máy Trung Quốc mua mặt hàng đang "hot" này.

Không phải quốc gia cần khẩu trang nhất mà quốc gia nào chi bạo nhất sẽ có hàng.

GS kinh tế Gian Luigi Albano - nguyên giám đốc Công ty Consip (công ty mua sắm công thuộc Bộ Kinh tế và tài chính Ý) ghi nhận: "Bạn đang cạnh tranh với những người trả tiền mặt mà thậm chí không cần kiểm hàng, như vậy chắc chắn bạn phải thua!".

Thị trường khẩu trang, bảo hộ nóng rực, cò nhảy vào đông như quân Nguyên - Ảnh 2.

Các doanh nhân bảo đảm có khẩu trang, máy thở ngày nào cũng liên lạc với các bệnh viện - Ảnh: EPA

12,5% huê hồng và trả đủ 100%

Từ đầu đại dịch, các doanh nhân bảo đảm có khẩu trang hoặc máy thở ngày nào cũng liên lạc với các bệnh viện và các địa phương.   

Ông Hugues Lefranc - giám đốc phụ trách mua sắm của nhóm bệnh viện khu vực Hainaut- Cambrésis (Pháp) - cho biết: "Cứ gần một tiếng chúng tôi lại nhận được một lời chào hàng đến từ khắp nơi, kể cả những nơi khá lạ như ở Pakistan, Ấn Độ".

Ông Jean Rottner - chủ tịch vùng Grand-Est (đông bắc nước Pháp) - cho biết có người giới thiệu  kho hàng khẩu trang, hóa ra anh này là dân buôn xe hơi.

Trong các tay buôn mới trên thị trường thiết bị y tế Pháp, kênh France Info xác minh có mấy tên tuổi xa lạ như một thương nhân Pháp chuyên mua bán đá quý, hai người quản lý quỹ đầu tư Hà Lan và một doanh nhân Đức chuyên mua bán linh kiện điện tử.

Điểm chung của họ là khoe có mạng lưới ở Trung Quốc và làm không phải vì tiền, tuy nhiên họ đưa ra cái giá rất chát: 2 USD cho một khẩu trang y tế vốn có giá rẻ hơn 20 lần vài tuần trước, không bao gồm phí vận chuyển và tiền chi huê hồng.

Một tay trung gian từ vùng Rhône-Alpes (Pháp) chào giá khẩu trang FFP2 (đắt hơn khẩu trang y tế) từ 2,3-2,4 euro với đơn hàng tối thiểu 150.000 khẩu trang.

Giá này cao gấp 10 lần so với hồi đầu dịch, chưa kể tay này còn kê thêm huê hồng 12,5%, mức huê hồng cao hơn bình thường.

Ngoài ra, nhà cung cấp Trung Quốc còn yêu cầu thanh toán đủ 100% trong khi quy định về mua sắm công trong bệnh viện chỉ cho phép thanh toán tối đa 30% vào thời điểm đặt hàng.

Thị trường khẩu trang, bảo hộ nóng rực, cò nhảy vào đông như quân Nguyên - Ảnh 3.

Do thiếu thốn, các cơ sở y tế ở châu Âu không còn để ý nhiều đến chất lượng thiết bị y tế nữa - Ảnh: AFP

Các đơn vị nhà nước giành giật hàng  

Luật gia Pháp Laurence Folliot-Lalliot nhận định trên thị trường thiết bị y tế hiện tại, lôgic mua sắm công đã bị đảo lộn, người bán cầm cán để định giá còn người mua cạnh tranh nhau.

Thống đốc bang New York mới đây đã từng mô tả mua sắm công hiện nay là cuộc chiến đấu giá trên mạng giữa các đơn vị nhà nước.

Tại Hà Lan, nhiều cơ sở y tế công lao vào chiến đấu không khoan nhượng để giành một container khẩu trang bị chặn ở Rotterdam. Cuối cùng một đơn vị tăng giá mua gấp 3 lần đã thắng.

Trong vụ khẩu trang ở Rotterdam, các đơn vị nhà nước của cùng một quốc gia cũng choảng nhau chí chóe.

GS Gian Luigi Albano ghi nhận: "Mặt bằng mua sắm công quốc gia đặt hàng khẩu trang FFP2 với giá 4,95 euro mỗi cái. Tuy nhiên, có địa phương ở Ý muốn dự trữ nên mua khẩu trang với giá đắt gấp đôi. Thủ tục đấu thầu được công bố cùng lúc ở Lombardy, Piemonte và nhiều thành phố khác. Chính điều này đã đẩy giá tăng lên. Chúng ta đã mất ý thức chung!".

Hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra ở Bỉ. Nhà nước cạnh tranh gay gắt với các bệnh viện công về thiết bị bảo hộ.

Máy thở không cắm điện được

Ngoài khẩu trang, các thiết bị bảo hộ khác trong bệnh viện như áo blouse, kính bảo vệ mắt, giày trùm chân cũng thiếu.

Giám đốc Hugues Lefranc kể về chuyện đi kiếm áo choàng bảo vệ nhân viên y tế: "Toàn bộ mạng lưới y tế châu Âu đều trống kho, vì vậy chúng tôi phải kiếm trong ngành chế biến nông sản thực phẩm, bác sĩ thú y và thậm chí giới xăm hình".

Hai tháng trước giá áo choàng khoảng 30 xu một cái. Nay giá tăng lên 3 euro và thậm chí đến 6 euro.

Các cơ sở y tế nhà nước thừa nhận không còn để ý nhiều đến chất lượng thiết bị y tế. Ủy ban châu Âu cũng lùi bước, cho phép một số mặt hàng thiết bị y tế không có nhãn chất lượng CE cũng được nhập khẩu.

Bởi thế GS Gian Luigi Albano ghi nhận các bệnh viện ở Ý muốn sử dụng máy thở "made in China" nhưng không thể cắm điện được vì phích cắm không tương thích.

Thị trường chung EU có còn giá trị?

thiết bị y tế ảnh box

Thành phố Lyon (Pháp) tiếp nhận đơn hàng khẩu trang từ Trung Quốc - Ảnh: MAXPPP

Nhiều cơ quan EU đã nói đến tình trạng hỗn loạn, các đơn hàng phân tán và chính sách "mỗi người vì mình", thừa nước đục thả câu.

Các nước hùng mạnh nhất châu Âu như Đức và Pháp đã bắt tay với Trung Quốc mà không quan tâm đến nhu cầu thiết bị y tế của các nước láng giềng.

Đức đóng cửa biên giới, trên thực tế là ngăn không cho khẩu trang chạy sang Ý. Đức phải biện bạch Đức cũng là nạn nhân của thị trường khẩu trang hỗn tạp.

Đức đặt mua khẩu trang từ Trung Quốc nhưng trong 90% trường hợp, giấy phép của nhà cung cấp là giả. Đức cũng không biết ngày giao hàng, chất lượng khẩu trang và điều kiện vệ sinh của nhà máy sản xuất.

GS Gian Luigi Albano bộc bạch: "Đó là những gì người ta đang làm: ném thị trường chung châu Âu vào sọt rác. Sau khủng hoảng này, các quy tắc luật pháp quốc tế và thương mại mà chúng ta gầy dựng trong 50 năm nay còn lại được gì? Với tư cách là một công dân châu Âu, tôi rất buồn".

Tại sao ông Trump nổi đóa với WHO đến mức đòi cắt tiền? Tại sao ông Trump nổi đóa với WHO đến mức đòi cắt tiền?

TTO - Việc ông Trump chỉ trích WHO vì tổ chức này ban đầu đánh giá dịch bệnh không nghiêm trọng. Ngoài ra, thông qua phản đối WHO, tổng thống Mỹ được cho là muốn xoa dịu những chỉ trích ngày càng gay gắt trong nước.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên