27/11/2020 09:29 GMT+7

Thi nấu phở để kinh doanh phở thành công hơn

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Vòng sơ khảo "Đi tìm người nấu phở ngon" khu vực phía Nam năm 2020 diễn ra hôm qua (26-11) tại TP.HCM đã tìm ra 10 người nấu phở xuất sắc nhất để có mặt tại vòng chung kết Ngày của phở 12-12 diễn ra ở Hà Nội.

Thi nấu phở để kinh doanh phở thành công hơn - Ảnh 1.

Ban giám khảo xem thí sinh Khánh Thy nấu phở - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dù là người nấu phở "đầu bếp gia đình" hay là chủ quán phở chuyên nghiệp, những thí sinh tham gia cuộc thi năm nay đều bày tỏ mong muốn các kinh nghiệm, lời khuyên có được hôm nay sẽ giúp họ kinh doanh quán phở thành công hơn trong tương lai.

Sẽ có nhiều quán phở mới sau cuộc thi

Năm nay điểm mới của cuộc thi là ban tổ chức chia hẳn hai bảng A và B tương ứng với người nấu chuyên nghiệp là chủ quán phở, đầu bếp nhà hàng và những bà nội trợ yêu thích món phở.

Điều ngạc nhiên là trong phần thi bảng B dành cho những người yêu phở, các thí sinh đều bày tỏ kế hoạch sau cuộc thi của họ sẽ là... kinh doanh phở. Thí sinh Nguyễn Thị Trúc Linh chia sẻ một kế hoạch khiến ban giám khảo bất ngờ là sẽ mở quán phở ở Mỹ trong năm sau.

"Tôi có dịp ăn tại 15 quán phở khác nhau ở Mỹ nhưng chưa quán nào cho tôi cảm giác tinh tế của phở Việt. Điều này nung nấu trong tôi tìm ra một nước phở thật Việt Nam, để người Việt ở đâu ăn vào cũng nhớ về quê hương" - chị Linh nói. 

Do đó, để có nồi nước dùng ưng ý mang đến cuộc thi, chị đã đặt mua sá sùng tận Quảng Ninh, hay rau quế Hà Nội được chị cất công lùng mua từ nhiều ngày trước, ngay cả tô trình bày cũng được chị đem từ nhà lên.

Thí sinh Lê Thị Lanh cho biết chị đang bán hàng online và tham gia cuộc thi để có thêm kinh nghiệm mở quán phở sau này. Hay như thí sinh Nguyễn Huy Thịnh cho biết đã chọn tên quán là Phở Quảng và kế hoạch kinh doanh này sẽ được ra mắt trong thời gian tới.

Không chỉ người đang muốn kinh doanh phở mà những ông chủ, bà chủ quán phở hiện hữu cũng có những kỳ vọng riêng ở cuộc thi. 

Anh Nguyễn Tiến Đức, quán Phở Nhà, cho biết hiện đang có ba quán phở ở TP.HCM, dù khách đông, việc kinh doanh thuận lợi song anh thấy rằng nếu có cơ hội tiếp xúc thêm những người nấu phở khác, được gặp những chuyên gia ẩm thực hàng đầu Việt Nam và đánh giá phở của anh thì đó là kinh nghiệm tuyệt vời. 

"Ban giám khảo nhận xét phở hơi ngọt, tôi nghĩ cũng đúng vì trước giờ mình khá lấn cấn về điều này, đó là làm sao cân đối được vị phở để kinh doanh, phục vụ cho số đông" - anh Đức chia sẻ.

Tương tự, chị Khánh Thy, chủ quán phở Thy có tiếng ở Thủ Đức, TP.HCM song vẫn quyết định đem hương vị phở của mình đi tham gia cuộc thi. "Phở ngon phải bắt đầu từ nguyên liệu vệ sinh, an toàn. Như thịt bò, tôi chỉ dùng loại bò cỏ, toàn bộ xương đều được nướng, làm sạch rồi mới đem ninh" - chị Thy chia sẻ.

Cũng đang làm chủ tiệm phở Nhớ ở Biên Hòa, Đồng Nai, chị Trần Thị Hằng cho biết quyết định tham gia cuộc thi để trau dồi thêm kinh nghiệm, giao lưu cùng những vị phở khác. Quán phở của chị Hằng chỉ bán trong buổi sáng với vài trăm bát, được ưa thích bởi nước dùng ngọt, thanh có mùi thơm nhờ xử lý kỹ nguyên liệu ngay từ đầu. 

"Từ xương bò đến quế, thảo quả… đều được nướng trước khi chế biến nên rất dậy mùi, một yếu tố khác là luôn vệ sinh trong gian bếp, đảm bảo an toàn thực phẩm" - chị Hằng chia sẻ.

Không dễ để nấu được tô phở ngon dù món phở rất phổ biến. Phở trước tiên phải có "vị phở", đó là vị có được từ sự cân đối giữa các gia vị quế, hồi, đinh hương, thảo quả... mà chỉ một vị trội lên là nước dùng ấy không thể hoàn hảo.

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết

Định chuẩn lại phở ngon

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết cho hay bà rất mừng vì các thí sinh tham gia cuộc thi nấu phở đều rất trẻ. Đó là thế hệ sẽ nối nghiệp, quảng bá những giá trị ẩm thực Việt, trong đó có món phở mà những người thuộc thế hệ trước như bà đã và đang nỗ lực.

Với ban giám khảo, phở ngon còn là tô phở mang những thăng trầm và vốn sống của người nấu. Đó là thí sinh Đỗ Biên, người đang làm việc tại một cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật ở TP.HCM, mỗi tuần anh nấu phở khoảng 2 lần: dịp cuối tuần cho gia đình nhỏ và một ngày trong tuần cho các em nhỏ ở trường. Và thích nhất là ai cũng khen ngon. 

Hay chị Khánh Thủy, người mẹ được các con ủng hộ hết mình trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, tâm sự: "Tôi nấu phở cũng là sự bù đắp cho các con vì một thời mình mải mê đi làm, chưa kịp nấu cho con những bữa ăn ngon".

Theo giám khảo Lê Tân - tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, kỹ thuật nấu phở của các thí sinh năm nay được đánh giá khá cao. Ban tổ chức dành nhiều thời gian để xem thí sinh trình bày kỹ thuật cắt thịt, trụng thịt tái hay chuẩn bị một tô phở ngon.

Điều thú vị của cuộc thi năm nay là tinh thần học hỏi, sự chủ động kết nối, giao lưu của các thí sinh. Thí sinh Tống Phúc Thế đến gần như hết các bàn của thí sinh khác để xin thử nước dùng và hỏi thêm kinh nghiệm, bí quyết ninh xương hay tỉ lệ các nguyên liệu... 

Đó cũng là mong muốn lớn nhất của những người tổ chức khi những người đang kinh doanh phở hay người yêu thích phở cùng xây dựng một cộng đồng, chia sẻ các giá trị về phở, giúp món ăn "quốc hồn, quốc túy" của Việt Nam lan tỏa đi xa hơn, đúng chuẩn hơn.

Ông Kaneda Hiroki - giám đốc marketing Công ty Acecook Việt Nam, thành viên ban giám khảo cuộc thi - thừa nhận để chấm được vị phở ngon cũng là một thách thức với ban giám khảo nước ngoài như ông. Phở miền Nam và miền Bắc rất khác nhau và ông đã dựa trên khẩu vị đặc trưng của mỗi miền để có thể chấm một cách công tâm nhất. 

"Vòng sơ khảo phía Nam năm nay đã thu hút rất nhiều thí sinh có tay nghề, kỹ thuật nấu phở rất tốt. Đó là tín hiệu vui vì cuộc thi đã thu hút được những người nấu phở giỏi tham gia, nhưng điều này cũng khiến ban giám khảo thực sự gặp khó khăn khi bắt buộc phải loại ai đó" - ông Kaneda Hiroki chia sẻ.

10 thí sinh phía Nam vào vòng chung kết "Đi tìm người nấu phở ngon 2020"

21

10 thí sinh phía Nam vào vòng chung kết “Đi tìm người nấu phở ngon 2020” - Ảnh: DUYÊN PHAN

● Bảng A (dành cho những người nấu phở chuyên nghiệp):

1. Nguyễn Tiến Đức.

2. Trần Minh Nhật.

3. Nguyễn Ngọc Khánh Thy.

4. Lê Đức Huy.

5. Hoàng Đình Đoàn.

● Bảng B (dành cho những người yêu phở):

1. Đỗ Biên.

2. Nguyễn Thị Trúc Linh.

3. Phạm Hồng Tân.

4. Nguyễn Tiến Tình.

5. Nguyễn Thị Khánh Thủy.

Phở ngon giống như Phở ngon giống như 'quý ông chọn chiếc áo veston hợp dáng người'

TTO - Có bao nhiêu nguyên liệu để nấu một nồi nước dùng phở? Hồi, thảo quả, quế, đinh hương, sá sùng... thậm chí còn có củ sâm và không thể thiếu xương ống. Cũng từng ấy nguyên liệu lại cho ra nhiều vị phở khác nhau, tạo những gu phở rất riêng.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: phở ngày của phở