15/12/2023 09:51 GMT+7

Thi ảnh quốc tế có phải xin phép?

Thông tin nghị định 89 mới ban hành ngày 12-12 quy định tổ chức, cá nhân muốn mang tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan hoặc triển lãm phải xin phép khiến nhiều nghệ sĩ băn khoăn.

Tác phẩm Thưởng thức của Việt Văn - giải nhất Pink Lady Food Photographer of the year - Mỹ

Tác phẩm Thưởng thức của Việt Văn - giải nhất Pink Lady Food Photographer of the year - Mỹ

Nghị định 89, phần sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 72 năm 2016 về hoạt động nhiếp ảnh đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các nhà nhiếp ảnh với nhiều băn khoăn, nghi ngại.

Xin phép ra sao?

Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh đang băn khoăn, thậm chí hoang mang với thông tin mang tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan phải xin cấp phép theo nghị định mới vừa có hiệu lực.

Chưa kể sự phiền toái, khó khăn cho nghệ sĩ khi mang hình ảnh, câu chuyện, vẻ đẹp của Việt Nam ra thế giới, nó còn vẻ như không khả thi về mặt quản lý nhà nước. Bởi hiện nay người chụp ảnh quá đông và có cả ngàn cuộc thi nhiếp ảnh mỗi năm trên thế giới.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cho biết những năm gần đây Internet giúp giao lưu quốc tế rất rộng trong nhiếp ảnh.

Có hàng ngàn cuộc thi ảnh trên thế giới mời gọi các nghệ sĩ nhiếp ảnh dự thi. Mỗi ngày bà Đông nhận hàng chục email mời tham gia thi ảnh. 

Nhiều trong số đó là thi online, nghệ sĩ chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể gửi ảnh dự thi.

Trường hợp "vua giải thưởng triển lãm ảnh thế giới" Vũ Hải là ví dụ "sinh động" về việc có rất nhiều cuộc thi ảnh quốc tế rộng cửa chào đón nhiều nghệ sĩ tham gia.

Trong 18 tháng (từ tháng 9-2021 đến tháng 3-2023), ông Vũ Hải tham dự 368 cuộc thi ảnh ở hơn 70 quốc gia thuộc năm châu lục.

Ông có 6.354 tác phẩm được triển lãm, đoạt 1.128 giải thưởng. Với thành tích này ông được trao kỷ lục quốc gia "Người được nhiều giải thưởng triển lãm ảnh thế giới nhất" của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam hồi tháng 4.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Việt Văn cho rằng nếu có quy định cá nhân mang tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam dự thi quốc tế phải xin cấp phép sẽ không chỉ rất khó cho nghệ sĩ mà còn bất khả thi với cơ quan quản lý vì không thể giám sát việc thực thi được.

Tuy nhiên, ông Văn nói rất may mắn, nghị định mới không quy định cá nhân đi thi ảnh quốc tế phải xin cấp phép như nhiều nghệ sĩ đang hiểu mà chỉ có tổ chức, đoàn thể trung ương đại diện cho quốc gia Việt Nam mới phải nộp giấy thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên gia đình- Ảnh: VŨ HẢI

Bên gia đình- Ảnh: VŨ HẢI

Cá nhân chỉ phải xin cấp phép khi triển lãm ở nước ngoài

Theo nghị định 89 vừa có hiệu lực, chỉ tổ chức như bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan với danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam mới phải nộp trực tiếp hồ sơ hoặc qua bưu chính hoặc qua online một văn bản thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Không có quy định cá nhân khi dự thi hay tham gia liên hoan ảnh quốc tế phải nộp văn bản thông báo hay phải làm hồ sơ xin cấp phép.

Chỉ có quy định tổ chức, cá nhân đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm cần nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hình thức trực tiếp, qua bưu điện hoặc online.

Về quy định này, ông Văn đồng tình và cho rằng cần thiết bởi nó phù hợp với quy định hiện nay về việc tổ chức triển lãm ảnh trong nước.

Cần lưu ý các quy định về thủ tục với tổ chức đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, dự liên hoan với danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam, hay với cá nhân mang ảnh ra nước ngoài triển lãm trong nghị định 89 kể trên không mới.

Đây đều được quy định trong nghị định năm 2016. Nghị định mới chỉ bổ sung thêm hình thức có thể gửi hồ sơ cấp phép hay văn bản thông báo online.

Bình luận về nghị định mới, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nói các quy định đã được xây dựng theo hướng tiến bộ, không "tiền kiểm" với các nghệ sĩ mang ảnh từ Việt Nam ra thế giới dự thi.

Điều này vừa tạo điều kiện cho các nhà quản lý dễ thực hiện nhiệm vụ vừa phù hợp với bối cảnh xã hội và xu hướng quản lý ngày nay.

"Hậu kiểm sẽ giúp chúng ta có thêm điều kiện để quản lý theo cách "lạt mềm buộc chặt".

Hậu kiểm không có nghĩa là không có kiểm tra, kiểm soát mà chỉ là cách chúng ta đưa ra các quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng để từ đó những người thực hành nghệ thuật, các nghệ sĩ biết mình có thể làm gì/không được làm gì, tự do sáng tạo, trưng bày tác phẩm của mình trong khuôn khổ nhất định", ông Sơn nói.

Việt Nam giành 3 giải ảnh ở cuộc thi flycam quốc tế SkyPixelViệt Nam giành 3 giải ảnh ở cuộc thi flycam quốc tế SkyPixel

TTO - Ở các hạng mục giải thưởng dành cho ảnh vui tươi và ảnh thể thao, nhiếp ảnh Việt Nam đã xuất sắc cán đích ở vị trí nhất, nhì.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên