26/03/2024 18:01 GMT+7

Thép Trung Quốc tràn sang Việt Nam, doanh nghiệp nói cần bảo vệ sản xuất trong nước

Trung Quốc gia tăng xuất khẩu thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất nói cần bảo vệ ngành sản xuất trong nước, yêu cầu điều tra chống bán phá giá.

Nhà đầu tư tìm hiểu các quy trình sản xuất thép chất lượng cao của Hòa Phát - Ảnh: CÔNG TRUNG

Nhà đầu tư tìm hiểu các quy trình sản xuất thép chất lượng cao của Hòa Phát - Ảnh: CÔNG TRUNG

Cạnh tranh khốc liệt với thép Trung Quốc

Tại buổi gặp gỡ đại diện các nhà đầu tư ngày 26-3, ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát đã có những ý kiến về tình trạng thép Trung Quốc tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Thắng - tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát - cho biết Trung Quốc sản xuất chiếm 60% sản lượng thép của thế giới.

Những năm trước, kinh tế phát triển, lượng thép sản xuất của Trung Quốc có khối lượng lớn hấp thụ trong nước, xuất khẩu với tỉ lệ ít hơn. Tuy nhiên, ba năm trở lại đây, tình hình kinh tế chùng xuống, bất động sản trì trệ nên lượng thép sản xuất dư thừa quá lớn, buộc đẩy mạnh xuất khẩu.

Hòa Phát có lo ngại cạnh tranh khi áp lực thép Trung Quốc đang xuất khẩu rất lớn? - đại diện một quỹ đầu tư đặt câu hỏi.

Ông Thắng cho biết Hòa Phát vẫn đủ tự tin cạnh tranh được với thép Trung Quốc khi xét về cơ cấu nguyên liệu, giá bán... Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng nhiều công ty thép Trung Quốc bán dưới giá thành, bán lỗ để đẩy mạnh lượng tiêu thụ.

Dự báo năm 2024 đến 2026, khó khăn vẫn chưa ngưng, nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc ngấp nghé phá sản dẫn đến xu hướng xuất khẩu thép tiếp tục nóng. "Chúng tôi vẫn cạnh tranh được nhưng có ảnh hưởng đến biên lợi nhuận" - ông Thắng nói.

Gần một tuần Công ty Formosa và Hòa Phát nộp đơn đến Bộ Công Thương yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Quy trình điều tra chống bán phá giá mất khoảng 12 -18 tháng kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra. Doanh nghiệp cung cấp đầy đủ tất cả thông tin phạm vi sản phẩm điều tra, số liệu nhập khẩu và tình hình sản xuất, bán hàng nội địa.

"Chúng tôi thấy có dấu hiệu bán phá giá nên kiến nghị lên cơ quan nhà nước, mong có sự đánh giá công bằng và chính đáng, làm sao để ngành sản xuất trong nước phát triển.

Việc áp thuế hay không phải dựa trên số liệu và các cơ quan nhà nước sẽ đánh giá và quyết định" - lãnh đạo Hòa Phát nêu ý kiến.

Thép Trung Quốc tràn sang Việt Nam, doanh nghiệp nói cần bảo vệ sản xuất trong nước - Ảnh: CÔNG TRUNG

Thép Trung Quốc tràn sang Việt Nam, doanh nghiệp nói cần bảo vệ sản xuất trong nước - Ảnh: CÔNG TRUNG

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thép, xu hướng nhập khẩu thép đang tăng trở lại trong hai tháng đầu năm 2024, đặc biệt là thép từ Trung Quốc đang đe dọa sản xuất trong nước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm, lượng sắt thép nhập khẩu đã lên tới 2,6 triệu tấn, gấp gần 2 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc là 1,8 triệu tấn, gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.

Riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), Việt Nam đã nhập 1,8 triệu tấn với trị giá trên 1 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 72% tổng sản lượng, tương ứng 1,4 triệu tấn.

Giá bán thép nguồn gốc Trung Quốc giảm mạnh. Thép cuộn cán nóng của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1-2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4-2023. Điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu bán phá giá, ảnh hưởng sản xuất trong nước.

Tự chủ nguồn nguyên liệu, tăng xuất khẩu thép

Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết sẽ tập trung hoàn thành giai đoạn 1 của Hòa Phát Dung Quất 2 trong năm 2024 và hoàn thành giai đoạn 2 trong năm 2025, nâng doanh thu thêm 80.000 - 100.000 tỉ đồng/năm.

Dự kiến khi hoàn thành vào quý 1-2025, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC, góp phần giúp ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam tự chủ được nguồn nguyên liệu ngay tại thị trường trong nước.

Ông lớn ngành thép tại Việt Nam cho biết sẽ duy trì ổn định sản lượng thép xây dựng và đẩy mạnh sản xuất thép nguội cán nóng. Thị trường EU, Mexico và châu Á đang là thị trường xuất khẩu lớn, tiếp đến là khu vực Trung Đông, Nam Phi.

"Chúng tôi tự tin bán hết lượng hàng của Dung Quất 2 ra trong năm 2025", ông Thắng nói.

Loại thép từ công nghiệp ô tô tới quốc phòng đều cần, vẫn chờ tự chủLoại thép từ công nghiệp ô tô tới quốc phòng đều cần, vẫn chờ tự chủ

Thép cuộn cán nóng chất lượng cao (HRC) đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu. Nếu tự chủ được, các ngành như đóng tàu, cơ khí chính xác, sản xuất ô tô, container... sẽ bớt phụ thuộc chuỗi cung ứng HRC ngoại.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên