18/08/2009 07:00 GMT+7

Theo chân những nhà khảo cổ - Kỳ 4: Chuyên gia đào mộ cổ

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Hơn 50 năm gắn với nghiệp khảo cổ, giờ đây ông là một người khá nổi tiếng trong giới khảo cổ VN và quốc tế. Trao tấm danh thiếp có in hình sọ người trên đó, ông giới thiệu ngắn gọn: “Tớ là người chuyên đọc tuổi cổ nhân, ở đâu có mộ cổ là ở đó có tớ”. Đó là PGS.TS Nguyễn Lân Cường, chuyên gia hàng đầu về cổ nhân học ở Viện Khảo cổ VN.

EB8fiaa8.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Lân Cường phục chế sọ người để nghiên cứu - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Hành trình ngược thời gian Kỳ 2: Mỗi phiến đá như có linh hồn Kỳ 3: Thổi hồn vào cổ vật

Người đọc tuổi cổ nhân

Đường đi của một cổ vật

Để một cổ vật nằm sâu trong lòng đất đến được với công chúng, nói lên được giá trị lịch sử của mình là một quá trình lao động dài lâu và khổ cực của các nhà khảo cổ. Họ phải đi điền dã, khảo sát nhiều lần để xác định di chỉ, sau đó mới làm đề án khai quật. Trong quá trình khai quật, mỗi hiện vật đưa lên đều được các nhà khảo cổ lập hồ sơ tỉ mỉ từ vị trí, hiện trạng, mô tả và nhận định về niên đại, chất liệu ban đầu.

Sau đó, họ phải sàng lọc đến hàng chục lần để chọn ra những hiện vật tiêu biểu, có giá trị cao. Tiếp theo là việc dùng kỹ thuật chuyên môn để xác định niên đại, đặt nó đúng địa tầng văn hóa để nghiên cứu. Khi hồ sơ nghiên cứu hoàn tất, những hiện vật đó sẽ được trao lại cho các bảo tàng địa phương để trưng bày. Mỗi hiện vật, mỗi di chỉ chỉ là những mảnh vỡ của quá khứ, vì vậy để có được những kết luận mang tính lịch sử, các nhà khảo cổ nhiều khi phải mất cả một đời người. Thậm chí nhiều công trình nghiên cứu phải qua vài đời nhà khảo cổ mới được sáng tỏ.

Mọi người trong đoàn khảo cổ của Viện Khảo cổ VN thường nói vui rằng trong đợt khai quật di dời các di chỉ thuộc lòng hồ Sơn La, PGS.TS Nguyễn Lân Cường là người “trúng số độc đắc”.

Ông không hề phản đối mà nói một cách nghiêm túc: “Bảy ngôi mộ cổ vừa tìm được ở hang Tọ 1 và hang Tọ 2 (thuộc địa bàn xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) là những ngôi mộ cổ nhất còn khá nguyên vẹn, lần đầu tiên được tìm thấy ở vùng Tây Bắc. Theo nhận định ban đầu, bảy ngôi mộ này có niên đại cách đây khoảng 4.000 năm. Đó là một phát hiện giá trị và lý thú mà tôi phải chờ đợi đến cuối đời mới gặp”.

Với ông, mỗi chuyến đi khai quật, niềm hạnh phúc lớn nhất là khi tìm thấy những ngôi mộ cổ còn nguyên vẹn, có giá trị lịch sử. Ông tâm sự: “Mỗi khi tìm được những bộ xương của tiền nhân còn sót lại tôi vui lắm, vui như được quà vậy”. Là con trai thứ tư của nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, song ông không theo nghiệp “bụi phấn” của cha. Ông đến với nghề khảo cổ như một duyên phận định trước.

Ông kể: “Tôi tốt nghiệp khoa sinh Trường đại học Tổng hợp Hà Nội với đề tài phương pháp nuôi cá mè. Cứ nghĩ ra trường sẽ theo nghiệp nuôi thủy sản, ai ngờ... Đó là khoảng năm 1964, khi viện khảo cổ thiếu người, thấy tôi có chút hiểu biểt về động vật có xương sống nên họ điều tôi về công tác ở đây rồi nghiên cứu về cổ nhân học cho đến bây giờ. Ngày tôi nhận quyết định về làm ở viện khảo cổ, mẹ tôi phản đối kịch liệt lắm. Bà nói rằng thiếu gì nghề mà chọn cái nghề đào mồ đào mả? Thất đức lắm con ạ! Tôi phải thuyết phục mãi bà cụ mới thông cảm”.

Bước vào nghề khảo cổ, ông phải tự mày mò học để có kiến thức về lĩnh vực mà mình chưa hề được đào tạo. Nhưng càng đi sâu nghiên cứu, ông lại càng đam mê nghề chuyên phục chế quá khứ này. Nhờ những nỗ lực của bản thân, năm 1980 ông là người VN đầu tiên được chọn qua CHLB Đức học về phục chế xương sọ. Rồi năm 1988 ông lại được chọn qua Viện Hàn lâm khoa học Nga để học về cổ nhân học.

Với vốn kiến thức uyên thâm và thực tế dày dạn, cộng với thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông là nhà cổ nhân học duy nhất ở VN được tham dự nhiều hội thảo lớn về khảo cổ học trong khu vực và quốc tế. Mặc dù có nhiều trường đại học lớn trên thế giới mời ông đến giảng dạy với mức lương cao ngất, nhưng hiếm hoi lắm ông mới đi vì mối quan hệ, phần lớn thời gian ông dành hết tâm lực cho nền cổ nhân học nước nhà.

Ông chia sẻ: “Mình còn nợ tiền nhân nhiều lắm, đã tìm thấy những dấu tích của tổ tiên mà không nghiên cứu hết những giá trị lịch sử của nó thì đó là một tội lỗi không thể tha thứ”. Có lẽ vì điều đó mà người ta vẫn thấy ông miệt mài hằng ngày ở viện, lặn lội tận vùng xa vùng sâu mặc dù đã đến tuổi về hưu. Có người nói ông đang chạy đua với thời gian để đọc tuổi cổ nhân.

72TbwJMx.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Lân Cường bên những bộ hài cốt mới tìm được -Ảnh tư liệu

Nghiên cứu trên 800 bộ xương người cổ

Cho đến nay PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã nghiên cứu trên 800 bộ xương người cổ, chủ nhân của nhiều nền văn minh khác nhau. Cũng nhờ ông mà bốn nhục thân của các vị thiền sư ở chùa Đậu, Phật Tích và Tiêu Sơn đã được tu bổ thành công. Trong căn phòng làm việc chật hẹp của ông ở viện khảo cổ chỉ thấy toàn sọ và xương người. Để có được bộ sưu tập đồ sộ như vậy, ông đã phải làm việc cật lực suốt cả một đời.

Ông kể: “Thời chiến tranh, nhiều chuyến chúng tôi đã suýt chết trong lúc đi khai quật. Còn nhớ có lần về tận Thanh Hóa để khai quật mộ cổ, trên đường về thì tàu hỏa bị trúng bom của Mỹ, may mà thoát nạn. Để bảo vệ những bộ hài cốt vừa mới đào được, anh em trong đoàn phải cõng những bộ xương trên lưng rồi lần mò cuốc bộ trong đêm về Hà Nội. Hồi mới vào nghề thì sợ lắm, cõng hài cốt sau lưng mà toàn thân lạnh toát, quên hết cả mệt”.

Sau những chuyến khai quật vất vả, ông lại phải lần mò hàng tháng trời để lắp ghép, phục chế những mảnh sọ đã mục nát do thời gian. Ông nói rằng đó là phần khó nhất và đòi hỏi ở nhà khảo cổ học một sự kiên trì bền bỉ.

Công việc của một nhà khảo cổ chuyên về cổ nhân học thật phức tạp. Ông Cường kể rằng nghiệp đào mồ đào mả để nghiên cứu mang đến cho ông nhiều điều thú vị, nhưng nhiều khi cũng lắm nỗi phiền toái. Có lần đoàn khảo cổ đang khai quật thì nhân công bỗng nhiên bỏ về hết khi phát hiện một ngôi mộ cổ. Giải thích, năn nỉ mãi cũng không được, thế là các nhà khảo cổ trong đoàn phải tự đào lấy.

Hay có lần ông thuê đò để mang hài cốt về, khi chủ đò phát hiện ra bắt vạ, họ cho rằng cái hồn ma sẽ nhập vào chiếc đò nên không thể dùng được nữa. Cả đoàn khảo cổ bị bắt về bản, phải đền cái đò mới và làm một lễ cúng với đầy đủ lễ vật mới được tha. Cũng có lúc ông bị chủ nhà đuổi ra ngoài rẫy làm lán ngủ chung với những bộ hài cốt, mặc cho gió lạnh, mưa hắt...

Có một điều ít ai biết rằng ngoài công việc chính là nghiên cứu về cổ nhân học, ông Cường còn là hội viên Hội Nhạc sĩ VN, là một cổ động viên bóng đá cuồng nhiệt. Còn nhớ sau chiến thắng của đội tuyển VN trước Thái Lan vào cuối năm ngoái, ông là tác giả của bài hát Việt Nam chiến thắng được hàng triệu người VN hát vang sau chiến thắng chờ đợi hàng chục năm.

Bài hát đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời ông gần mười năm trước khi tin là VN sẽ vô địch, nhưng ông đã thất vọng, để rồi mười năm sau bài hát của ông mới được công chúng biết đến.

__________________

Các nhà khảo cổ vẫn thường nói vui với nhau rằng tiến sĩ khảo cổ học là tiến sĩ... quần đùi, là anh thợ đụng. Thế nhưng nghề này giống như nghiệp, đã vướng vào rồi thì khó dứt ra.

Kỳ tới: Niềm đam mê khám phá

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên