16/02/2021 14:48 GMT+7

Theo chân đặc nhiệm chống loại châu chấu 'phá sạch, ăn sạch' ở Kenya

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Khi bình minh vừa ló dạng ở miền trung Kenya, một máy bay trực thăng cất cánh đi tìm những đàn châu chấu, trước khi ánh nắng mặt trời sưởi ấm và đánh thức chúng.

Theo chân đặc nhiệm chống loại châu chấu phá sạch, ăn sạch ở Kenya - Ảnh 1.

Châu chấu sa mạc chưa trưởng thành hoàn toàn, có màu hồng, là giai đoạn châu chấu phá hoại nhiều nhất - Ảnh: AFP

Phi công Kieran Allen bắt đầu chuyến khảo sát, bay qua những vùng đồng bằng ngựa vằn ăn cỏ, những trang trại trồng ngô, những khu rừng rậm rạp và những vùng đất rộng lớn khô cằn xa hơn về phía bắc.

Trong khi bay, đôi mắt anh tìm các dấu hiệu của những bầy châu chấu.

Chiếc trực thăng đột ngột chao đảo sau khi nhận cuộc gọi từ Phòng chiến tranh châu chấu. Người dân sống ở chân núi Kenya báo tại đây có một bầy.

Từ trên không, Allen nói qua hệ thống liên lạc: "Tôi thấy những đốm màu hồng trên cây", và chỉ vào một đám châu chấu sa mạc rộng khoảng 30ha cho phóng viên Hãng thông tấn AFP.

Châu chấu sa mạc có màu đỏ hồng là đang trong giai đoạn chưa trưởng thành - và là giai đoạn có sức tàn phá hung hãn nhất. Allen xác định các trang trại gần đó trong khoảng cách an toàn, và gọi một chiếc máy bay khác đến để rải thuốc trừ sâu.

Dưới mặt đất, khi trời ấm lên đến nhiệt độ vừa đủ, đàn châu chấu như đám mây dày đặc sẽ bay vào không trung. Trong vài giờ nữa, nhiều con châu chấu trong đàn sẽ chết vì tác dụng của chất độc.

Riêng tháng 1-2021, Allen đã bay gần 25.000km, hơn một nửa chu vi của thế giới, để tìm châu chấu sau khi loài côn trùng này tràn vào Kenya từ Somalia và Ethiopia.

Theo chân đặc nhiệm chống loại châu chấu phá sạch, ăn sạch ở Kenya - Ảnh 2.

Phi công Kieran Allen lái máy bay đi tìm vị trí các đàn châu chấu sa mạc ở Kenya - Ảnh: AFP

Theo AFP, các phi công tham gia vào hoạt động đặc biệt này được huy động từ những đội cứu hộ, chữa cháy, hoặc lái máy bay du lịch.

Chỉ vào những cánh đồng trồng lúa mì rộng lớn ở khu vực đất đai màu mỡ ở vùng núi Kenya, Allen cho biết: "Nếu không bị tiêu diệt, những con châu chấu này sẽ ăn sạch, phá sạch".

Châu chấu sa mạc là một nhánh thuộc họ châu chấu. Khi gặp thời tiết mưa nhiều, chúng sinh sản nhanh chóng và tạo thành những bầy lớn.

Châu chấu sa mạc rất khó kiểm soát, vì chúng có thể di chuyển 150km mỗi ngày. Hằng ngày, mỗi con ăn lượng thức ăn bằng trọng lượng của nó từ thảm thực vật xung quanh, và số lượng châu chấu nhân lên 20 lần sau mỗi ba tháng.

Nạn dịch châu chấu lần đầu xâm nhập vào vùng phía đông và vùng Sừng châu Phi vào giữa năm 2019. Gần nhất, nó xảy ra ở 9 nước châu Phi do khu vực này trải qua một trong những mùa mưa nhiều mưa nhất sau nhiều thập kỷ.

Cyril Ferrand, chuyên gia ở Nairobi của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), cho biết: Kenya không bị dịch châu chấu trong 70 năm qua, do đó những phản ứng ban đầu bị chậm chạp do phối hợp kém, thiếu thuốc trừ sâu và máy bay.

Tuy nhiên, cuộc chiến với châu chấu đã được cải thiện để chống lại làn sóng thứ hai của dịch  đang xảy ra hiện nay, và có sự phối hợp giữa Kenya, Ethiopia và nhiều vùng của Somalia.

Tại Kenya, FAO hợp tác với Công ty 51 Degrees, công ty cung cấp phần mềm chuyên quản lý các khu bảo tồn. Họ sử dụng phần mềm giám sát săn trộm, động vật hoang dã bị thương, phá rừng và các nhu cầu bảo tồn khác để theo dõi các đàn châu chấu.

Theo chân đặc nhiệm chống loại châu chấu phá sạch, ăn sạch ở Kenya - Ảnh 3.

Châu chấu sa mạc có thể ăn lượng thức ăn bằng chính trọng lượng của chúng mỗi ngày - Ảnh: AFP

Một đường dây nóng được thành lập để nhận điện thoại từ các trưởng làng hoặc 3.000 trinh sát nhân dân đã qua đào tạo, để thông báo về vị trí của đàn châu chấu.

Dữ liệu về quy mô và hướng bay của đàn được thông báo cho các phi công làm nhiệm vụ rải thuốc trừ sâu, các chính phủ và tổ chức tham gia đẩy lùi dịch châu chấu ở Somalia, Kenya và Ethiopia.

Tại Kenya, chiến dịch tập trung vào "các vị trí then chốt đầu tiên", ở các vùng biên giới xa xôi và đã phá vỡ thành công những đàn châu chấu khổng lồ đến từ Ethiopia và Somalia, trước khi chúng đi sâu vào vùng đất nông nghiệp trù phú phía nam của nước này.

Nếu gió đổi chiều, và đàn châu chấu quay trở lại Ethiopia, các phi công ở phía bên kia biên giới sẽ tiếp quản công việc.

Theo chân đặc nhiệm chống loại châu chấu phá sạch, ăn sạch ở Kenya - Ảnh 4.

Trực thăng rải thuốc trừ sâu lên những khu vực có châu chấu ở Kenya - Ảnh: REUTERS

Với những vùng biên giới nóng, các đội tiêu diệt châu chấu phải đợi khi đàn châu chấu rời khỏi khu vực này.

Theo FAO, năm 2020, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực và sinh kế của khoảng 2,5 triệu người, và dự kiến ​​ảnh hưởng đến 3,5 triệu năm 2021.

Mặc dù dự báo lượng mưa năm nay chỉ dưới mức trung bình, không thuận lợi cho sinh trưởng của châu chấu, và hoạt động kiểm soát châu chấu đã được cải thiện, theo FAO, rất khó nói trước khi nào dịch châu chấu sẽ kết thúc ở châu Phi, nhất là trong bối cảnh biến động khí hậu đang xảy ra trong khu vực.

Quy mô đàn châu chấu có thể đã giảm năm nay nhưng mỗi đàn đều có thể ảnh hưởng đến sinh kế của một gia đình trên hành trình của chúng.

Theo chân đặc nhiệm chống loại châu chấu phá sạch, ăn sạch ở Kenya - Ảnh 5.

Đàn châu chấu trên cánh đồng ở hạt Marsabit, bắc Kenya ngày 19-1-2021- Ảnh: REUTERS

Châu chấu sa mạc áp sát, dân Ấn Độ phải đốt pháo, bật loa, gõ trống... Châu chấu sa mạc áp sát, dân Ấn Độ phải đốt pháo, bật loa, gõ trống...

TTO - Bầu trời của thành phố Gurgaon (Ấn Độ) đen kịt trong ngày 27-6 vì hàng chục ngàn con châu chấu sa mạc. Một phần thủ đô New Delhi được đặt trong tình trạng báo động khi bị châu chấu áp sát, nhất là khu vực sân bay quốc tế Delhi.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên