26/07/2021 05:43 GMT+7

Thêm 'vũ khí' mạnh cho Chính phủ chống dịch

TIẾN LONG - NGỌC AN
TIẾN LONG - NGỌC AN

TTO - Quốc hội khóa XV quyết định đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo đề xuất của Chính phủ.

Thêm vũ khí mạnh cho Chính phủ chống dịch - Ảnh 1.

Từ hôm nay, lực lượng chức năng tại TP.HCM tuần tra 24/24 giờ để đảm bảo người dân tuân thủ giãn cách, các vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều đại biểu ủng hộ, cho rằng đây sẽ là quyết định lịch sử, được xem là "vũ khí" mạnh, tập trung nguồn lực cao nhất cho Chính phủ chống dịch. Dưới đây là một số ý kiến.

Ông Bùi Văn Cường (tổng thư ký, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):

Trao quyền như khi ban bố tình trạng khẩn cấp

Tình hình hiện nay phải có những giải pháp đặc biệt để kịp thời xử lý những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và rất nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19. Quốc hội phải trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng như khi ban bố tình trạng khẩn cấp.

Quốc hội dự kiến giao Chính phủ, Thủ tướng được quyền chủ động quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch. 

Bao gồm trong đó cả các biện pháp theo quy định được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh và giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật.

Nội dung của nghị quyết cũng sẽ có thông điệp, lời hiệu triệu của Quốc hội gửi đến toàn dân, toàn xã hội, kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất cao, đồng lòng cùng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và các lực lượng tuyến đầu tập trung sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Ông Tạ Văn Hạ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội):

Gỡ sớm điểm nghẽn đấu thầu, xã hội hóa vắc xin

Trước đây, hệ thống văn bản pháp lý của ta đáp ứng được trong điều kiện bình thường. Thực tế, trong tình hình vừa qua tình trạng nhiều bộ ngành chưa được linh hoạt trong phòng chống dịch, nên cần thiết có nghị quyết của Quốc hội để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt. Những điểm nghẽn cần tập trung, tôi cho rằng đó là quy định về đấu thầu. 

"Chống dịch như chống giặc", phải thần tốc, khẩn trương. Nếu mua sắm trang thiết bị y tế theo quy trình hiện hành, phải đấu thầu, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, qua các quy trình rồi mới nhận hồ sơ, mở thầu rất mất thời gian. 

Nếu các đơn vị rút ngắn, giảm bớt quy trình lại vi phạm luật, không đúng quy định nên cần tháo gỡ. Hay vấn đề vắc xin, cần quy định rõ doanh nghiệp nào được nhập, tiếp cận vắc xin theo chủ trương xã hội hóa. 

Bởi vắc xin liên quan đến an toàn, tính mạng, sức khỏe con người, vận chuyển, bảo quản nên cần có quy định để huy động nguồn lực xã hội tham gia vào chiến dịch lớn này.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM):

Ngân sách phải sẵn sàng cho chống dịch

Nếu sáu nội dung Chính phủ đề xuất được Quốc hội đưa vào nghị quyết sẽ giúp Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn khi mua sắm thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển sản xuất vắc xin COVID-19. 

Trong đó, Chính phủ có điều kiện áp dụng cơ chế đặc biệt hoặc rút gọn trong đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất phục vụ phòng chống dịch.

Việc cho phép Chính phủ quyết định chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho việc phòng chống dịch, tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt... là những giải pháp cần thiết, mang tính cấp bách cao nhằm có đầy đủ nguồn lực cần thiết, tập trung đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch. 

Các giải pháp còn tạo điều kiện cho Chính phủ, các ngành, các cấp chủ động đưa ra giải pháp hữu hiệu, ưu tiên phòng chống dịch cho các đối tượng ưu thế: phụ nữ, trẻ em, người già, lực lượng chống dịch tuyến đầu, người nghèo, người lao động... Từ đó duy trì, đảm bảo chuỗi cung ứng sản xuất không bị đứt gãy, cung cấp đầy đủ hàng hóa cho hệ thống phân phối.

Thêm vũ khí mạnh cho Chính phủ chống dịch - Ảnh 2.

Chính phủ sẽ được chủ động hơn để có đủ kinh phí phòng chống dịch. Trong ảnh: tiêm vắc xin tại quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Chờ sửa luật e không kịp

Trong hoàn cảnh dịch COVID-19 không bình thường, chưa có tiền lệ đòi hỏi những giải pháp chưa có tiền lệ. Nếu đưa luật ra sửa sẽ không kịp thời được, bởi vậy phải đưa các giải pháp đặc thù, đặc cách vào nghị quyết Quốc hội.

Điểm quan trọng nếu được thông qua, Chính phủ sẽ có quyền ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch. 

Trong đó, được áp dụng cơ chế đặc biệt để mua sắm trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất với số lượng cao hơn thực tế để dự phòng. Còn với các quy định đã được luật quy định nhưng không phù hợp, Chính phủ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Quy định này tạo sự linh hoạt bởi Quốc hội mỗi năm chỉ họp hai kỳ.

Vấn đề ở đây, do dịch bệnh này chưa có tiền lệ nên chưa thể khẳng định được những biện pháp Chính phủ đề xuất hiện nay đã là mạnh nhất. 

Do vậy, quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, Chính phủ nên báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để Quốc hội xem xét, bổ sung những biện pháp mạnh hơn. Mục tiêu vẫn là chặn đứng dịch, bảo đảm cao nhất sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM):

Chính phủ cần nghiên cứu cho tiêm vắc xin dịch vụ

Báo cáo Chính phủ nêu tập trung vào giải pháp vắc xin cho thấy dấu hiệu chuyển hướng trong giải pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên, ngay cả việc mua, nghiên cứu vắc xin hiện cũng có hạn chế. 

Vắc xin trong nước hiện nay chỉ mua lại hoặc do viện trợ, vắc xin do Chính phủ tự mua đến nay chưa thấy con số cụ thể. Một trong những nguyên nhân chính là vướng mắc cơ chế.

Mặt khác, để tập trung chữa trị cho các ca nặng, đòi hỏi phải đầu tư cơ sở vật chất của hệ thống y tế. Tuy nhiên, với những quy định hiện nay rất khó để các cơ quan y tế mua sắm nhanh vật tư, thiết bị y tế cho việc chống dịch. 

Có những cơ sở y tế khi được hỗ trợ đều muốn nhận hiện vật, không muốn nhận tiền và tự mua vì sợ phạm luật, thậm chí bị khởi tố. 

Một nghị quyết của Quốc hội trao quyền đặc biệt, đặc thù và đặc cách cho Chính phủ lúc này rất cần thiết, sẽ tháo gỡ những nút thắt lớn để tạo sự chủ động mua sắm thiết bị, vật tư y tế nhanh chóng. 

Đồng thời, tạo điều kiện thông thoáng để Chính phủ thúc đẩy việc mua, nghiên cứu vắc xin. Trong đó, Chính phủ cần nghiên cứu quyết định cho phép tiêm vắc xin dịch vụ.

TP.HCM hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ thị 16 tăng cường TP.HCM hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ thị 16 tăng cường

TTO - UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

TIẾN LONG - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên