12/09/2021 11:42 GMT+7

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 2: Hàng không vĩnh viễn thay đổi

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Ngày 15-7-2017, nhân viên tại quầy thủ tục của Etihad Airways ở sân bay Sydney (Úc) đã từ chối nhận vali ký gửi của một hành khách có vé đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 2: Hàng không vĩnh viễn thay đổi - Ảnh 1.

Hành khách được soi chiếu hành lý xách tay và đi qua máy quét toàn thân tại khu vực soi chiếu an ninh của sân bay Denver (Mỹ) ngày 24-8-2021 - Ảnh: AP

Quyết định dựa trên quy tắc an ninh được áp dụng sau vụ khủng bố 11-9, bao gồm các giới hạn trực quan như hình dáng, kích thước, trọng lượng của vali trước khi đến khâu kiểm tra soi chiếu. 

Nhân viên Etihad Airways đã ngăn chặn được âm mưu đánh bom của khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Thay đổi để an toàn

Đến sân bay chỉ 20 phút trước giờ lên máy bay, không cần giấy tờ tùy thân và có thể nói lời tạm biệt với người thân ngay tại cổng ra máy bay đã trở thành dĩ vãng ở Mỹ sau vụ 11-9. 

Mặc dù trước đó đã có các vụ không tặc ở châu Âu và Trung Đông cho thấy máy bay thương mại rất dễ trở thành mục tiêu của khủng bố, người Mỹ vẫn dửng dưng và tự tin về sự bất khả xâm phạm của mình. 

"Tư duy điển hình của người Mỹ là phải trải qua rồi thì mới tin được" - ông Sean O'Keefe, thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, nói với Đài CNN.

Cũng như các thành viên khác, ông O'Keefe thường xuyên được cập nhật về Osama bin Laden và nhóm khủng bố Al Qaeda. 

Tất cả đều hiểu đây là một tổ chức nguy hiểm, nhưng họ chưa bao giờ nghĩ đến viễn cảnh bọn khủng bố có thể cướp 4 máy bay thương mại và sử dụng chúng như vũ khí khủng bố. "Trí tưởng tượng của chúng tôi khi ấy chưa đến mức đó - ông O'Keefe thừa nhận - Đó thực sự là một cái tát vào mặt. Nó nhắc nhở rằng chúng tôi đã từng ngây thơ như thế nào". 

Trong vòng 2 tháng sau vụ tấn công, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật an ninh hàng không và vận tải, cho phép thiết lập các vành đai an ninh trên mặt đất và bảo vệ phi hành đoàn trên máy bay.

Các biện pháp an ninh cứng rắn hơn đã được áp dụng ngay sau khi hoạt động bay dân dụng được nối lại vào ngày 14-9. 

Lực lượng vệ binh quốc gia được triển khai đến các sân bay, hành khách phải đối mặt với hàng dài người khi các hệ thống, quy tắc an ninh mới được thực hiện. Việc kiểm tra nhận dạng, đối chiếu giữa vé máy bay và giấy tờ tùy thân được đặt lên hàng đầu. 

Trên máy bay, cửa buồng lái có khóa và có khả năng chống đạn trở thành yêu cầu bắt buộc với các hãng hàng không ở Mỹ. Đạo luật phi công có vũ trang chống khủng bố được thông qua vào tháng 11-2002, cho phép các phi công mang vũ khí vào buồng lái.

Trên mặt đất, các vành đai an ninh cũng được thiết lập và ngày càng siết chặt. Việc soi chiếu hành khách, trước đây do các công ty tư nhân và hãng bay tự thực hiện, đã được chuyển giao sang Cơ quan Quản lý an ninh vận tải Mỹ (TSA) được thành lập vào tháng 11-2001. 

Trong vòng 1 năm sau sự kiện khủng bố, TSA tuyển dụng hơn 60.000 nhân viên và chuyên gia, chịu trách nhiệm thực hiện soi chiếu tại tất cả sân bay Mỹ. 

Sau khi Bộ An ninh nội địa Mỹ được thành lập vào năm 2002, TSA được chuyển sang trực thuộc bộ này và nhận được sự chia sẻ dữ liệu từ cộng đồng tình báo, cho phép rà soát hồ sơ hành khách ngay cả khi họ chưa đến sân bay.

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 2: Hàng không vĩnh viễn thay đổi - Ảnh 2.

Richard Reid và âm mưu đánh bom trên một chuyến bay từ Pháp đến Mỹ tháng 12-2001. Hắn giấu chất nổ vào giày và trót lọt lên được máy bay nhưng thất bại khi kích nổ. Reid bị các hành khách đi cùng khống chế và đang thụ án tù chung thân tại Mỹ - Ảnh: FBI

Siết chặt an ninh

Cuối năm 2002, TSA triển khai các hệ thống phát hiện chất nổ tại các sân bay, nhấn mạnh với các nhà vận hành sân bay đây là yêu cầu bắt buộc và liên tục cải tiến năng lực khi những kẻ khủng bố tìm cách lách giám sát. 

Các sĩ quan TSA cũng được đào tạo nghiệp vụ "phát hiện hành vi" đáng ngờ tại sân bay. Những hành khách có dấu hiệu thay đổi nhân dạng, chẳng hạn dấu vết của việc mới cạo râu, sẽ được dẫn đến một khu vực riêng để kiểm tra bổ sung cùng với những người có biểu hiện hồi hộp, nắm chặt hành lý hay mất phương hướng tại sân bay.

Vào tháng 8-2006, các âm mưu kích nổ chất nổ lỏng trên các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đã dẫn đến những hạn chế ngày nay đối với chất lỏng, gel và bình xịt trong hành lý xách tay. 

Cùng tháng đó, TSA bắt đầu yêu cầu hành khách cởi giày để kiểm tra chất nổ, một biện pháp bị chỉ trích là chậm trễ do vụ giấu chất nổ trong giày bị phát hiện vào cuối năm 2001.

Vụ khủng bố 11-9 và các âm mưu thất bại sau đó đã thúc đẩy sự sáng tạo, các quy định mới trong an ninh hàng không. 

Ví dụ vào tháng 12-2009, trên một chuyến bay từ Hà Lan đến thành phố Detroit (Mỹ), một kẻ khủng bố đã suýt chút nữa làm nổ tung máy bay khi kích hoạt chất nổ đặc biệt được giấu trong quần lót. 

Khác với vụ giấu chất nổ trong giày, lần này TSA đã làm rất nhanh khi yêu cầu phát triển và lắp các máy quét toàn thân thay cho máy quét cầm tay chỉ có thể phát hiện kim loại tại các sân bay vào tháng 3-2010.

Dù đã có những phản đối và lo ngại về quyền riêng tư của hành khách do việc sử dụng máy quét toàn thân, TSA vẫn kiên quyết sử dụng máy quét toàn thân, nhấn mạnh đây là biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách. 

Vào tháng 7-2017, TSA ra quy định hành khách di chuyển nội địa phải để riêng các thiết bị điện tử cỡ lớn để soi chiếu và phối hợp với các nước sàng lọc an ninh trên các chuyến bay đến Mỹ.

Sự biến chuyển của thế giới

Những thay đổi của an ninh hàng không tại Mỹ giờ có thể bắt gặp ở gần như mọi quốc gia trên thế giới. 

Chẳng hạn vào năm 2002, các sân bay tại Liên minh châu Âu đã yêu cầu kiểm tra giấy tờ hành khách ở cả quầy làm thủ tục hành lý ký gửi và trước khi lên máy bay, bảo đảm rằng người gửi hành lý và người lên máy bay là cùng một người. 

Ông Oren Tatcher, một nhà quy hoạch sân bay đã từng làm việc cho nhiều dự án ở Hong Kong và Singapore, cho biết một trong những thay đổi dễ nhận thấy sau vụ 11-9 bao gồm việc thiết lập các khu vực hạn chế tại sân bay. 

Chẳng hạn như khu vực cổng lên máy bay, khu vực sau khi soi chiếu an ninh hiện chỉ cho phép hành khách có vé được vào.

Cũng giống như ở Mỹ, việc soi chiếu hành lý ký gửi đã trở thành quy định bắt buộc ở nhiều nước. "Đó là một vấn đề lớn vì những cỗ máy soi chiếu rất cồng kềnh" - ông Tatcher nói với báo South China Morning Post. 

Ngoại trừ các sân bay xây sau năm 2001, việc lắp hệ thống soi chiếu ở các sân bay cũ gặp nhiều khó khăn vì phạm vi nhỏ hẹp. 

"Hệ quả của sự gia tăng đáng kể về thời gian tập trung và số lượng người cùng có mặt trong khu vực soi chiếu an ninh đã dẫn đến những thay đổi lớn trong việc phân bổ không gian bên trong sân bay" - ông Jim Cherry, cố vấn chiến lược hàng không tại Công ty Arup của Anh, nêu một tác động gián tiếp khác của vụ 11-9 tới cơ sở hạ tầng của ngành hàng không.

Ông Matthew Vaughan, giám đốc an ninh hàng không tại IATA, cho biết các quy tắc an toàn hàng không toàn cầu đã được sửa đổi 8 lần từ sau năm 2001. 

Mục đích để "đảm bảo các thiết lập an ninh mới chỉ liên quan các lĩnh vực cần bảo vệ" và tránh để các nhà vận hành sân bay rơi vào cảm giác an toàn giả tạo. 

"Việc phải cởi giày vì một sự cố trên máy bay có vẻ hơi cực đoan nhưng các biện pháp đảm bảo an ninh đã hoạt động khá trơn tru và tôi đã học cách sử dụng thắt lưng nhựa để không phải cởi nó ra nữa" - ông Ronald Briggs, một người Mỹ đã về hưu và thường xuyên du lịch bằng máy bay, tiết lộ bí quyết.

Tâm lý lo sợ đi máy bay đã kéo dài suốt 5 năm tại Mỹ sau sự kiện 11-9. Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), doanh thu các hãng bay Mỹ sụt giảm trung bình 10 tỉ USD mỗi năm từ năm 2001 đến 2006 do nhu cầu bay nội địa suy yếu.

Nhiều người Mỹ đã chọn di chuyển bằng xe hơi dẫn tới sự gia tăng đáng kể số vụ tai nạn đường bộ, theo một nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ).

**********

Chỉ 4 ngày sau vụ tấn công 11-9, Frank Silva Roque, một thợ cơ khí máy bay ở bang Arizona (Mỹ), đã nổ súng điên cuồng để báo thù.

>> Kỳ tới: Hồi giáo và những người thiểu số sau ngày 11-9

Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 1: Bước ngoặt bất ngờ của nước Mỹ Thế giới hậu 11-9 - Kỳ 1: Bước ngoặt bất ngờ của nước Mỹ

TTO - Trùm khủng bố Osama bin Laden ấp ủ 'thay đổi thế giới và đòi lại công bằng cho người Hồi giáo'. Vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ đã làm thay đổi thế giới, nhưng lại không theo cách hắn muốn.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên