12/09/2017 22:46 GMT+7

Thế giới đang siết chặt ‘phố đèn đỏ’

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Là biểu tượng của việc được hợp pháp hóa mại dâm lâu nay, mô hình 'phố đèn đỏ' vẫn khiến các nước đau đầu trong việc quản lý và kiểm soát luật pháp.

Nhắc đến thành phố Amsterdam của Hà Lan, khách du lịch không thể bỏ qua De Wallen - nơi mà ngành công nghiệp tình dục được kinh doanh hợp pháp lớn nhất và nổi tiếng nhất. 

Nhưng theo thời gian, rất có thể những câu chuyện về De Wallen sắp tới sẽ chỉ còn trong ký ức.

Không "bật đèn xanh" cho phố đèn đỏ

Báo Guardian ngày 11-9 cho biết chính quyền Amsterdam đang lên kế hoạch tăng 10 euro mỗi đêm tiền thuế lên du khách. 

Đây là nỗ lực nhằm "giành lại thành phố" cho người dân, bằng việc hạn chế số lượng khách du lịch đông đảo đến khu đèn đỏ De Wallen và gây phiền hà.

Amsterdam, thành phố có 850.000 dân, đã đón 17 triệu du khách trong năm 2017, tăng so với mức 12 triệu người 5 năm trước.

Điều đáng nói là chính quyền thành phố nhận thấy số lượng du khách ngày nay chủ yếu chi tiêu dè dặt, từ đó không thể mang lại nguồn tài chính như kỳ vọng.

Thế giới đang siết chặt ‘phố đèn đỏ’ - Ảnh 1.

Một địa điểm tại khu phố đèn đỏ ở thành phố Amsterdam (Hà Lan) - Ảnh: Reuters

Việc áp thuế cao đối với du khách cũng là một cách "bù lỗ" cũng như phản ánh tiến độ của kế hoạch dẹp bớt hàng trăm "cửa sổ" thuộc phố đèn đỏ của Hà Lan, vốn đã triển khai từ giữa những năm 2000 đến nay. 

Các quan chức Amsterdam ngoài ra cũng muốn đa dạng hóa các hình thức kinh doanh ở khu vực này, thể hiện qua việc khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực khác đến đây.

Thực tế, khái niệm "phố đèn đỏ" (red light district) đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới. 

Nhiều nước sử dụng phương án hợp thức hóa hoàn toàn, hoặc hợp thức hóa một phần ngành công nghiệp tình dục trong những khu vực đặc biệt nhằm dễ quản lý và tăng nguồn thu thuế.

Phố đèn đỏ vì vậy xuất hiện khắp nơi, từ Geylang của Singapore, đến Nevada ở Mỹ và gần đây là tại thành phố Leeds - khu đèn đỏ hoạt động mại dâm hợp pháp đầu tiên của nước Anh.

Tuy nhiên các khu phố đèn đỏ ngày càng để lộ nhược điểm về mặt xã hội, và chịu sức ép kêu gọi đóng cửa từ người dân, chính trị gia cho đến các nhà hoạt động nhân quyền.

Lấy ví dụ sau gần 3 năm từ ngày được công bố, phố đèn đỏ ở thành phố Leeds thời gian gần đây tiếp tục gây tranh cãi. 

Năm 2016, một cô gái tên Daria Pionko làm nghề mại dâm tại thành phố này đã bị khách hàng giết chết. 

Teela Sanders, giáo sư xã hội học ở Đại học Leeds, cho biết việc hợp thức hóa cho khu đèn đỏ đồng nghĩa cảnh sát sẽ ít bén mảng tới đây, từ đó sẽ càng khiến tình trạng phạm tội phổ biến hơn và tất nhiên không cải thiện sự an toàn cho người "hành nghề".

Không dễ quản lý

Trường hợp ở Leeds nêu trên phần nào phản ánh mặt tối của những khu phố đèn đỏ, kể cả đối với những nước hợp pháp hóa mại dâm hoàn toàn. 

Trong khi gái mại dâm không cần phải hoạt động lén lút, họ vẫn có thể là nạn nhân của các đường dây buôn người - vấn đề thường xuyên bị các tổ chức nhân quyền theo sát.

Đó là lý do nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép mại dâm hoạt động hợp pháp, nhưng cấm kinh doanh mại dâm có tổ chức. 

Nói đơn giản như tại Bỉ, Pháp hay Hong Kong, người làm nghề mại dâm không phạm pháp, nhưng người tổ chức đường dây mại dâm hoặc môi giới, cung cấp dịch vụ mại dâm dựa trên thân xác người khác là phạm pháp.

Hong Kong quy định rõ gái mại dâm phải đăng ký thông tin cá nhân, đóng thuế, kiểm tra sức khỏe định kỳ... nhưng họ chỉ được hoạt động độc lập ở các khu vực phố đèn đỏ ví dụ như tại Kowloon.

Bên cạnh đó, một số nước hợp pháp hóa mại dâm cũng đối mặt với tình trạng người nhập cư đến "hành nghề", cư trú bất hợp pháp. Nhóm người này hoặc cố tình, hoặc chỉ là nạn nhân của bọn buôn người.

Thế giới đang siết chặt ‘phố đèn đỏ’ - Ảnh 2.

Một phụ nữ hành nghề mại dâm ở Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2003 - Ảnh: Reuters

Chính phủ Đức từ ngày 1-7 năm nay đã khởi động việc áp đặt những quy định mới nhằm siết chặt ngành công nghiệp tình dục tại nước này. 

Người làm nghề mại dâm theo đó phải đăng ký với chính quyền địa phương, có tham gia tư vấn sức khỏe từ một cơ sở y tế công cộng, thay vì chỉ việc đăng ký với cơ quan thuế như trước đây.

Nước Đức có chính sách "mở cửa tuyệt đối" cho các hoạt động mại dâm, bao gồm những người dắt mối. 

Vì vậy, cựu bộ trưởng quan hệ gia đình Manuela Schwesig từng ví von rằng mở một cửa hàng thức ăn nhanh ở Đức còn khó hơn mở nhà thổ. 

Nhưng giờ đây, các nhà thổ muốn đăng ký kinh doanh phải đảm bảo nhiều tiêu chí về an toàn, vệ sinh, phòng ốc, y tế... 

Chính quyền cũng cấm các loại hình dịch vụ tình dục thác loạn, ví dụ như bắt một phụ nữ quan hệ cùng lúc với nhiều người đàn ông.

Những thay đổi của nhà cầm quyền, dẫu vậy cũng nhận lại những bức xúc của "người trong nghề". Đơn giản vì không thể một lúc cùng đảm bảo cả lợi ích tiền bạc lẫn nguy cơ an ninh cho họ...

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên