10/01/2022 11:39 GMT+7

Thầy giáo ra đề văn viết nhật ký cách ly khiến học trò hào hứng

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thầy Nguyễn Đình Hòa - giáo viên ngữ văn Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) - vẫn giữ vững quan điểm và tinh thần dạy học “hơi khác lạ” nhưng khiến nhiều lớp học trò không thể nào quên.

Thầy giáo ra đề văn viết nhật ký cách ly khiến học trò hào hứng - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Đình Hòa luôn gần gũi với học sinh để thấu hiểu và sẻ chia tâm sự của các em - Ảnh: NVCC

Thầy Hòa là một giáo viên có năng lực và phẩm chất tốt. Là tổ trưởng chuyên môn ngữ văn rất đam mê và tận tâm với giáo dục. Cách dạy của thầy Hòa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là lớp 10 năm học 2022-2023; phát triển 10 năng lực, 5 phẩm chất, các kỹ năng cho học sinh.

Thầy Phan Hùng - hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng)

Học sinh thường nhắc về thầy là "người thầy dạy văn nghe hoài không chán", nhiều em không có năng khiếu vẫn thích mê những tiết dạy của thầy.

Bài tập "nhật ký cách ly"

Đầu tháng 12 vừa qua, sau khi học sinh đến trường học trực tiếp chưa lâu thì Trường THPT Trần Phú phát hiện một giáo viên bộ môn là F0. Dù các em hầu hết đã tiêm vắc xin mũi thứ 2 nhưng chưa đủ 14 ngày nên tâm lý học sinh và phụ huynh khá hoang mang.

Ngay khi nhận chỉ đạo kịp thời cho 4 lớp có liên quan cách ly tại nhà, thầy Hòa nhanh chóng báo tin, trấn an các em và phụ huynh qua Zalo lớp 11/6 mà mình chủ nhiệm. Dặn dò các em những việc làm cần chú ý trong thời gian cách ly.

Thầy Hòa nhớ lại: "Tiết học văn đầu tiên, mình đã không thể dạy bài mới mà chỉ hỏi thăm sức khỏe của từng em, đúng nghĩa từng em một. 100% đều có sức khỏe tốt (trừ 2 em bị cảm nhẹ trước đó), tâm lý ổn định, điều kiện cách ly tốt".

Thầy Hòa bắt đầu ra bài tập về nhà: viết nhật ký cách ly. Ba ngày chấm một cột điểm. Chấm nội dung nhật ký, cách sử dụng từ ngữ, suy nghĩ trải nghiệm của bản thân, những bài viết có cảm xúc, suy nghĩ tích cực sẽ có điểm cộng. Không hạn chế cách viết từ trên giấy, trên Facebook, trên file Word, quay video...

Hôm sau, một loạt "tường thuật" cách ly sinh động khiến thầy Hòa bất ngờ. Học sinh rất hào hứng với đề bài mới lạ và thực tế ấy. Các em kể về những trải nghiệm và trưởng thành hơn khi biết tự dọn vệ sinh nơi cách ly, tự làm đồ ăn, tự học, chia sẻ với bạn bè...

Có bạn tranh thủ thời gian luyện đàn, luyện vẽ, tập nấu ăn... Các em suy nghĩ về người khác, cảm nhận về tình yêu thương của ba mẹ, người thân, bạn bè.

Chia sẻ về đề bài thú vị này, thầy Hòa cho biết vì sợ các em chán, ảnh hưởng tâm lý khi vừa đi học trực tiếp được 3 ngày lại phải quay về học online. Đồng thời muốn qua đề văn ấy có thể thêm một kênh thông tin nắm bắt tâm tư của các em.

Các em cũng không bị khống chế, hạn chế cách thể hiện nên trí sáng tạo cũng được thỏa sức. Đặc biệt, các em được tận dụng khả năng ngôn ngữ trong đời sống để diễn đạt suy nghĩ, tâm tư của mình.

Thầy giáo ra đề văn viết nhật ký cách ly khiến học trò hào hứng - Ảnh 4.

Các học sinh lớp 11/6 thầy Hòa chủ nhiệm cho biết những hỏi han, động viên, nhắc nhở của thầy khiến không khí lớp học bớt căng thẳng hơn khi biết tin sẽ cách ly - Ảnh: FBNV

Dạy văn thực tế

Ra đề bài viết nhật ký cách ly là một trong rất nhiều cách dạy văn thú vị lôi cuốn học trò của thầy Hòa. Thầy Hòa quan niệm môn văn không chỉ có kiến thức mà còn có kỹ năng vận dụng vào đời sống.

"Mình hay nói với học sinh rằng sau này khi ra đời, không ai bắt các em đọc thuộc lòng một bài thơ để trả tiền cho các em mà hãy tập trung vào cách diễn đạt. Làm sao diễn đạt được suy nghĩ của mình với người khác thì các em sẽ thành công" - thầy Hòa chia sẻ.

Quan điểm của thầy là không yêu cầu quá cao về học trò nếu không phải học sinh chuyên văn hay học sinh có năng khiếu. Càng không nên đòi hỏi các em phải viết văn hay như văn mẫu, viết tốt như giáo viên dạy. Nếu thế sẽ tạo thói quen cho các em nói dối và nói theo người khác.

Theo thầy Hòa, trước đây cách dạy văn bay bổng, thiên hướng tính chất ngợi ca là phù hợp với lịch sử giai đoạn đó nên văn dài là bình thường. Nhưng nay chỉ còn một phần phù hợp.

Thầy luôn giữ tinh thần dạy văn sao cho các em yêu thích và trang bị cho học trò những kỹ năng mà các em vận dụng được vào đời sống, dù là những diễn đạt ngô nghê nhưng thật lòng, không nặng lý luận văn học và những kiến thức hàn lâm.

Nhiều học sinh cho biết, chỉ cần nghe thầy Hòa giảng trên lớp mà không cần hì hục học bài cũng đã đủ để học, thi và vận dụng.

Em Huỳnh Hữu Bảo Phương, lớp 11/18 Trường THPT Trần Phú, cho biết thầy Hòa thú vị và hài hước. Cách dạy của thầy khiến môn văn không nhàm chán.

"Điều đặc biệt ngoài phần lõi kiến thức chắc chắn phải nắm, thầy luôn cho chúng em khả năng thể hiện ngôn ngữ và suy nghĩ, cảm nhận cá nhân. Với những bài học xa rời đời sống, thầy lại xen vào những câu chuyện gần gũi để học sinh liên hệ" - Phương nói.

Thầy là bạn

Em Hồ Thảo Chuyên - một học trò của thầy Hòa 5 năm trước - chia sẻ vẫn nhớ như in ấn tượng đầu tiên về thầy: "Từ câu chuyện thầy kể, em đã dành nguyên đêm ngồi chong đèn ở thềm cầu thang trong ký túc xá thời sinh viên để nghiền ngẫm cuốn tiểu thuyết đã nhen nhóm niềm yêu môn văn, yêu con chữ và yêu sách trong em".

"Không phải một bài giảng trong sách hay là đôi ba câu thúc giục động viên, thầy truyền đam mê qua chính câu chuyện của thầy. Những bài học về cuộc sống đôi khi là dăm ba chuyện tán gẫu với học sinh, thầy là người mà học sinh tụi em xem như người bạn" - Thảo Chuyên bộc bạch.

Dạy hóa học qua Dạy hóa học qua 'talkshow'

TTO - "Không để yên" cho học trò học môn hóa là cách ví von của học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7, TP.HCM) gọi thầy Phạm Lê Thanh mỗi khi đến tiết học. Thầy Thanh biến hóa, thiết kế bài giảng luôn mới lạ, sinh động bất ngờ và thu hút học sinh

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên