07/07/2023 11:07 GMT+7

Thanh tra toàn diện Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang

Ngày 7-7, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết ông đã chỉ đạo thanh tra toàn diện đối với Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để làm rõ các sai phạm lùm xùm nhiều năm qua.

Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang khẳng định đã chỉ đạo thanh tra toàn diện để xử lý nghiêm các sai phạm tại quỹ này - Ảnh: MINH KHANG

Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang khẳng định đã chỉ đạo thanh tra toàn diện để xử lý nghiêm các sai phạm tại quỹ này - Ảnh: MINH KHANG

"Hiện nay, UBND tỉnh đang thanh tra quỹ này. Khi nào có kết quả cụ thể, ai sai đến đâu sẽ xử lý đến đó", ông Bình cho hay.

Trước đó, ông Trần Minh Nhựt - giám đốc Sở Tài chính tỉnh An Giang - đã có báo cáo gửi UBND tỉnh An Giang về đánh giá hoạt động hiệu quả của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang.

Hai dự án có nợ "cần chú ý"

Theo đó, từ ngày 1-4-2018, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang chính thức đưa vào hoạt động có vốn điều lệ trên 300 tỉ đồng, từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, vốn điều lệ thực có của quỹ hơn 104 tỉ đồng, số dư hơn 6 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31-3, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang đã tiếp nhận quản lý, cho vay thu hồi nợ 23 dự án trong các lĩnh vực: đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường; xã hội hóa hạ tầng xã hội; nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khác tại địa phương. 

Tổng mức vốn vay theo hợp đồng tín dụng trên 228 tỉ đồng.

Giai đoạn từ tháng 4-2018 đến quý 1-2023, quỹ đã cho vay mới 10 dự án, mức vốn vay trên 104 tỉ đồng; giải ngân với số tiền trên 81 tỉ đồng; đã thu nợ gốc hơn 15 tỉ đồng; số dư nợ vay của 10 dự án trên 67,7 tỉ đồng. 

Như vậy, đến ngày 31-3, dư nợ của 17 dự án với số tiền trên 100 tỉ đồng; tỉ lệ dư nợ cho vay đạt 96,69% so với vốn điều lệ được ngân sách cấp; tỉ lệ nợ xấu là 12,37%/tổng dư nợ; tỉ lệ nợ phải thu khó đòi là 6,06%/tổng số vốn đầu tư.

Kết quả hoạt động của quỹ giai đoạn 2018-2022, nguồn vốn ngân sách cấp được bảo toàn và phát triển qua từng năm, chênh lệch thu - chi trước thuế giai đoạn 2018-2022 trên 25,3 tỉ đồng.

"Có 2 dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa hạ tầng xã hội cần được chú ý do có số dư nợ thuộc nhóm 2 (nợ cần chú ý) là dự án bổ sung thiết bị y tế đa khoa Huỳnh Trung Dũng và dự án nâng cấp mở rộng phòng khám đa khoa Trưng Vương (có số dư nợ thuộc nhóm 4 - nợ nghi ngờ)", văn bản nêu.

Đối với việc chi trả tiền lương cho người quản lý và người lao động, tiền lương bình quân của người lao động năm 2022 tăng 25,8% so với năm 2021.

Đề xuất kiện toàn hoặc giải thể?

Ban giám đốc và người lao động tại quỹ mất đoàn kết nội bộ, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, uy tín bị giảm sút, để người lao động có đơn thư khiếu nại kéo dài trong nhiều năm. Không xử lý kịp thời đơn thư kiếu nại của người lao động dẫn đến chia rẽ, bè phái trong nội bộ đơn vị.

Một cán bộ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh bức xúc nói: "Từ sai phạm ban đầu nhỏ mà UBND tỉnh không xử lý dứt điểm. Cứ để vậy hoài nên càng ngày nổ càng lớn".

Còn một lãnh đạo Quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang cho hay từ tháng 4 đến nay, quỹ không có giám đốc nên không có ai ký giấy tờ gì để duyệt bảng lương.

"Các anh em đi làm không lương hết. Tôi phải xin tiền gia đình để đi làm. Vì giám đốc quỹ đã hết hạn bổ nhiệm và đang trong giai đoạn làm việc với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nên đành cố gắng chịu đựng", vị này nói.

Từ khi Quỹ đầu tư phát triển tỉnh chính thức đi vào hoạt động độc lập (tháng 4-2018) đến nay, với số vốn điều lệ thực có hơn 104 tỉ đồng, quỹ đã thực hiện cho vay 10 dự án mới thuộc các lĩnh vực. 

Tuy nhiên, quỹ vẫn còn rất nhiều hạn chế trong công tác tổ chức, quản lý điều hành hoạt động, chấp hành chế độ báo cáo, chế độ công bố thông tin, công tác chi trả lương cho người lao động...

Hội đồng quản lý quỹ đề xuất UBND tỉnh 2 phương án giải quyết. Một là tiếp tục duy trì Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để thực hiện chức năng nhiệm vụ như quy định, phải kiện toàn cơ cấu tổ chức ban điều hành quỹ gồm giám đốc, các phó giám đốc, kế toán trưởng và bộ máy giúp việc (các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ) có bản lĩnh chính trị vững vàng, uy tín, năng lực trong lãnh đạo, chỉ đạo quản lý điều hành mọi hoạt động của quỹ theo điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ được UBND tỉnh ban hành.

"Trường hợp không tiếp tục duy trì Quỹ đầu tư phát triển tỉnh (giải thể) thì đề xuất thực hiện theo các phương án sau: giao lại 4 quỹ (trong đó 3 quỹ hiện do Quỹ đầu tư phát triển tỉnh đang nhận ủy thác quản lý điều hành). 

Phương án 2, ủy thác cho tổ chức tài chính khác tại địa phương (Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hoặc Ngân hàng Phát triển khu vực Đồng Tháp - An Giang) quản lý, điều hành hoạt động theo quy định", văn bản nêu.

'Điểm mặt' nhiều sai phạm tại Quỹ đầu tư phát triển Cần Thơ"Điểm mặt" nhiều sai phạm tại Quỹ đầu tư phát triển Cần Thơ

TTO - Không chỉ cho vay sai đối tượng, không đúng mục đích, Quỹ đầu tư phát triển Cần Thơ còn đầu tư nhiều dự án sai chức năng vượt hơn 10% vốn điều lệ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên