03/12/2021 11:26 GMT+7

Thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp

L.THANH
L.THANH

TTO - Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nếu có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.


Thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều trái phiếu bất động sản được phát hành với bảo đảm bằng dự án - Ảnh: B.MAI

Ngày 3-12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Văn bản nhấn mạnh trong thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế. 

Để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý.

Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.

Đẩy nhanh việc ban hành thông tư hướng dẫn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo trách nhiệm được giao tại nghị định số 153 năm 2020. Đồng thời chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành hệ thống giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Ngoài chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán, bộ trưởng Bộ Tài chính còn giao Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tập trung phối hợp với Ủy ban Chứng khoán nhà nước hoàn thiện pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệpĐẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Triển khai công tác tuyên truyền về pháp luật và cảnh báo các rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và các đối tượng tham gia thị trường...

Trước đó, Bộ Tài chính cũng khuyến cáo nhà đầu tư hết sức thận trọng, đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp. Không mua trái phiếu doanh nghiệp thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. 

Thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thống kê 9 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết trên thị trường trái phiếu riêng lẻ, tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất chiếm 37,3%, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,1%. 

Tỉ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm mạnh so với năm 2020. 

Tuy nhiên, qua công tác quản lý giám sát, Bộ Tài chính nhận thấy thị trường có một số vấn đề như một số doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp - giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường...  

Rủi ro Rủi ro 'bùng' nợ gốc, lãi trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành

TTO - Trong bối cảnh Tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) đứng trước nguy cơ vỡ 'bom nợ' 300 tỉ USD, nhiều chuyên gia liên tục cảnh báo rủi ro các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam 'bùng' nợ gốc và lãi trái phiếu, đặc biệt với trái phiếu "3 không".

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên