12/06/2019 08:36 GMT+7

Thanh toán không tiền mặt sẽ áp đảo

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Để thúc đẩy và mở rộng phương thức thanh toán không tiền mặt, ngoài tuyên truyền, các đơn vị tham gia phải đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để tạo sự thuận tiện nhất cho người thanh toán, đồng thời có chính sách khuyến khích người dân hưởng ứng.

Thanh toán không tiền mặt sẽ áp đảo - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan và nghe giới thiệu về SacombankPay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều đại biểu đã khẳng định như vậy tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt: chính sách và thực tiễn tại Việt Nam", do Ngân hàng (NH) Nhà nước và báo Tuổi Trẻ cùng các đơn vị phối hợp tổ chức tại khách sạn Vinpearl Luxury Landmark81 vào ngày 11-6, nằm trong chuỗi sự kiện hướng đến Ngày không tiền mặt (16-6).

Ngại vì chưa am hiểu?

Ông Nguyễn Anh Đức - phó tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết dù nhiều khách hàng đã chọn phương thức thanh toán không tiền mặt khi đến mua sắm tại hệ thống này nhưng tỉ lệ này vẫn chưa cao do nhiều nguyên nhân, như sợ tăng thêm chi phí, chưa tiện lợi...

"Nhiều khách hàng nghĩ rằng thanh toán không tiền mặt hiện chỉ có quẹt thẻ nhưng thực tế còn nhiều hình thức khác như quét mã QR, ví điện tử... đều đã được triển khai tại Saigon Co.op" - ông Đức nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế - cho hay hầu hết số thu từ đối tượng không thanh toán bảo hiểm y tế đều bằng tiền mặt, gây ra nhiều phiền toái. Chẳng hạn, cuối mỗi ngày NH phải đến nhận số tiền mặt của bệnh viện chuyển về tài khoản của bệnh viện tại NH. Sau 5 ngày làm việc, NH lại chuyển số tiền này về tài khoản của bệnh viện tại Kho bạc Nhà nước.

Ông Trần Tuấn Anh - giám đốc điều hành Shopee - cho rằng tỉ lệ thanh toán tiền mặt vẫn còn rất cao không chỉ đơn giản là thói quen của người tiêu dùng mà là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt.

Chẳng hạn, trên app của những đơn vị thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định phải trải qua nhiều bước. "Đây là hạn chế thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng" - ông Tuấn Anh nhận định.

Theo một khảo sát của Saigon Co.op, 80% khách hàng không kể ra được hết các loại hình thanh toán không tiền mặt, sự am hiểu về thanh toán không tiền mặt vẫn còn rất "mông lung". Nhiều hóa đơn có giá trị nhỏ - chiếm 80% các giao dịch - vẫn trả bằng tiền mặt, nên tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm đa số trong các giao dịch.

Ngoài yếu tố truyền thông, ông Đức cho rằng cần tháo gỡ nhiều vấn đề tổng thể cả vi mô và vĩ mô như chính sách phí thanh toán, chuẩn chung kết nối kỹ thuật giữa các ví điện tử...

Thanh toán không tiền mặt sẽ áp đảo - Ảnh 2.

Khách nghe giới thiệu về ứng dụng thanh toán BizPay - giải pháp thanh toán phục vụ kinh doanh của VPBank - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khách hàng cần nhanh, tiện

Trong khi đó, nhiều NH cho biết hạ tầng đã đủ đáp ứng cho việc mở rộng thanh toán các dịch vụ công, từ các kênh thanh toán truyền thống đến hiện đại như QR Code, thanh toán không tiếp xúc... Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - phó tổng giám đốc Vietcombank - cho biết thời gian qua NH này đã tập trung nguồn lực cho ứng dụng công nghệ thanh toán cho tất cả khách hàng, dịch vụ công.

Chẳng hạn, NH này đã phối hợp thu thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu, bao gồm tại quầy, ATM, mobile banking, Internet banking tại toàn bộ chi nhánh của Vietcombank. NH này cũng đã phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công cho tỉnh Quảng Ninh với hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến và hàng trăm loại thuế phí. Ngoài ra, NH này cũng đang phối hợp với TP.HCM, Hà Nội, Gia Lai, Cà Mau... để mở rộng mô hình này.

Đại diện của VNPT Fintech, ông Nguyễn Sơn Hải - phó tổng giám đốc Công ty truyền thông VNPT Media - nhấn mạnh muốn thay đổi trải nghiệm của khách hàng phải thay đổi từ bên trong. Theo đó, tất cả hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống tính cước... cần phải số hóa, bởi khách hàng quan tâm yếu tố nhanh, tiện và rẻ.

Dẫn ra thực tế lượng ủy thác thanh toán dịch vụ công, điện nước tại Sacombank chiếm 75%, trong đó 80% ủy thác qua online, ông Nguyễn Minh Tâm - phó tổng giám đốc Sacombank - cho rằng người dân chọn thanh toán sao cho nhanh nhất, tiện ích nhất.

"Cơ quan chức năng nên nghiên cứu cơ chế cho phép kho bạc mở tài khoản thu tại các NH, đồng thời sớm cho phép triển khai định danh khách hàng qua hình thức từ xa (eKYC) để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt" - ông Tâm kiến nghị.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Hưng - tổng giám đốc NAPAS - cho hay với vai trò đơn vị chuyển mạch quốc gia và cung ứng hạ tầng thanh toán bán lẻ cho nền kinh tế, NAPAS sẽ triển khai hệ thống thanh toán và bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ để có thể hỗ trợ triển khai dịch vụ công bằng nhiều hình thức thanh toán mới, hiện đại và tiện lợi hơn.

Trước đó, Napas đã thực hiện giảm đến 100% phí dịch vụ chuyển mạch tùy theo loại giao dịch đối với các tổ chức thành viên là các NH sở hữu mạng lưới chấp nhận thanh toán từ 1-3-2019, sớm hơn 2 năm so với lộ trình đặt ra ban đầu. Trong năm 2019, NAPAS tiếp tục thực hiện giảm phí chuyển mạch (lên đến 80% tùy theo từng loại giao dịch) cho các NH thành viên hoàn chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Ông Nguyễn Đức Trung - cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) - cho biết tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money) sẽ là một trong những giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khác cho các dịch vụ công.

"Bộ TT-TT sẽ tiếp tục làm việc với NH Nhà nước và các bộ, ngành liên quan để đề xuất Chính phủ chính sách thí điểm mobile money. Trước mắt, các nhà mạng di động lớn sẽ thực hiện thí điểm. Đảm bảo yêu cầu định danh khách hàng, đặc biệt phải đảm bảo yêu cầu bảo mật" - ông Trung nói.

* Ông Nguyễn Bá Diệp (đồng sáng lập và phó chủ tịch ví MoMo):

Muốn tham gia thanh toán dịch vụ công

Con số khoảng 5 triệu ví điện tử hiện nay vẫn còn quá ít nếu tính trên tổng dân số Việt Nam gần 100 triệu người. Người tiêu dùng vẫn chưa tin vào thanh toán điện tử nên thận trọng trước khi sử dụng dịch vụ.

Chúng tôi mong được Nhà nước giới thiệu trực tiếp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có ví điện tử, đến tận người tiêu dùng; được tham dự chương trình liên quan đến tài chính tổng quát, thanh toán không dùng tiền mặt ở nhiều khu vực nông thôn, tham gia thanh toán các dịch vụ tài chính công...

* Bà Nguyễn Thị Thúy Bình (phó tổng giám đốc Vietjet Air):

Doanh thu hơn 2 tỉ USD không qua tiền mặt

Từ khi thành lập đến nay, Vietjet liên tục phát triển các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt để tạo thuận lợi cho khách hàng mua vé và đại lý bán vé. Chẳng hạn, khách mua vé trực tiếp có thể thanh toán online bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM, e-banking, mobile banking, ví điện tử, QR payment...

Đến nay, khách hàng mua vé trên website của Vietjet Air có đến hàng chục lựa chọn khác nhau cho thanh toán. Khách hàng ở nông thôn, thành thị hay thậm chí khách hàng chưa có tiền cũng có thể mua vé của Vietjet Air thông qua các thẻ tín dụng. Chúng tôi cũng kết nối thanh toán với hải quan, thuế để thanh toán tự động, đăng ký hóa đơn điện tử.

Toàn bộ 100% doanh thu hơn 2 tỉ USD bán vé và các dịch vụ bảo hiểm, thương mại của chúng tôi đều thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt. Với 5.800 tỉ đồng thu nộp ngân sách năm 2018 của Vietjet, và tăng thêm mỗi năm, chúng tôi sẵn sàng cho giải pháp thanh toán trực tuyến toàn bộ những khoản thu nộp này.

Trong ngày 16-6, hưởng ứng "Ngày không tiền mặt" (16-6), tất cả khách hàng mua vé máy bay trả góp sẽ được hưởng ưu đãi đặc biệt là mức lãi suất 0% trong suốt thời gian vay do HDSaison cung cấp, khách mua vé máy bay trên trang web Vietjet, thanh toán bằng HDBank sẽ được hoàn tiền 36% vào tài khoản. (N.BÌNH ghi)

Không dùng tiền mặt: an toàn, đơn giản, sao chưa làm? Không dùng tiền mặt: an toàn, đơn giản, sao chưa làm?

TTO - Ngày 10-6, khi đề cập đến xử phạt giao thông, Cục CSGT đề xuất có thể quy định người dân đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng để thuận lợi khi xử phạt vi phạm, tránh đi lại nhiều lần.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên