28/04/2022 15:47 GMT+7

Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng là hoàn toàn cần thiết

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng: Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh khi được lập sẽ giúp nhiệm vụ chống "giặc nội xâm" liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung ương đến địa phương.


Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng là hoàn toàn cần thiết - Ảnh 1.

Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh - Ảnh: NGỌC THẮNG

Trình trung ương xem xét ở Hội nghị 5

Tại buổi thông báo về cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng chiều 27-4, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, trong cuộc họp sáng cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Bộ Chính trị đã có chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, sắp tới Ban Chỉ đạo ở cấp trung ương không làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cấp tỉnh, mà do Ban chỉ đạo cấp tỉnh triển khai, thực hiện. Trung ương chỉ đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi, đầu tàu.

Ông Học cũng thông tin thêm, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã cho ý kiến hoàn thiện đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, đề án sẽ được trình trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 diễn ra vào đầu tháng 5 tới. Sau khi trung ương có chủ trương, Bộ Chính trị sẽ có thông báo, hướng dẫn để các tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Bí thư sẽ quy định về chức năng nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Sửu, nguyên vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra trung ương, cho rằng chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết trong lúc này.

Bởi theo ông Sửu, vấn đề tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ ở cấp trung ương mà xảy ra từ cấp xã đến huyện, tỉnh.

Do vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh có thể được coi như là "cánh tay nối dài của trung ương" nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn bức xúc trong dân, những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực, tham nhũng ở địa phương.

Ông Sửu nêu rõ, Ban Chỉ đạo trung ương đã làm rất tốt nhiệm vụ trong thời gian qua và được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, do đó việc quan trọng nhất là cần xây dựng các quy định, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh sao cho hiệu quả, đạt được các yêu cầu, kỳ vọng đặt ra về việc không có vùng cấm, không chịu bất cứ áp lực nào trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nguyên vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra trung ương nói thêm, với Ban Chỉ đạo ở trung ương do Tổng bí thư là trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên là đại diện lãnh đạo các ban của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát...

Do đó, sau khi được thành lập, mô hình ở cấp tỉnh cũng nên được tổ chức với trưởng ban và các thành viên Ban chỉ đạo là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở địa phương.

Ngăn chặn từ sớm, từ xa các vi phạm, tham nhũng

Đồng quan điểm đó, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng cho hay chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một bước thể hiện quyết tâm cao hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.

"Sự ra đời của Ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chống "giặc nội xâm" được liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung ương đến địa phương", ông Dĩnh nói.

Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng dư luận thời gian qua có ý kiến chúng ta quan tâm nhiều đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở cấp trên, còn ở các cấp cơ sở từ thôn, xã, huyện... dù có xử lý nhưng ít được đề cập hơn. Vì vậy, với sự thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh chính là sự tăng cường quan tâm trực tiếp hơn đến cơ sở.

Thời gian qua, nhiều địa phương như ở Bình Thuận hay Khánh Hòa, Bình Dương... thì chính những người từng đứng đầu Đảng bộ, chính quyền như nguyên bí thư, nguyên chủ tịch UBND tỉnh lại mắc sai phạm bị xử lý Đảng, chính quyền, kể cả hình sự.

Thêm vào đó, việc "câu kết chặt chẽ, tinh vi" giữa bên ngoài và cán bộ nhà nước cũng diễn ra gây bức xúc như vụ Việt Á hay một số vụ khác.

"Nếu Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập làm thực chất, mạnh mẽ và không chịu sức ép nào sẽ giúp ngăn chặn được từ sớm, từ xa những hành vi vi phạm, tham nhũng như thế này trong thời gian tới", ông Dĩnh nói thêm.  

Xử lý vụ án FLC, Tân Hoàng Minh: Không có chuyện Xử lý vụ án FLC, Tân Hoàng Minh: Không có chuyện 'bắt chuột mà vỡ bình'

TTO - Việc điều tra, xử lý nghiêm sai phạm trong vụ án xảy ra tại các doanh nghiệp lớn vừa qua là cần thiết, hoàn toàn có lợi và “không có chuyện bắt chuột mà vỡ bình”.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0