17/11/2023 10:00 GMT+7

Thanh Hóa tập trung giải quyết việc thiếu giáo viên tiếng Anh và các môn đặc thù

Bước vào năm học mới 2023-2024, tỉnh Thanh Hóa xảy ra tình trạng thiếu giáo viên môn tiếng Anh và các môn đặc thù như tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đang tập trung giải quyết vấn đề này.

Giờ học môn tin học tại Trường THCS thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Giờ học môn tin học tại Trường THCS thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, hiện nay tổng số giáo viên trong biên chế hiện có ở các cấp học của tỉnh là 40.431 người. 

So với định mức quy định của tỉnh còn thiếu 6.884 giáo viên, trong đó: giáo viên môn tiếng Anh thiếu 277 người, giáo viên tin học thiếu 680 người, giáo viên âm nhạc thiếu 12 người, giáo viên mỹ thuật thiếu 209 người, tập trung ở các huyện miền núi, vùng cao, biên giới.

Nguyên nhân của việc thiếu giáo viên

Nhiều năm nay, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) thường xuyên thiếu giáo viên tiếng Anh và các môn đặc thù để dạy đủ Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. 

Năm học 2023-2024, ở cấp tiểu học chỉ có 10 giáo viên tiếng Anh/14 trường, thiếu 8 giáo viên theo quy định; 2 giáo viên tin học/14 trường, thiếu 6 giáo viên. Ở cấp THCS, phải cần 17 giáo viên tiếng Anh/13 trường, nhưng hiện tại chỉ có 11 giáo viên môn này, thiếu 6 giáo viên; môn mỹ thuật cần 7 giáo viên/13 trường, nhưng hiện tại có 4 giáo viên môn này, thiếu 3 người.

Giờ học môn mỹ thuật tại Trường tiểu học Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Giờ học môn mỹ thuật tại Trường tiểu học Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Từ năm học 2024-2025, nhu cầu số giáo viên tiếng Anh và môn đặc thù tiếp tục tăng, do thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 5 và lớp 9.

Ông Lê Huy Hà - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Sơn - cho biết do thiếu giáo viên tiếng Anh, các môn đặc thù đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn. 

Trước mắt, phòng đã phân công giáo viên các môn này dạy liên trường để đáp ứng dạy đủ chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều giáo viên tiếng Anh và các môn đặc thù chia sẻ, việc dạy liên trường ở các huyện vùng cao, biên giới sẽ gây khó khăn, áp lực cho giáo viên. Bởi vì đường sá đi lại khó khăn, khoảng cách giữa các trường xa nhau; việc dạy tăng tiết nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết nguyên nhân của việc thiếu giáo viên tiếng Anh và các môn đặc thù trên địa bàn tỉnh là do trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của bộ. Đồng thời, hằng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo nghị quyết số 19-NQ/TW của trung ương.

Những năm trước đây, tỉnh Thanh Hóa không tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho số giáo viên nghỉ hưu.

Do Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có nhiều thay đổi cơ cấu bộ môn, nên có môn thừa, có môn thiếu cục bộ. Đặc biệt là thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù như tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật.

Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, từ năm học 2022-2023, các môn tiếng Anh, tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp tiểu học được dạy từ lớp 3. Các môn âm nhạc, mỹ thuật là môn lựa chọn ở cấp THPT được dạy từ lớp 10, nên việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên nêu trên là do biên chế trung ương giao cho tỉnh thiếu nhiều, nên biên chế tỉnh giao cho các đơn vị còn thấp hơn so với nhu cầu. Tuy nhiên, ở một số đơn vị khi được tỉnh giao biên chế thì vẫn chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao.

Các giải pháp khắc phục việc thiếu giáo viên

Ông Trần Văn Thức - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa - cho biết sở đã và đang phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn các huyện thị, thành phố thực hiện tuyển dụng giáo viên kịp thời, hết chỉ tiêu biên chế được giao.

Giờ học môn tiếng Anh tại Trường tiểu học Quang Chiểu 2, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Giờ học môn tiếng Anh tại Trường tiểu học Quang Chiểu 2, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Trong đó, ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều như giáo viên tiếng Anh, tin học, mỹ thuật (cấp tiểu học); giáo viên tin học, tiếng Anh, mỹ thuật (cấp THCS) và giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (cấp THPT).

Các địa phương chưa kịp tuyển dụng giáo viên các môn nêu trên thì thực hiện hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường và số giáo viên đã nghỉ hưu, còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề. Bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy liên cấp, dạy tăng tiết nhằm đảm bảo có đủ giáo viên dạy học theo chương trình mới.

Quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở khu vực miền núi, nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý yên tâm với nghề, gắn bó công tác lâu dài tại khu vực miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, mời các đơn vị đào tạo có uy tín, chất lượng hàng đầu về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ.

Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đã và đang tập trung tuyển mới giáo viên tiếng Anh và các môn đặc thù như tin học, âm nhạc, mỹ thuật để bổ sung cho các cấp học theo hưởng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Trước mắt, thực hiện biệt phái giáo viên tiếng Anh (cấp THPT) từ miền xuôi lên miền núi để giảm thiểu tình trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ khu vực miền núi.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cùng các địa phương đã và đang chỉ đạo các nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. 

Trong đó, giáo viên sử dụng các phần mềm hỗ trợ học tập ngoại ngữ (tiếng Anh); đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực để hỗ trợ học sinh đạt chuẩn năng lực đầu ra theo quy định.

Xây dựng và duy trì môi trường tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ, ưu tiên các hoạt động theo định hướng nghề nghiệp, phục vụ nhu cầu công việc và hỗ trợ kết nối như hệ thống thư viện, mạng Internet.

Khuyến khích các trường học có nhu cầu và điều kiện thực hiện các chương trình song ngữ, xây dựng các chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường với thời lượng nhiều hơn và với trình độ năng lực ngoại ngữ cao hơn ở các cấp học.

Các địa phương và nhà trường cũng đã và đang rà soát hiện trạng sử dụng cơ sở vật chất phục vụ dạy học ngoại ngữ và các môn đặc thù, để tham mưu cho ngành chức năng xây dựng kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các bộ môn này. 

Theo dõi việc sử dụng hiệu quả trang thiết bị đã được cấp phát, phục vụ cho công tác giảng dạy tiếng Anh và các môn đặc thù.

Ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa vượt khó để nâng cao chất lượng toàn diệnNgành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa vượt khó để nâng cao chất lượng toàn diện Thanh Hóa đang hiện thực hóa trở thành cực tăng trưởng mới của Tổ quốcThanh Hóa đang hiện thực hóa trở thành cực tăng trưởng mới của Tổ quốc Hàng ngàn đoàn viên, thanh niên Nha Trang tham gia xây dựng văn hóa giao thôngHàng ngàn đoàn viên, thanh niên Nha Trang tham gia xây dựng văn hóa giao thông
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên