31/01/2019 14:49 GMT+7

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 7: Thương hồ làng hoa

TH.NHƠN - M.TRƯỜNG
TH.NHƠN - M.TRƯỜNG

TTO - Làng hoa Sa Đéc trước kia được xem là xứ "khuất nẻo", giao thông chủ yếu bằng đường sông. Chính vì thế nghề thương hồ gắn chặt với làng hoa Sa Đéc từ bao đời qua. Thăng trầm, trôi nổi cùng sự phát triển của làng hoa trăm tuổi này.

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 7: Thương hồ làng hoa - Ảnh 1.

Anh Trần Văn Hận chở hoa tết đi bán - Ảnh: T.NHƠN

"Nghề thương hồ hoa ngày xưa nhộn nhịp lắm. Ngay tại cái bến trung chuyển hoa kiểng đường Lê Lợi bây giờ ngày xưa tập trung hàng trăm ghe, thuyền những ngày tết đến. Mỗi ghe mang theo hàng trăm, hàng ngàn giỏ hoa tỏa đi khắp lục tỉnh" - ông Trần Văn Năng (55 tuổi, ngụ phường Tân Quy Đông), người gắn bó với nghề thương hồ 30 năm, cho biết.

Theo ông Năng, ngày xưa làng hoa Sa Đéc chỉ có vài chục hộ trồng hoa tết. Do đường sá đi lại khó khăn, kênh rạch chằng chịt lại thêm phần thương lái ít ỏi nên người nông dân vừa trồng hoa vừa đảm nhận luôn việc buôn bán hoa. Ngày đó thuyền, ghe trở thành phương tiện chính để chuyên chở hoa tết đến tay khách thập phương.

Nghề báo hiệu mùa xuân

Thông thường khoảng 23 tết nhà vườn Sa Đéc sẽ chất hoa lên ghe, bắt đầu hành trình "đem hoa đi đánh xứ người". Hoa từ đây phần nhiều theo đường sông tỏa đi khắp lục tỉnh Nam Kỳ, còn lại đi đường bộ đổ ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc.

"Ngày trước đi ghe từ Sa Đéc tới Sài Gòn tròm trèm ba ngày. Người ta chỉ chừa một ô nhỏ vừa khít để ngồi, suốt mấy ngày đường người bán hoa ngủ nghỉ trên ghe. Những năm 1980 tui đã theo ông, cha lên ghe đi Sài Gòn bán chợ hoa tết. Năm nào ghe hoa cũng đậu ở bến Bạch Đằng, bến Hàm Tử. Sau này hết ăn tui mới chuyển sang bán ở Vĩnh Long, Cần Thơ" - ông Năng chia sẻ.

Cũng như ông Năng, ông Dương Văn Nghĩa (62 tuổi, quê Bến Tre) cũng theo nghề thương hồ 40 năm nay. Ông là một trong số ít thương hồ tỉnh khác đến bám trụ tại làng hoa Sa Đéc để mưu sinh. 

"Tôi xuất thân là thương hồ chở hoa ở làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Do có vợ bên Đồng Tháp nên tôi chuyển qua đây làm ăn cho vợ con đỡ nhớ quê. Nhưng cái chính là chỉ làng hoa Sa Đéc mới có hoa để bán quanh năm" - ông Nghĩa nói.

Vào những năm cuối thập niên 1980, các ghe bầu chở đầy hoa từ miền Tây cập bến Bình Đông là những dấu hiệu đầu tiên báo mùa xuân về. 

"Người dân Sài Gòn rất yêu hoa, đặc biệt là hoa miền Tây với vẻ đẹp dung dị, không cầu kỳ như những giống hoa ngoại nhập sau này. Họ thấy tụi tôi cập ghe hoa là nói liền: mấy ông thương hồ như người báo hiệu mùa xuân vậy!" - ông Nghĩa cho biết.

Nhưng đã hơn 10 năm nay, ông Nghĩa, ông Năng không còn giong thuyền chở hoa lên Sài Gòn bán nữa. Những ngày tết, ông Nghĩa cũng chở hoa đi bán nhưng chỉ bán ở các tỉnh miền Tây với cự ly ngắn hoặc có ai thuê chở mướn hoa từ trong vườn ra bãi tập kết thì đi.

Bà Trương Tuyết Mai (60 tuổi, phường Tân Quy Đông) cho biết thêm nghề thương hồ chỉ nhộn nhịp vào thập niên 1980, 1990. Từ những năm 2000 khi đường sá được Nhà nước mở rộng, những nhịp cầu bắc đôi bờ được xây dựng thì nghề thương hồ cũng bắt đầu mai một, dần lụi tàn.

Ngày nay lái hoa đến tận nhà đặt cọc rồi gom hàng, đâu nhọc nhằn như nghề thương hồ xưa.

Ông Lê Ngọc Tuấn

Thăng trầm làng hoa Sa Đéc - Kỳ 7: Thương hồ làng hoa - Ảnh 3.

Một chiếc ghe thương hồ hoa mùa tết của Sa Đéc - Ảnh: T.NHƠN

Vẫn gắn bó với hoa

Ông Lê Ngọc Tuấn (53 tuổi, phường Tân Quy Đông) theo nghề thương hồ từ năm 22 tuổi cho biết: "Hầu như bất kỳ ai ở vùng này cũng từng theo ghe đi bán hoa tết. Nghề cứ thế truyền lại, chỉ có gần chục năm nay mới dần mai một. Nghề thương hồ gắn với mưa nắng, nhọc nhằn nên riết người ta bỏ nghề. Mấy mùa bán hoa tết ở Cao Lãnh của tui cũng lắm trần ai".

Dù không còn theo nghề thương hồ nhưng hiện ông Tuấn vẫn trồng hoa hồng trên vườn nhà. Những ngày cuối năm, ông tất bật gói hồng chở ra điểm tập kết giao cho thương lái. 

"Ngày nay lái đến tận nhà đặt cọc rồi gom hàng, đâu nhọc nhằn như nghề thương hồ xưa. Thương hồ thì bỏ nhưng nghề trồng hoa tết tui vẫn giữ" - ông Tuấn cho biết.

Như bao thương hồ khác tại làng hoa, bà Trương Tuyết Mai bỏ nghề thương hồ nhưng vẫn chọn gắn bó với hoa. Tết này bà trồng khoảng 2.000 giỏ hoa các loại để bán tết. Bà cho biết đã bỏ nghề thương hồ hoa cách đây ba năm. 

Bỏ nhưng bà cho biết mình vẫn nhớ như in những ngày làm thương hồ hoa tết. Có những lúc người mua hoa không nhiều khiến bà bị lỗ sở hụi. Có những mùa hoa khi bán xong hoa giong ghe về đến nhà đã mùng 3 tết.

Chuyển hướng Campuchia

Có mặt ở bến hoa từ sớm để chờ nhà vườn đem hoa ra giao, anh Trần Văn Hận cho biết đã gắn bó với nghề thương hồ hơn năm năm. Những ngày thường anh giong ghe về Lai Vung, Lấp Vò mua cam, quýt, rau củ bán lại cho bà con miệt vườn. 

Thời điểm cận tết, anh chuyển qua mua hoa bán lại cho mấy doanh nghiệp hoặc bà con vùng Tháp Mười, Tam Nông. Trên chiếc ghe của anh Hận là hàng trăm giỏ hoa hoàng yến, hoa trang, dừa cạn, mười giờ đã được đối tác đặt hàng trước. Ngoài ra anh còn mua vài loại hoa mới để chào hàng và bán lẻ kiếm thêm vài đồng tiêu tết.

"Nghề này không giàu có nhưng cũng đủ ăn. Mình chỉ nhọc công giong ghe đi lấy hàng rồi bỏ lại cho bạn hàng. Nhờ lấy hoa tận gốc nên giá rẻ, lấy công làm lời" - anh Hận cho biết.

Ngoài cung ứng cho thị trường nội địa thì những năm gần đây nhiều thương hồ đã đưa hoa tết Sa Đéc xuất ngoại qua... Campuchia. Ông Ngô Minh Thái đã có hơn 20 năm chở hàng hoa đi bán tại Campuchia. Những ngày này ông tất tả về miệt Cái Mơn chở hạnh, mai rồi giong ghe về Sa Đéc lấy thêm mai hoa đăng, cúc để cung ứng cho bạn hàng. 

Những chuyến hàng của ông có khi kéo dài hàng tháng trời và người làm công cho ông đều là họ hàng bà con chung quê. "Nghề này cực lắm, những người có vợ con ít ai chọn. Bởi vậy tui mới kéo người nhà đi theo ghe. Tụi nó cũng như mình, đi biền biệt xa nhà suốt hàng tháng trời" - ông Thái nói.

Vẫn sống được với nghề thương hồ hoa

hoa kiểng

Ông Ngô Minh Thái và số hoa kiểng sẽ chở qua Campuchia - Ảnh: T.NHƠN

Theo ông Thái, nhờ dân Campuchia vẫn thích hoa Việt Nam bởi màu sắc và mẫu mã đẹp nên gia đình ông làm ăn cũng khấm khá. Nhiều người thấy vậy cũng sắm ghe để chở hoa kiểng sang Campuchia bán như ông Thái.

"Mình cố gắng duy trì nghề thương hồ hoa bằng nhiều cách, miễn sao hoa tết Sa Đéc đến với bạn bè bốn phương là bản thân đã cảm thấy vui rồi" - ông Thái nói.

___________________________

Kỳ tới: Sa Đéc làm du lịch hoa

TH.NHƠN - M.TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên